Các nhà đầu tư lấy lại phần nào trong tổng số tiền hơn 35 tỷ USD đã mất trong thời gian ngắn vừa qua sau khi lực bắt đáy tăng mạnh, với không ít lệnh mua vào đến từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Sau phiên giảm lịch sử 28/1, sáng ngày 29/1 thị trường chứng khoán tiếp tục giảm khá mạnh hơn 15 điểm vào đầu phiên nhưng nhanh chóng tăng trở lại hơn 10 điểm chỉ khoảng 15 phút sau khi chốt phiên khớp lệnh định kỳ đầu giờ.
Tính tới 9h46 sáng 29/1, chỉ số VN-Index tăng 17,83 điểm (+1,74%) lên 1.041,77 điểm.
Gần như tất cả các cổ phiếu trong nhóm 30 cổ phiếu lớn VN30 đều tăng giá, trong đó khối ngoại mua vào mạnh Thế Giới Di Động (MWG), Vinhomes (VHM), HDBank (HDB), VietinBank (CTG), MBBank (MBB), Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Sacombank (STB), Novaland (NVL)…
Khối ngoại tiếp tục đổ tiền vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bất động sản và bán lẻ.
Trong phiên 28/1, thị trường chứng khoán đã chứng kiến cú giảm chưa từng có trong lịch sử với vốn hóa mất khoảng 15 tỷ USD. Chỉ số VN-Index rớt hơn 73 điểm (tương đương giảm 6,67%) về ngưỡng 1.023,94 điểm.
Chứng khoán tăng trở lại sau phiên giảm lịch sử. |
Đây là mức giảm điểm tính theo ngày mạnh chưa từng có trong lịch sử hai thập kỷ chứng khoán Việt Nam và chỉ thấp hơn chút xíu so với mức giảm 75 điểm trong buổi sáng ngày 19/1 vừa qua.
Trong phiên 28/1, các chỉ số HNX-Index và Upcom-Index cũng giảm kỷ lục. HNX-Index giảm 17,74 (tương đương giảm 8,04%) xuống 203,05 điểm, trong khi Upcom-Index giảm 5,34 điểm (tương đương giảm 7,18%).
Trên thị trường có thời điểm, cả 30 mã cổ phiếu lớn nhất VN30 đều giảm sàn. Tới cuối phiên, số cổ phiếu giảm hết biên độ cho phép (-7%) là 28 mã, với những tên tuổi như Vingroup, Vinhomes, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, Vinamilk…
Đây cũng là một phiên giao dịch hiếm có với hàng trăm mã đồng loạt giảm sàn, trắng bên mua.
Các cổ phiếu đồng loạt giảm sàn bất chấp nhiều doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh tích cực, lợi nhuận có doanh nghiệp tăng bằng lần.
Thị trường xấu đi cũng là lúc các nhà đầu tư mới tham gia thị trường (F0) hoảng loạn và bán bằng mọi giá, nhất là trong phiên ngày 19/1 và 28/1 hoặc sẽ bị công ty chứng khoán bán giải chấp khi vi phạm tỷ lệ ký quỹ tối thiểu.
Chứng khoán giảm mạnh trong vài phiên gần đây sau khi Việt Nam ghi nhận nhiều ca nhiễm Covid trong cộng đồng sau 55 ngày không có ca nhiễm.
Theo MBS, thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một phiên biến động mạnh hơn so với thị trường quốc tế. Tron tuần trước, VN-Index đứng đầu toàn cầu về mức sụt giảm theo tuần thì phiên 28/1 là phiên giảm mạnh nhất theo ngày.
Về kỹ thuật, phiên giảm mạnh 28/1 như cú “đạp bồi” xác nhận thị trường rơi ra khỏi vùng tích lũy trong hơn 1 tuần vừa qua. Tuy vậy, khả năng thị trường cũng sẽ có những phiên hồi kỹ thuật trong các phiên sắp tới, nếu lực cầu bắt đáy vẫn được duy trì ở mức cao thì cơ hội hồi phục sẽ đến sớm, ngược lại dòng tiền “thờ ơ” thì nhà đầu tư nên chuẩn bị kịch bản thận trọng hơn.
M. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét