Những căn biệt thự rộng hàng trăm mét vuông, nằm ở vị trí đắc địa trung tâm Hà Nội từng là nơi ở của các đại gia giàu nức tiếng Hà Nội xưa.
Biệt thự 200 m2 của đại gia buôn lụa giàu nức tiếng Hà Nội xưa
Nằm ngay mặt đường phố cổ Hàng Đào sầm uất, căn nhà số 72 của gia đình ông Nguyễn Thái An nổi bật bởi nét rêu phong và kiến trúc cổ kính. Căn nhà rộng gần 200m2, gồm hơn 10 phòng được xây dựng từ những năm 40 của thế kỷ trước.
Ông An sinh năm 1943, là con cả trong một gia đình có 12 anh em. Cha ông là cụ Nguyễn Văn Lợi, một nhà buôn tơ lụa giàu có nổi tiếng ở phố cổ Hàng Đào (Hà Nội). Còn mẹ ông là bà Nguyễn Thị Hồng cũng được xem là giai nhân với vẻ đẹp "nghiêng nước, nghiêng thành" thời đó.
Theo tiết lộ của ông Nguyễn Thái An, ngôi nhà được bố mẹ ông mua lại từ những năm 1940 để mở cửa hiệu kinh doanh tơ lụa và quần áo. Sau đó, gia đình ông An thuê kiến trúc sư người Pháp, thiết kế lại toàn bộ không gian. Mất khoảng vài năm căn nhà mới được xây dựng xong.
Khi căn nhà hoàn thiện, tầng 1 được gia đình dùng làm cửa hàng giao dịch, các tầng 2, 3 có các phòng lớn để chứa hàng như: kiện vải, quần áo… các loại. Riêng người làm, đầu bếp, vú nuôi… đều có các phòng sinh hoạt riêng.
Nằm ở vị trí đắc địa, với mặt tiền hướng ra phố Hàng Đào và chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 100 m, căn nhà từng nhiều lần được trả giá cao nhưng ông An không bán mà muốn gìn giữ, bảo tồn lại cho thế hệ sau. Cho đến nay, kiến trúc của căn nhà vẫn không thay đổi, nhiều đồ vật từ thế kỷ trước vẫn được gia đình ông An sử dụng.
Biệt thự vườn rộng 700m2 của đại gia buôn vàng phố cổ một thời
Nằm giữa trung tâm Phố cổ Hà Nội sầm uất, ngôi nhà cổ số 6 Đinh Liệt là công trình hiếm hoi vẫn giữ nguyên vẹn được nét kiến trúc cổ kính xưa, với sân vườn xanh mát bao quanh. Chủ nhân của ngôi nhà là vợ chồng cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề, đều là những thợ kim hoàn nức tiếng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Ông Phạm Ngọc Giao, con trai cả của cụ Phạm Thị Tề cho biết, trước năm 1944, công trình thuộc về một nữ đại gia phố Hàng Bồ. Sau đó, căn nhà được cụ ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao), và cụ Bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) mua lại với giá 50.000 đồng Đông Dương. Sau khi mua lại, ngôi nhà được ông Phạm Khắc Hệ, một trong những KTS đầu tiên của Việt Nam thiết kế lại toàn bộ công trình, bao gồm cả khu vực vườn tược và nhà ở.
Về kiến trúc, ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Pháp với nhà truyền thống của người Việt. Các cột, kèo bên trong nhà đều được làm bằng gỗ đinh. Khu vực bên trong ngôi nhà vẫn giữ được nhiều đồ nội thất, trang trí đắt giá.
Trong đó, bộ bàn ghế cổ gần 100 tuổi được nhập khẩu từ Pháp về. Ông Giao cho biết, điểm đặc biệt của bộ bàn ghế này là được chính các thợ mộc người Pháp làm thủ công từ đầu thế kỷ 20.
Biệt thự cổ của đại gia Hàng Bè: Rộng 800m2, nội thất nhập toàn từ châu Âu
Nằm ngay giữa phố cổ Hà Nội sầm uất, căn biệt thự của gia đình cụ Trương Thị Mô (sinh năm 1924) nổi bật bởi nét rêu phong và kiến trúc cổ kính. Công trình có tổng diện tích 800 m2 được xây dựng từ năm 1925, cách đây khoảng 100 năm.
Theo đó, căn biệt thự được xây dựng bởi cụ Trương Trọng Vọng, bố đẻ cụ Mô. Những năm 20 của thế trước, ông là một doanh nhân thầu khoán (chủ thầu xây dựng) giàu nức tiếng ở Hà Nội. Cụ Vọng là người gốc Văn Điển (Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội). Toàn bộ công trình được thiết kế bởi một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp, đi kèm là đội nhân công xây dựng lên tới gần 100 người từ các tỉnh thành gần Hà Nội. Căn biệt thự được xây miệt mài trong 1 năm mới hoàn thiện.
Công trình được xây dựng theo lối kiến trúc Pháp, với các phòng riêng biệt và hệ thống giếng trời, sân vườn được bố trí hài hòa. Điểm nhấn trong căn biệt thự này chính là 4 cột đá nguyên khối, được chạm khắc tinh xảo các họa tiết "Đào - Cúc - Trúc - Mai" với ý nghĩa mang lại may mắn, thịnh vượng, giàu sang và sự ấm no cho gia chủ.
Dù được xây dựng cách đây cả trăm năm nhưng thiết kế của căn biệt thự đã khá hiện đại, các phòng đã được thiết kế nhà vệ sinh khép kín, nhà tắm riêng, phòng ngủ của chủ có thêm quạt trần, sập gụ, tủ, giường bằng gỗ lim sang trọng.
Căn biệt thự có cả phòng ngủ cho từng thành viên trong gia đình, phòng dành cho khách, phòng ăn, phòng cho người ở. Tất cả các phòng được thiết kế kết nối với nhau, tạo thành một thể thống nhất. Hầu hết nội thất trong căn biệt thự Hàng Bè đều được nhập khẩu từ châu Âu hoặc Hồng Kông.
(Theo Dân Trí)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét