Để giữ gìn thương hiệu măng cụt Lái Thiêu, không ít nông dân ở TX.Thuận An (tỉnh Bình Dương) cùng chính quyền địa phương đã tìm cách chăm sóc những “cụ măng” có tuổi đời lên đến 150 năm.
"Gửi tình yêu vào đất"
Cách đây 2 năm, khi nhìn thấy một “cụ măng” tróc gốc sau trận mưa lớn, ông Lê Sơn Thủy (khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, TX.Thuận An, tỉnh Bình Dương) nhiều đêm không ngủ.
“Phải tìm cách nào đó cứu cây măng cụt cổ thụ. Tôi lục tìm nhiều tư liệu trên mạng, không vội vàng thuê người dựng lại gốc mà cứ để nguyên hiện trạng của cây. Sau đó, tôi chỉ tỉa bớt cành, lá, vun đất vào gốc, cắt bỏ những tàng lớn có thể làm suy cây. Những ngày tháng kế tiếp, tôi tìm cách chăm bón phân một cách hợp lý. Sau một thời gian ngắn, cây măng ấy đã đâm chồi trở lại. Vụ măng 2019, cây lại cho trái”, ông Thủy thở phào nhẹ nhõm sau bao ngày nhọc công chăm sóc.
Ông Lê Sơn Thủy bên một trong những cây măng cụt cổ thụ hơn 150 tuổi trong vườn nhà. |
Trong khu vườn rộng 5.000m2 của mình, ông Thủy quý nhất là 20 gốc măng cụt cổ thụ có tuổi đời lên đến 150 tuổi. Năm 1976, ông về ở rể quê vợ, nhìn thấy vườn cây trái nhiều năm tuổi quá đẹp, có giá trị kinh tế cao nhưng thiếu bàn tay chăm sóc. Vậy là ông lao vào đắp đê, đào mương khơi thông dòng chảy trong vườn, đắp ụ trữ nước.
Nói về những “cụ măng” có tuổi đời lâu nhất trong vùng, ông Thủy cho rằng, những gốc măng cụt có tuổi đời cao như vậy ở TX.Thuận An giờ ngày càng ít, bởi cây măng cụt rất “nhạy cảm” với môi trường.
Với ông, để gìn giữ được những “cụ măng” còn lại, ông không chỉ bỏ ra hơn nửa đời người nhọc công chăm sóc, mà còn bỏ vào đó cả tình yêu với đất, với cây.
“Nguyện ước của tôi là mong sao khi về già, con cái vẫn quay về đây thay tôi chăm sóc mảnh vườn bao thế hệ đã đổ mồ hôi, công sức để vun đắp, gìn giữ”, ông Thủy suy tư bên vườn cây xanh mướt.
Tiền không mua được
Giữa lòng đô thị, những con đường nhựa trải dài trong khu phố Bình Hòa, phường Bình Nhâm với bao căn biệt thự to đẹp, thế nhưng ít ai ngờ nơi đây lại đang tồn tại một vườn măng cụt có tuổi đời trên 50 năm, rộng 1 ha.
Chủ vườn là ông Nguyễn Văn Sáng, năm nay gần 70 tuổi và rất mến khách. Từ lâu, khu vườn này được nhiều người trong và ngoài tỉnh đến đây tham quan, chụp ảnh, vui chơi và học tập kinh nghiệm làm vườn. Với thu nhập 1 năm vài trăm triệu đồng trên mảnh đất “vàng” ấy, có người bảo với ông rằng: “Sao mà cực khổ tự nhốt mình với tấm áo luôn ướt đẫm mồ hôi, tay chân lấm lem bùn đất. Ông chỉ cần bỏ ra vài trăm m2 đất, xây chục ki-ốt cho thuê đã là ngồi không mà hưởng”.
Thế nhưng, ông Sáng lại có một cách nhìn khác: “Tiền không mua được cây, tôi không nhiều tiền nhưng cũng không thiếu tiền. Mỗi ngày tôi đi một vòng trong vườn hái chanh, chuối, rau lá lốt đã bán hơn 300.000 đồng. Như vậy, mỗi tháng đã hơn 10 triệu, vợ chồng tôi đủ sống, con cái đã lớn, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Tôi sẽ giữ lại không gian xanh giữa lòng đô thị có vạn người mê, có tiền không thể mua được”.
Hiện nay, TX.Thuận An có hơn 1.000 ha diện tích vườn cây ăn trái, trong đó cây măng cụt 50 năm tuổi chiếm 11% số lượng cây măng cụt trên địa bàn. Gần đây, vườn cây ăn trái của địa phương đã có biểu hiện sụt giảm về năng suất, chất lượng khiến thu nhập của nông dân giảm đáng kể.
Trước tình hình trên, UBND TX.Thuận An đã tìm nhiều giải pháp để cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây, gắn liền với du lịch sinh thái và lễ hội “Mùa trái chín” hàng năm để giữ được vườn cây và tăng thu nhập cho nông dân. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ vườn cây ăn trái đặc sản của UBND tỉnh bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, nhận được sự đồng tình ủng hộ của người dân, góp phần giữ gìn thương hiệu “Măng cụt Lái Thiêu”. Kết quả từ năm 2017 đến nay, UBND TX.Thuận An đã hỗ trợ gần 13 tỷ đồng cho chủ vườn cây cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn trái trên địa bàn. |
(Theo Báo Bình Dương/ Dân Việt)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét