Cổ phiếu ACV ở đáy một năm ngay đầu năm mới cho dù DN này có một năm kinh doanh ấn tượng, lần đầu tiên lọt top lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ. Dịch cúm corona và áp lực đầu tư vì dài hạn sẽ tác động đến dòng tiền.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) công bố kết quả kinh doanh 2019 với lợi nhuận tăng 35% lên 10,3 ngàn tỷ đồng. 2019, ACV ghi nhận 18,3 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng 14% so với năm trước. Doanh nghiệp này có lượng tiền mặt và tiền gửi ngắn hạn rất lớn, lên tới trên 31 ngàn tỷ đồng (khoảng 1,3 tỷ USD).
Với nguồn tiền nhãn rỗi lớn, ACV thu một khoản tiền lãi lớn hàng năm với gần 1,8 ngàn tỷ đồng trong 2019. Dù vậy, doanh nghiệp hiện quản lý phần lớn các sân bay dân dụng tại Việt Nam đang vay gần 15 ngàn tỷ đồng, chủ yếu là khoản vay ODA bằng ngoại tệ, cho các dự án như nhà ga hành khách quốc tế Sân bay Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Sân bay Nội Bài.
Trong năm 2019 vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp đã lọt top có lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ đồng, trong đó khối ngân hàng chiếm số lượng lớn với những cái tên như: Vietcombank (23,1 ngàn tỷ đồng), Techcombank (12,8 ngàn tỷ đồng), Vietinbank (11,8 ngàn tỷ đồng), BIDV (10,9 ngàn tỷ đồng), VPBank (10,3 ngàn tỷ đồng), MBBank (10 ngàn tỷ).
Ngoài ACV, doanh nghiệp đạt lợi nhuận trên mức này còn có PV GAS (15,1 ngàn tỷ đồng). Nhiều khả năng Vinamilk, Vingroup, VinHomes và Hòa Phát sau khi công bố lợi nhuận cũng sẽ lọt top này.
Nhiều doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận trên 10 ngàn tỷ trong năm 2019. |
Đây cũng là những doanh nghiệp trả cổ tức lớn và có đóng góp lớn vào ngân sách nhà nước trong năm vừa qua.
Trong năm 2019, ACV đã quyết định chi trả cổ tức 9% (900 đồng/cp) cho năm 2018. Với quy mô khủng, gần 2,18 tỷ cổ phiếu nên số tiền trả cổ tức lên tới 1,96 ngàn tỷ đồng. Nhà nước nắm giữ tới 95,4% cổ phần ACV do vậy nhận về số cổ tức 1.869 tỷ đồng.
ACV là doanh nghiệp đang quản lý, đầu tư và khai thác tổng cộng 22 sân bay trên cả nước với tổng cộng khoảng 116 triệu khách trong năm 2019 (tăng 12%). Đây là một kết quả tốt và nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ tiếp tục chia cổ tức và mang đến cho ngân sách nhà nước hàng ngàn tỷ đồng nữa.
BIDV cũng đã hoàn thành chi cổ tức năm 2017 và 2018 trong tháng 12/2019 với tỷ lệ 14% (1.400 đồng/cp cho 2 năm) với tổng cộng số tiền 4,79 ngàn tỷ đồng. Trong đó, cổ đông Nhà nước nhận về 4,56 ngàn tỷ đồng (nộp vào Kho bạc Nhà nước).
Vietcombank (VCB) cũng đã thông báo 30/12/2019 sẽ là ngày giao dịch không hưởng quyền trả cổ tức 2018 với tỷ lệ 8% (tương đương 800 đồng/cp). Thời gian thanh toán là 15/1/2020.
Với hơn 3,7 tỷ cổ phiếu đang được lưu hành, dự kiến Vietcombank sẽ chi gần 3 ngàn tỷ đồng để trả cổ tức cho các cổ đông. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) đang nắm giữ 74,8% tại VCB do vậy sẽ nhận về hơn 2,2 ngàn tỷ đồng tiền mặt.
Tại Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), cổ đông lớn Bộ Công Thương sẽ nhận phần lớn trong khoản cổ tức 5,16 ngàn tỷ đồng mà VEAM thông qua cho năm 2018.
Dịch cúm Vũ Hán có thể ảnh hưởng tới hoạt động của các doanh nghiệp Việt trong năm 2020. |
Theo đó, VEAM sẽ chi trả cổ tức 2018 là 38,84% (tương đương 3.884 đồng/cp). Với gần 1,33 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, VEAM sẽ tổng cộng gần 5,2 ngàn tỷ đồng. Trong đó, Bộ Công Thương, hiện đang nắm giữ 88,47% VEAM, sẽ nhận khoảng 4,6 ngàn tỷ đồng.
Tổng công ty khí Việt Nam - CTCP (PVGas, GAS) cũng đã chi trả cổ tức đợt 3/2019 và tạm ứng 2019 với tỷ lệ 23% (tương ứng 2.300 đồng/cp), tổng cộng trị giá 4,4 ngàn tỷ đồng, trong đó hơn 4,2 ngàn tỷ đồng trả về cổ đông Nhà nước - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam).
Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh 2019 tốt nhưng nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn ngay đầu năm mới. Dịch viêm phổi cấp do virus corona bùng phát ở Vũ Hán khiến nhiều hãng hàng không phải giảm chuyến bay và ACV cũng bị ảnh hưởng.
ACV hiện còn chịu áp lực với dự án đầu tư sân bay Long Thành, có thể giúp đảm bảo tăng trưởng dài hạn, nhưng sẽ tác động đến dòng tiền trong những năm tới của doanh nghiệp này.
Nhiều cổ phiếu blue-chips đầu năm mới giảm do những bất ổn trên thế giới, từ các cuộc chiến thương mại cho đến dịch cúm Vũ Hán vừa bùng phát và nội tại của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 30/1 chỉ số VN-Index giảm mạnh khoảng 17 điểm. Giao dịch khá cao do nhiều người bán tháo nhưng nhiều người bắt đáy mua vào.
Nhiều tỷ phú mất tiền hàng ngàn tỷ như ông Phạm Nhật Vượng (cổ phiếu VIC, VHM, VRE), ông Trần Đình Long (HPG), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (VJC, HDB), ông Nguyễn Đăng Quang (MSN), ông Nguyễn Đức Tài (MWG), ông Bùi Thành Nhơn (NVL), ông Hồ Hùng Anh (TCB)…
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng nhưng tích cực cho cả năm.
Theo đó, nhiều chuyên gia đồng thuận việc thị trường có thể vượt qua mốc tâm lý 1.000 điểm trong năm 2020, nhóm ngân hàng tiếp tục sẽ dẫn dắt thị trường. Dòng tiền từ các kênh đầu tư như trái phiếu doanh nghiệp hay đầu tư P/E sẽ quay trở lại thị trường cổ phiếu.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 21/1, VN-Index tăng 7,74 điểm lên 986,37 điểm; HNX-Index tăng 0,95 điểm lên 105,59 điểm. Upcom-Index tăng 0,47 điểm lên 55,96 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 3,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét