Thứ Hai, 27 tháng 1, 2020

Ở làng đàn ông không biết cày, đàn bà không biết cấy

 - Làng nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ nhưng cơ bản đàn ông Báo Đáp không biết cày, đàn bà không biết cấy.

Làng Báo Đáp còn có tên gọi làng Hóp (thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) nằm giữa vùng đồng trũng mênh mông nên dân làng lưu truyền câu ca ai oán:

“Quê tôi đồng trắng nước trong
Gạo thóc thì ít, rêu rong thì nhiều”

Khi mùa lũ, dòng nước của Sông Ninh Cơ và Sông Hồng khiến cho làng thêm khốn khó, nhưng hai con sông này lại là đường giao thương tuyệt vời cho người làng Hóp sớm hình thành nghề buôn bán. Dựa vào sông, dân làng đưa sản vật đi khắp các vùng. Vùng Sơn Nam hạ xưa là trung tâm của đồng bằng Bắc Bộ, hàng hóa các nơi tập trung về đây rồi được phân phối đi khắp với đủ lại từ sản vật nông nghiệp, thủ công nghiệp đến lâm, ngư nghiệp,.. nhưng phong phú hơn cả là hàng tơ sợi.

Do vậy, người dân Báo Đáp đã học thêm nghề dệt vải, với ban đầu là nghề phụ, hỗ trợ thêm nông nghiệp vốn không thuận lợi, nhưng lâu dần trở thành nghề chính, từ dệt thô đến nhuộm thâm đen. Kỹ thuật dệt vải và nhuộm thâm đen của dân làng Báo Đáp cũng không có gì đặc biệt hơn các làng vùng Sơn Nam.

Nhưng quá trình hình thành và phát triển nghề đã cho họ tiếp xúc thị trường, quan hệ giao thương ngày càng rộng rãi và nguồn lợi từ thương nghiệp mang lại đã khiến cho nghề nông trở thành thứ yếu.

Điều đặc biệt, khác với nhiều làng buôn khác thường gắn với hình ảnh “chạy chợ” của người phụ nữ, thì ở Báo Đáp chủ yếu đàn ông gánh vác. Với sức vóc của đàn ông, họ đã vượt qua khoảng cách địa lý, tổ chức từng gánh nhuộm, rời làng đi vào tận Nghệ An, Hà Tĩnh, lên cả vùng Tây Bắc, Việt Bắc và sang cả Lào, Campuchia,… họ nhuộm thuê, bán vải, bán thuốc nhuộm và mua lại sản vật chuyển về để kiếm lời. Cứ vậy, họ thay phiên nhau đưa sản vật về bán rồi chuyển vải, thuốc nhuộm, và như vậy hình thành nên những cụm dân cư của riêng làng Báo Đáp ở các vùng.

Lâu dần có người đưa cả gia đình đi, thi thoảng mới trở về quê vào mùa rỗi việc, còn lúc tết nhất tập trung cho buôn bán. Đặc biệt nghề nhuộm thuê đã trở thành hình thức giới thiệu để bán thuốc và bán vải dễ dàng. Và cũng do hình thức buôn bán như vậy, nên dù là làng buôn nhưng chợ làng không đóng vai trò quan trọng, mà chỉ là nơi cung cấp các vật dụng hàng ngày cho dân làng.

{keywords}
Nghề làm hoa lụa ở Báo Đáp rất phát triển.

Cứ vậy, buôn bán trở thành nghề chính của làng. Gia phả họ Phạm ở Báo Đáp còn ghi vào cuối thế kỷ 19, ông Phạm Văn Dê quyết không nhận chức lý trưởng để đi buôn. Con ông là Phạm Văn Tập lập hiệu buôn bán lớn ở Ninh Giang (Hưng Yên). Còn gia phả họ Nguyễn cũng ghi nhiều người lấy nghiệp buôn bán làm chính. Trong họ có ông Nguyễn Văn Hòe, theo thế tục được làm phó lý, nhưng chỉ thời gian đã xin nghỉ việc để buôn bán. Có lần ông bị bọn cướp ở Hậu Dền (huyện Nam Ninh) cướp hết hàng hóa, đánh bị thương nhưng cũng không bỏ nghiệp buôn bán. Con trai cả của ông cũng bỏ học theo cha buôn bán, con trai thứ nhờ nghề buôn mà trở nên giàu có. Cháu đích tôn là Nguyễn Văn Dung lập hiệu lớn ở Thanh Hóa, trở thành đầu mối cung cấp vải, thuốc nhuộm cho Xứ Thanh.

Ở Báo Đáp cũng có những người có vốn lớn, có uy tín đứng ra nhận lượng lớn vải từ các cửa hiệu ở Nam Định rồi giao cho người làng đi bán lẻ các nơi, biến một số người làng thành người làm thuê, bán thuê cho mình. Khi buôn bán có tiền, họ lại quay lại mua ruộng, nên nghề buôn càng phát đạt, diện tích đất nông nghiệp của làng càng tăng lên. Dù vậy, họ không trực tiếp làm nông nghiệp mà đứng ra thuê mướn. Họ không chỉ thuê mướn làm ruộng mà thuê cả gánh nước, làm việc nhà.

Vậy nên, vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở Báo Đáp đã hình thành chợ mua bán sức lao động. Cứ tầm 5 giờ sáng, người các làng lân cận đến chờ sẵn ở chợ, người làng tùy theo tính chất công việc chợ tìm người, ngã giá. Vậy nên là làng nằm giữa đồng bằng Bắc Bộ nhưng cơ bản đàn ông Báo Đáp không biết cày, đàn bà không biết cấy. Năm 1962, gần 40 gia đình ở Báo Đáp góp ruộng đất vào hợp tác xã, nhưng khi kéo nhau ra đồng để làm việc thì không ai biết cấy. Hợp tác xã phải thuê người ở Đông Phù, Chợ Cà về dạy cấy.

Vào thế kỷ 19, khi nghề buôn phát triển ở Báo Đáp lại xuất hiện nghề làm hoa giấy. Cứ tầm độ sau tết Trung Thu, dân Báo Đáp tập trung nhuộm vải, giấy để làm hoa, để rồi dịp tết âm lịch hoa giấy Báo Đáp lại được các thương nhân của làng bán khắp mọi vùng quê, mang lại nguồn thu không nhỏ, từ hoa giấy họ chuyển sang làm hoa nhựa rồi hoa lụa.

Đến nay, Làng Báo Đáp hiện có 400 hộ sản xuất và kinh doanh hoa vải lụa lớn nhỏ, trong đó phần lớn là các hộ có truyền thống lâu đời. Sản phẩm của mỗi gia đình có mẫu mã riêng, không trùng lặp. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng của thị trường, các cơ sở sản xuất không ngừng làm mới, thay đổi mẫu mã.

Năm nay, những mẫu hoa mới như phong lan, lan hồ điệp, hoa ly… được khách hàng ưa thích, trong khi đó một số mẫu hoa truyền thống của làng vẫn đảm bảo duy trì sản xuất như: hồng, sen, mai, đào,…Hoa vải lụa không chỉ đáp ứng được những yêu cầu về thẩm mỹ, màu sắc không thua kém gì hoa thật mà còn có giá trị sử dụng lâu dài và có giá cả hợp lý nên ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Bà Vũ Thị Son, chủ cơ cở sản xuất hoa vải lụa Son Chu cho biết: “Trước kia chúng tôi làm hoa nhựa, mẫu mã chưa đa dạng đẹp như bây giờ, nhưng từ khi chuyển sang làm hoa từ vải lụa, khách hàng rất ưa chuộng ”. Bắt đầu từ đầu tháng chạp, làng Báo Đáp tấp nập, nhộn nhịp bước vào sản xuất và nhận các đơn đặt hàng từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng…hay xuất khẩu đi nước ngoài.

Sau tết, người dân trong làng chuẩn bị nguyên liệu làm khung đèn ông sao, gần Trung thu thì mới nhuộm giấy màu, buộc vành đèn và gắn cán. Vào mỗi dịp Trung thu, nơi đây đã cung cấp cho thị trường cả nước chục vạn chiếc đèn ông sao.

Báo Đáp trở thành điển hình cho hoàn cảnh thiên nhiên không ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, người dân đã tìm hướng thoát bằng con đường buôn bán, rồi lâu dần trở thành nghề nghiệp rồi thúc đẩy thủ công nghiệp phát triển.

Lâm Linh Thu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét