Thứ Tư, 1 tháng 1, 2020

Đầu tư vàng miếng lãi nhất năm 2019

Với mức tăng giá gần 17%, vàng là kênh đầu tư có lợi nhuận cao nhất năm 2019 vừa qua trong số các loại hình đầu tư cơ bản như ngoại tệ, chứng khoán, trái phiếu…

Kết thúc ngày giao dịch cuối cùng năm 2019, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng tại thị trường TP.HCM ở mức 42,2-42,75 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Phiên tăng cuối cùng trong năm 2019 cũng đánh dấu phiên thứ 11 liên tiếp vàng trong nước tăng giá.

Vàng tăng giá gần 17% một năm

Đà tăng của vàng những phiên giao dịch cuối năm đã giúp kim loại quý kết thúc năm 2019 ở vùng giá cao (xấp xỉ 43 triệu đồng/lượng).

So với đầu năm, giá vàng trong nước đã tăng 6,18 triệu đồng mỗi lượng, tương đương gần 17%. Đầu năm 2019, vàng miếng SJC được các doanh nghiệp trong nước niêm yết ở mức 36,27-36,57 triệu đồng/lượng.

Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong các loại hình đầu tư cơ bản năm 2019.

Nếu trừ đi chênh lệch giá mua và giá bán, người đầu tư vàng trong năm 2019 đã ghi nhận khoản lãi 5,68 triệu đồng/lượng, tương đương mức lãi ròng gần 16%.

{keywords}

Trái ngược với thị trường vàng, dù ảnh hưởng nhiều bởi tình hình kinh tế thế giới cũng như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tuy nhiên, thị trường ngoại tệ năm vừa qua vẫn giữ mức ổn định.

Một phần nguyên nhân đến từ chính sách điều hành tiền tệ và tỷ giá năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước. Trong năm vừa qua, cơ quan này đã mua vào khoảng 20 tỷ USD, đến cuối năm, dự trữ ngoại hối đã đạt xấp xỉ 79 tỷ USD, mức cao kỷ lục của chỉ số này.

Tỷ giá mua, bán VND/USD niêm yết trên website của ngân hàng thương mại tuần cuối cùng của năm ở mức 23.110-23.230 VND/USD, tương đương hồi đầu năm.

Trái phiếu doanh nghiệp lãi suất 14,5%/năm

Năm 2019 đánh dấu sự bùng nổ của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nguyên nhân chính khiến thị trường này gia tăng là do những quy định phát hành được "nới lỏng" hơn trước.

Sửa đổi từ Nghị định 90/2011, Nghị định 163 có hiệu lực từ 1/2/2019 nới lỏng nhiều điều kiện khi phát hành, bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành phải có lãi trong năm gần nhất. Trong khi đó, nếu phát hành trái phiếu ra công chúng, doanh nghiệp phải đảm bảo có lãi trong năm gần nhất, không lỗ lũy kế, không có nợ quá hạn trên 1 năm...

Theo số liệu từ HNX, giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến hết tháng 11/2019 lên tới 233.500 tỷ đồng, tăng gần 6% so với tổng lượng phát hành cả năm 2018.

Một số đợt phát hành trái phiếu có lãi suất cao nhất từ đầu năm theo số liệu của SSI:

{keywords}

Số liệu đến 10 tháng đầu năm 2019, bình quân lãi suất phát hành TPDN là 9%/năm. Trong đó, 82% khối lượng trái phiếu có lãi suất dưới 11%/năm, 17% khối lượng có lãi suất 11-13%, đặc biệt có 0,9% khối lượng trái phiếu có lãi suất trên 13%/năm. Cá biệt có những đợt phát hành doanh nghiệp niêm yết mức lãi suất trái phiếu lên tới 14,5%.

Tuy nhiên, hầu hết chuyên gia cho rằng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp như công ty chứng khoán và các quỹ.

“Nhóm này có bộ phận phân tích tốt nên độ rủi ro vẫn chưa lớn. Nhưng nếu nhà đầu tư cá nhân tham gia việc thẩm định hồ sơ phát hành trái phiếu của doanh nghiệp là điều vô cùng khó khăn”, TS Bùi Quang Tín cho hay.

Chứng khoán “vật vã” tăng 7,6%/năm

Từ mức thấp nhất 861,85 điểm hồi đầu năm, chỉ số chứng khoán Việt VN-Index đã có lúc tăng trưởng lên ngưỡng 1.030 điểm và là mức cao nhất trong năm 2019. Tuy nhiên, diễn biến chung của thị trường trong năm nay chỉ dao động quanh ngưỡng 950-1.000 điểm.

Đến hết phiên giao dịch ngày 31/12/2019, VN-Index đóng cửa ở mức 960,99 điểm, tăng khoảng 7,64% so với đầu năm.

{keywords}

Đặc biệt, sau 2 năm mua ròng kỷ lục với giá trị lần lượt 27.000 tỷ đồng (2017) và 43.000 tỷ đồng (2018) dòng tiền khối ngoại rót vào thị trường Việt đã suy yếu trong năm vừa qua, đạt hơn 7.000 tỷ. Theo các chuyên gia, đây là lý do khiến thị trường chứng khoán trong nước có phần ảm đạm năm vừa qua.

Nếu tính chung trên thị trường, mức tăng của chứng khoán Việt năm vừa qua chỉ tương đương lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm.

Condotel lợi nhuận 12%/năm "vỡ trận"

Năm 2019, thị trường bất động sản du lịch được coi là nguồn dẫn dắt cho thị trường này với các sản phẩm condotel. Tuy nhiên, đây cũng là năm loại hình bất động sản này tăng trưởng thấp nhất từ năm 2017.

Số liệu thống kê từ các đơn vị nghiên cứu thị trường cho thấy, condotel năm 2019 sụt giảm mạnh ở cả lượng giao dịch và số dự án mới, cùng nhiều dự án đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc vướng thủ tục mở bán.

Lãi suất đầu tư condotel chủ đầu tư cam kết vẫn phổ biến ở mức 8-12%/năm. Theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation, đây là mức lợi nhuận không tương của loại hình bất động sản này. Ngay cả dự án tại những khu du lịch nổi tiếng khác ở Đông Nam Á cũng chỉ dừng lại ở con số 7% cho 2-3 năm (Bali), hoặc 7% cho 3-5 năm (Phuket).

{keywords}
Cocobay Đà Nẵng là dự án condotel từng cam kết lợi nhuận 12%/năm trong vòng 8 năm. Ảnh: Cafeland.vn.

Cuối tháng 11/2019, chủ đầu tư dự án condotel Cocobay Đà Nẵng tuyên bố “vỡ trận” lợi nhuận cam kết với khách hàng sau 2 năm chi trả. Mức lợi nhuận chủ đầu tư này đưa ra trước đó cho các khách hàng là 12%/năm kéo dài trong vòng 8 năm.

Tiền gửi ngân hàng 6,6-7,5%/năm

Tương tự thị trường ngoại tệ, mặt bằng lãi suất ngân hàng cũng trải qua một năm không có quá nhiều biến động giữa hai thời điểm đầu năm và cuối năm.

Khoảng tháng 10-11, có thời điểm các ngân hàng liên tục gia tăng lãi suất huy động, có kỳ hạn lãi suất lên tới hơn 10%/năm. Tuy nhiên, ngay sau đó các ngân hàng này đã bị cơ quan quản lý “tuýt còi” và phải hạ lãi suất.

Tháng 11 vừa qua, NHNN đã giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng 0,2-0,5%/năm, điều này khiến thị trường lãi suất tiền gửi ngân hàng có xu hướng giảm vào cuối năm.

Hiện tại, theo số liệu từ cơ quan quản lý cho biết lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,3-5%/năm; 5,3-7%/năm với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; và tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm.

Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại, mức lãi suất tiền gửi cao nhất hiện nay đang là trên 8%/năm nhưng chủ yếu ở các kỳ hạn dài 24 tháng trở lên.

(Theo Zing)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét