Trung Quốc đang đối mặt với một cú sốc và có thể thiệt hại chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại, ngay sau cuộc chiến thương mại cam go với Mỹ. Virus Vũ Hán đã buộc Trung Quốc phải cô lập với thế giới.
Toàn cầu chao đảo
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ đã có một phiên giảm điểm mạnh hiếm thấy trong chuỗi ngày lập kỷ lục liên tiếp trong nhiều tháng vừa qua. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức thừa nhận sai lầm khi đánh giá quá thấp rủi ro từ cúm Vũ Hán và cho rằng rủi ro tại Trung Quốc rất cao, cao cả ở cấp độ khu vực và cao cả ở quy mô toàn cầu.
Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, chỉ số chứng khoán công nghiệp Dow Jones của Mỹ sụt giảm hơn 450 điểm (-1,6%), xóa sạch phần tăng trong năm mới 2020.
Các chỉ số tầm rộng S&P 500 cũng giảm ở mức tương tự và chấm dứt chuỗi 74 phiên không giảm 1%. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite thậm chí còn giảm mạnh hơn, với mức rớt giá 1,9%.
Cổ phiếu ngành hàng không, ngành du lịch, vui chơi giải trí… của Mỹ giảm thảm hại. American Airline giảm tới 5,5% trong một phiên, Wynn Resorts giảm 8,1%, Las Vegas Sands giảm 6,8%, United và Delta đều rớt hơn 3,3%...
Thị trường tài chính toàn cầu chao đảo. |
Ở châu Á trong phiên đầu tuần, chỉ số Nikkei 225 của Nhật giảm 2%; Dax của Đức giảm 2,6%... Chứng khoán Mỹ và một số nước khác đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Các loại tài sản có độ an toàn cao như vàng, đồng USD, đồng yen Nhật, trái phiếu Mỹ… tăng mạnh. Giá vàng miếng lên 1.580 USD/ounce. Chỉ số DXY đo lường biến động của đồng bạc xanh với rổ 6 đồng tiền chủ chốt tăng vọt lên 98 điểm… Trái phiếu Mỹ tăng vọt khiến lợi suất trái phiếu 10 năm tụt xuống 1,6%, mức thấp nhất trong 4 tháng qua.
Chứng khoán Mỹ và thế giới lao dốc giữa lúc virus corona gây bệnh viêm phổi Vũ Hán tăng nhanh, lan rộng trên phạm vi toàn thế giới làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực của dịch bệnh này đối với nền kinh tế toàn cầu.
Trên Daily Mail, Giám đốc điều hành nghiên cứu thị trường toàn cầu tại FTSE Russell Alec Young cho biết, các nhà đầu tư đang chọn giải pháp “bán trước, xem xét tình hình sau” (sell first, ask questions later situation).
Và trên thực tế, các thị trường đều ghét sự bất định. Virus corona gây viêm phổi Vũ Hán thể hiện sự bất định tột cùng vì không ai biết nó sẽ gây hại cho nền kinh tế thế giới tới mức nào.
Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, mới chỉ tính đến cuối ngày 27/1, Trung Quốc đã ghi nhận 100 trường hợp tử vong vì bệnh viêm phổi lạ do virus corona mới gây ra. Có hơn 2.700 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có hơn 460 trường hợp đang nguy kịch.
Dịch bệnh lan rộng tại Trung Quốc. |
Dịch bệnh đã lan rộng ra nhiều nước, tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Nepla, Pháp, Úc và cả Mỹ…
Nước Đức cũng vừa xác nhận trường hợp đầu tiên nhiễm virus corona và đây là dấu hiệu cho thấy virus này đang tiếp tục lan nhanh tại khu vực châu Âu sau khi bùng phát ở nhiều nơi tại châu Á.
Kinh tế thế giới dự báo thiệt hại nặng nề
Trung Quốc đang đối mặt với một cú sốc và có thể thiệt hại chưa từng có trong lịch sử thế giới hiện đại, ngay sau cuộc chiến thương mại cam go với Mỹ. Virus Vũ Hán đã buộc Trung Quốc phải đưa ra một quyết định lịch sử, cô lập với thế giới.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này vừa trải qua một năm đầy khó khăn với tăng trưởng kinh tế ở mức thấp nhất trong vòng khoảng 3 thập kỷ và chỉ mới đạt được thỏa thuận thương mại Giai đoạn 1 khiêm tốn với Mỹ hôm 15/1 vừa qua.
Ngành công nghiệp ô tô của Trung Quốc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. |
Chính quyền Bắc Kinh đã buộc phải đưa ra quyết định cấm các công dân nước này đặt tour du lịch nước ngoài cũng như mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn ở nước ngoài bắt đầu từ ngày 27/1/2020 trong bối cảnh virus Wuhan (Vũ Hán) hoành hành và đã giết chết rất nhiều người và hàng trăm người đang ở trong tình trạng nguy kịch.
Theo tờ China Daily, các công ty lữ hành nước này đã được lệnh dừng tất cả các tour theo nhóm. Người dân Trung Quốc thường du lịch cả trong và ngoài nước trong dịp năm mới âm lịch.
Nền kinh tế Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục đối mặt với một năm khó khăn khi mà dịch bệnh lan rộng, nhiều nơi bị đóng cửa cô lập, trung tâm thương mại, nhà hàng, chợ, thành phố... vắng teo, còn bệnh viện quá tải.
Trước đó, theo AP, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thừa nhận “tình huống nghiêm trọng” trước tốc độ lây lan ngoài tầm kiểm soát của virus corona.
Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường cũng đã tới tâm dịch, chỉ đạo các nỗ lực kiểm soát sự bùng phát virus ở Vũ Hán và hứa sẽ tiếp viện, một động thái diễn ra khi chính quyền cấp tỉnh đối mặt với cáo buộc từ công chúng về việc không kịp phản ứng.
Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường tới tâm dịch, chỉ đạo các nỗ lực kiểm soát sự bùng phát virus ở Vũ Hán. |
Nền kinh tế thế giới cũng được dự báo sẽ rất khó khăn. Một dự báo trên tờ The Nation cho rằng, ngành du lịch Thái Lan và châu Á có thể tổn thất 3,26 tỷ USD do virus corona nếu dịch bệnh này được kiềm chế vào đầu tháng Ba tới. Tác động của dịch này có thể còn trầm trọng hơn tác động của dịch SARS năm 2003.
Các nhà đầu tư lo lắng về tác động đối với lĩnh vực lữ hành, du lịch và hoạt động kinh tế rộng lớn hơn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố chiến đấu chống lại virus corona. |
Tại Mỹ, giới đầu tư đang chờ đợi tín hiệu từ cuộc họp của Fed hôm 28-29/1. Một số chuyên gia lo ngại chính sách tiền tệ không đủ để chống lại cuộc suy thoái tiếp theo.
Theo Channel News Asia, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức thừa nhận sai lầm khi đánh giá quá thấp rủi ro từ cúm Vũ Hán và cho rằng rủi ro tại Trung Quốc rất cao, cao cả ở cấp độ khu vực và cao cả ở quy mô toàn cầu.
Tổng Giám đốc WHO đã lên đường tới Trung Quốc để làm việc với các quan chức y tế chính phủ nước này.
M. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét