Với nhiều người, Tết đến có thể bỏ một khoản tiền lớn mua lại cả vườn đào để bán lẻ đã ăn nên làm ra. Nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung thì sợ mất mật vì ngay chuyến buôn đào đầu tiên trong đời anh đã lỗ đậm.
Khi nhắc tới chuyện đi buôn đào ngày Tết, anh Nguyễn Văn Trung ở Đông Lao (Hà Nội) vẫn thấy hãi hùng. Hai năm trước, anh từng dốc hết vốn liếng bao tháng ngày đi làm dành dụm được để buôn đào, mong kiếm được cái Tết ấm. Song, anh đã thất bại thảm hại. Vợ chồng anh vừa rước mệt mỏi vào người, vừa lỗ mất 30 triệu tiền vốn.
Anh Trung kể, anh là thợ điện nước, đi làm quanh năm nhưng mùa Tết lại không có khách. Vì thế, cứ đến tháng cuối năm, anh nghĩ ra đủ việc để làm nhằm lo được cái Tết trọn vẹn cho gia đình. Năm thì anh nhận chở hoa, cây cảnh ngày Tết, năm thì anh đi bán quất, bán bưởi. Dù vất vả làm lụng nhưng anh cũng có khoảng 10-15 triệu đồng tiêu Tết.
Năm 2018, vợ chồng anh Trung bỏ ra 30 triệu để đặt cọc mua đào bán Tết |
Khi đó, đào mới có nụ và hoa chớm nở |
Năm 2018, thấy nhiều người mách đi buôn đào Tết trúng lớn, anh Trung cũng lăm le lên kế hoạch. Anh bàn với vợ bỏ ra 30 triệu đồng để đến La Cả - một làng trồng nhiều đào ở Hà Nội - mua cây đào bán Tết. Vợ anh cũng rất ủng hộ chồng.
“Vậy là vợ chồng mình vét sạch tiền, bỏ ra 30 triệu tìm đến La Cả đặt mua hai vườn đào nhỏ: 1 mảnh vườn có 200 cây đào mình mua với giá 20 triệu đồng; 1 mảnh nhỏ hơn có 100 cây đào mình mua với giá 10 triệu đồng. Tất nhiên, đây là những cây đào nhỏ, thương lái lớn bỏ lại, không mua nữa. Vì thế, chúng có giá rẻ chỉ khoảng 100.000 đồng/cây”, anh Trung kể.
Để mua được hai vườn đào nhỏ ấy, vợ chồng anh Trung phải đặt cọc cho chủ vườn một nửa số tiền, một nửa còn lại khi bán xong anh Trung thanh toán nốt.
Từ ngày 14 tháng Chạp âm lịch, vợ chồng anh Trung bắt đầu đánh cây và chặt đào đi bán. Với những cây đào có dáng đẹp, vợ chồng anh bán ở Hà Đông, còn những cây nhỏ hơn thì chặt cành bán. Hai người bán ở hai điểm khác nhau, từ 22 tháng Chạp, vợ chồng anh còn nhờ thêm hai đứa cháu mang tới các địa điểm khác ở Hà Đông bán.
Vì cây đào, cành đào của vợ chồng anh Trung có giá thành vừa phải, hợp với túi tiền của những gia đình thu nhập thấp mà vẫn đẹp, có đầy đủ hoa lá nên 5 ngày đầu anh Trung bán khá chạy.
“Mình mua đổ xô 100.000 đồng/cây. Ban đầu mình bán giá từ 150.000 đồng/cây hoặc 1 cành đào. Có những cây mình bán được 250.000 đồng. Mỗi ngày mình bán được khoảng 20 cành, đến 22-23 Tết đông khách mình bán được cả 100 cành. Sau 7 ngày đầu tiên, vợ chồng mình bán được 200 cây đào, thu cả gốc cả lãi được khoảng 32 triệu đồng”.
Nhưng do thời tiết nắng ấm, đào bung nở khiến anh không thể bán được, đành bỏ cọc mất 5 triệu đồng và thua lỗ nặng |
Đang buôn bán đào thuận lợi thì 7 ngày cận Tết, thời tiết bắt đầu nắng nóng bất thường khiến các loại hoa chơi Tết nói chung và vườn đào còn 100 cây của anh Trung đồng loạt bung nở rộ, khiến những người buôn đào như anh điêu đứng mặc dù hoa đào năm ấy đang bán chạy và được giá.
Do đó, khi đánh 50 cây đào đi bán, trong 3 ngày vợ chồng anh Trung bán không hết: “Cũng dễ hiểu thôi, bởi tâm lý chung của người mua đào luôn muốn có cả hoa và nụ để chơi xuân. Nếu chỉ 24-26 Tết mà mua cây hoa đã nở hết thì trong 3 ngày Tết hoa sẽ rất chóng tàn. Vì thế, khách nào cũng. Thậm chí, nhiều khách chờ đến tận 29 Tết họ mới mua đào để chơi Tết cho đẹp”, anh chia sẻ.
Để thu hồi vốn, vợ chồng anh Trung đã phải bán tống bán tháo 50 cây đào đã đánh với giá 50.000-70.000 đồng/cây. “Giá nào vợ chồng mình cũng bán. Vì thời điểm đó, hoa đã nở bung gần hết nên chấp nhận bán để vớt vát ít vốn. Số tiền cả gốc và lãi thu được đợt này chỉ gần 3 triệu đồng, lỗ gần một nửa so với tiền gốc”.
Ngày 27 Tết, vườn đào anh Trung đặt mua vẫn còn 50 cây đào nữa nhưng vợ chồng anh đã quá mệt mỏi, không còn tâm trạng muốn đánh đào đi bán. Nhìn cả vườn, cũng không còn được mấy cây để bán nữa do đào đã nở rất nhiều. "Mình bàn với vợ bỏ lại tiền đặt cọc, không lấy đào bán nữa cho mệt người”, anh Trung buồn bã kể.
Vì bỏ lại tiền đặt cọc, không lấy đào bán nên 50 gốc đào của anh vẫn còn nguyên tại vườn. Vợ chồng anh chấp nhận mất 5 triệu tiền cọc ban đầu, bởi nếu đến lấy nốt đào để bán, có khi còn đến 10-15 triệu nữa.
Tính ra cả cái Tết ấy, bỏ ra 30 triệu đặt mua 300 cây đào Tết, vợ chồng anh Trung chỉ thu về tất cả khoảng 35 triệu đồng.
“Ngoài chấp nhận mất 5 triệu đặt cọc, vợ chồng mình còn phải trả 4 triệu đồng thuê 2 cháu bán đào đợt đầu. Chưa kể tiền vốn bỏ ra và ăn uống, đi lại bán hàng 15 ngày Tết vất vả. Tính ra, vợ chồng mình lỗ nặng còn rước mệt người. Năm ấy, cả nhà ăn Tết buồn so. Vợ chồng chẳng còn tiền mà sắm Tết, đành phó thác hết cho bố mẹ già lo liệu”, anh tâm sự.
Trao đổi về việc có cách nào để hạn chế hoa đào nở nhanh khi thời tiết nắng ấm, người đàn ông này ngao ngán: “Chẳng có cách nào đâu, bởi đào đã nở thì cả cây sẽ đua nhau nở. Tiểu thương bán hàng như mình chỉ có cách là tỉa bớt hoa đang nở trên cây/cành thôi”.
Thảo Nguyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét