Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2021

Covid-19, người trồng đào Hải Dương kêu cứu

Đại dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ, người trồng đào ở Hải Dương như đang ngồi trên đống lửa vì thấy trước một mùa đào Tết thất thu. Chưa đầy 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, nhiều thương lái đã hủy giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc.

Trước tình trạng đại dịch Covid-19 bùng phát bất ngờ tại Hải Dương nói riêng, dù chưa tới 10 ngày nữa là Tết Nguyên đán 2021, nhưng người trồng đào ở Hải Dương đang rất sốt ruột. Ai cũng lo lắng như ngồi trên đống lửa vì tình hình kinh doanh bị chậm lại, thấy trước một mùa đào Tết thất thu. Nhiều thương lái thu mua đào, sau khi nghe tin Hải Dương bị phong tỏa do dịch bệnh đã lập tức hủy giao dịch, đòi lại tiền đặt cọc.

Vì thế, vợ chồng ông Nguyễn Nhân Chơi (SN 1958) và bà Vũ Thị Ghi (SN 1967) ở khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng, TP. Hải Dương giờ này đứng ngồi không yên.

Ông Chơi chia sẻ, nhà ông có 700 gốc đào được trồng trên diện tích 6 sào. Khi còn chưa bán được cây đào nào thì dịch bệnh xuất hiện khiến cả gia đình ông mất ăn mất ngủ bởi quá lo lắng, không biết đào Tết năm nay bán thế nào.

Nhà ông trồng đào bán Tết được 5 năm nay. Những năm trước, ông vừa trồng lúa vừa trồng 1 sào đào để giữ đất. Tết đến, nhà ông thu về tầm 20-25 triệu đồng từ trồng đào.

Năm ngoái, Tân Hưng lên phường. Người dân nơi đây nghe lời kêu gọi của xã chuyển từ trồng lúa sang trồng đào canh tác để thu lời cuối năm. Nhà ông Chơi cũng chuyển hơn 6 sào lúa sang trồng đào, với 700 gốc.

“Trước Tết hơn 1 tháng, các thương lái ở Hà Nội tìm đến tận vườn đào nhà tôi để đặt cọc mua buôn. Thương lái trả giá 230.000 đồng/cành, tương đương vườn đào nhà tôi cho thu hơn 140 triệu đồng. Họ đặt cọc tiền luôn. Cả nhà đang phấn khởi vì đào trồng cả năm cũng được giá, trừ mọi chi phí thu lãi khoảng 90 triệu đồng. 

Nhưng mấy hôm vừa rồi, nghe tin Hải Dương có dịch, họ gọi điện hủy cọc và đòi lại tiền đã đặt trước đó. Nhà tôi đành phải ngậm ngùi trả lại tiền cho thương lái vì giao dịch không thành công. Bởi hiện nay, đường nào cũng cấm xe nên thương lái không thể vào tận nhà vườn thu mua buôn được”, ông Chơi buồn bã kể.

Giờ ông đang tính phải chuyển từ bán buôn sang túc tắc bán lẻ đào Tết.

“Tầm 21-22 Tết trở đi, nếu tình hình vẫn im ắng như thế này thì nhà tôi phải lên kế hoạch thay phiên nhau đi bán lẻ đào. Nhưng chưa thực hiện đã thấy không khả quan. Song với người nông dân như chúng tôi còn nước còn tát, chứ để hết đào ngoài ruộng cũng xót ruột lắm. Mà bán lẻ đào trong địa bàn tỉnh thì rất chậm vì ở quê hầu như nhà nào cũng trồng một vài cây trong vườn”, ông thở dài.

{keywords}
Ông Nguyễn Nhân Chơi buồn xo vì đào ế ẩm không bán được vì dịch bệnh
{keywords}
Những cây đào chờ người đến mua
{keywords}
Ông kêu gọi mọi người hỗ trợ, giải cứu giúp gia đình mình và các hộ trồng đào khác ở Hải Dương

Theo ông Chơi, em ruột ông là Nguyễn Nhân Chuyển, khu Thanh Liễu, phường Tân Hưng cũng rơi vào tình cảnh điêu đứng vì 4 mẫu đào với 1.200 gốc đang ế ấm. Ước tính thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng nếu không bán được đào.

“Người dân chỗ tôi mọi người trồng đào hết. Những năm trước, dù thời tiết nắng ấm và trồng ít nhưng gia đình nào cũng có lãi. Nhưng năm nay, nhà nào cũng trồng ít nhất 5-6 sào, với khoảng trên dưới 1.000 cành thì lo lắng lắm. Riêng những nhà trồng mấy mẫu đào trở lên mà tình hình dịch bùng phát như hiện nay thì chỉ biết khóc ròng vì xác định trắng tay và có nguy cơ nợ ngân hàng lên tới hàng tỷ đồng”, ông Chơi tâm sự.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người trồng đào như ông Chơi chỉ mong dịch nhanh chóng được kiểm soát để các thương lái vào mua buôn, người trồng đào gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy.

“Ở Hải Dương giờ chỉ bán cho người trong tỉnh mua trực tiếp thôi. Vì thế, mọi người nếu có người thân ở Hải Dương thì giới thiệu mua giúp, giải cứu đào Tết giúp nhà tôi và các hộ khác ở đây. Ngoài ra, tôi cũng mong các cơ quan ban ngành có chính sách hỗ trợ cho những người trồng đào, quất thất thu vì dịch Covid-19 như chúng tôi”, ông Chơi nói.

Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét