Thứ Tư, 29 tháng 1, 2020

Virus corona hoành hành, thông báo mới về buôn bán qua Trung Quốc

Các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn Bằng Tường (Trung Quốc) sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết 8/2/2020 để đảm bảo phòng chống dịch do virus corona. 

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) vừa mới có thông báo về tác động của bệnh dịch viêm phổi cấp do virus corona đến hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Cụ thể, theo báo cáo của đơn vị này phát đi, trong những ngày qua, bệnh dịch viêm phổi do virus corona gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, số người mắc bệnh và tử vong do bệnh dịch này tăng lên nhanh chóng. ​Trước tình hình đó, Cục Xuất nhập khẩu đang theo dõi sát sao tình hình bệnh dịch viêm phổi do virus corona gây ra để đánh giá khả năng tác động tới hoạt động xuất nhập khẩu. ​

Trước mắt, chưa nhận thấy khả năng bệnh dịch này có tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện đã có thông tin về việc nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm nông sản tại Trung Quốc chững lại do diễn biến phức tạp của bệnh dịch tại Trung Quốc.

Mặt khác, do công tác chống dịch đang được thực hiện nghiêm ngặt nên việc vận chuyển giao nhận hàng hóa giữa các tỉnh, thành của Trung Quốc cũng hết sức khó khăn.

{keywords}
Cục Xuất nhập khẩu cảnh báo tình hình xuất nhập khẩu hàng hoá, nhất là nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nếu dịch viêm phổi cấp do virus corona kéo dài

​Qua trao đổi nhanh với Sở Công Thương các tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai, Cục Xuất nhập khẩu được biết các cặp cửa khẩu thuộc địa bàn thị Bằng Tường của Trung Quốc sẽ kéo dài thời gian đóng cửa đến hết ngày 08/2/2020 (trừ cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Quan mở cửa vào ngày 03/2/2020) với lý do đảm bảo công tác phòng chống dịch. 

Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định, nếu dịch bệnh kéo dài, việc thông thương, đi lại tại các cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hạn chế thì chắc chắn lưu lượng hàng hóa thông qua các cửa khẩu sẽ bị ảnh hưởng. ​Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nông sản cần lường trước tình huống doanh nghiệp Trung Quốc không thể nhận hàng để có giải pháp thay đổi phương thức giao hàng, chuyển hướng xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước cho phù hợp.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần bám sát tình hình, trao đổi thường xuyên với đối tác để nắm được những thay đổi phát sinh trong trường hợp bất khả kháng do dịch bệnh gây ra. ​

Với các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc cũng cần theo dõi chặt chẽ hoạt động giao thương của cư dân biên giới để đảm bảo có biện pháp quản lý đồng bộ với hoạt động thương mại thông qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia. ​Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi và có thông báo, khuyến cáo đến các địa phương, doanh nghiệp khi có những diễn biến mới của bệnh dịch có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, những ngày này các nhà vườn trồng chôm chôm tại tỉnh Vĩnh Long, Bếp Tre cũng thấp thỏm lo âu vì giá chôm chôm lao dốc. 

Theo đó, giá chôm chôm thu mua tại vườn ngày mùng 4 Tết giảm xuống chỉ còn 9.000-10.000 đồng/kg, trong khi trước Tết giá vẫn ở mức 16.000 đồng/kg. Còn so với cùng kỳ năm ngoái giá chôm chôm giảm xuống chỉ còn 1/3.

Các nhà vườn cho biết, với mức giá này, họ đối diện cảnh thua lỗ nặng. Bởi, tiền bán chôm chôm không đủ tiền trả công thu hái.

Trước đó, giá thanh long ở các nhà vườn miền Nam cũng giảm mạnh xuống còn 10.000 đồng/kg cân xô, thanh long ruột đỏ loại 1 giảm xuống còn 25.000-27.000 đồng/kg, loại 2 giảm còn 20.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do những ngày cận Tết Nguyên đán, thị trường Trung Quốc đang giảm nhập hàng, cùng với đó nguồn cung tăng mạnh khiến giá thanh long ở các tỉnh phía Nam đồng loạt lao dốc.

C.Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét