Các đại gia ngân hàng dồn dập đưa con cái vào vị trí lãnh đạo các tổ chức tín dụng. Nhiều gia đình thống trị trong bảng danh sách giàu nhất trên thị trường chứng khoán.
Hội đồng quản trị KienLongBank vừa thông qua quyết định bổ nhiệm 3 Phó Tổng Giám đốc gồm: ông Trần Ngọc Minh, ông Nguyễn Văn Minh và ông Võ Quốc Lợi. Đây đều là những nhân sự lãnh đạo khá trẻ
Đáng chú ý ông Võ Quốc Lợi, sinh năm 1988, là con trai trưởng của ông Võ Quốc Thắng, nguyên Chủ tịch HĐQT KienLongBank. Ông Thắng trước đó rời vị trí lãnh đạo KienLongBank để giữ chức Chủ tịch HĐQT Dongtam Group. Tuy nhiên, ông Thắng vẫn là cố vấn KienLongBank.
Ông Lợi là thạc sỹ quản trị kinh doanh, trường London Business (Vương quốc Anh), với kinh nghiệm 9 năm làm việc trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Ông Lợi hiện đang sở hữu gần 15,2 triệu cổ phần KienLongBank, tương đương 4,69% vốn điều lệ.
Các công ty con và công ty thành viên của Dongtam Group hiện đang sở hữu gần 15,3 triệu cổ phần KienLongBank, tương đương 4,72% vốn điều lệ của KienLongBank.
Trước đó, ái nữ nhà bà Nguyễn Thị Nga (chủ tịch Tập đoàn BRG) cũng đã thay mẹ nắm quyền, lèo lái Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) và đã ghi dấu ấn vượt qua đại dịch Covid-19.
Bà Nguyễn Thị Nga rút con lên làm lãnh đạo SeABank. |
Trong năm 2018, bà Nguyễn Thị Nga rời ghế Chủ tịch SeABank sau 11 năm, thay vào đó là ông Lê Văn Tần. Bà Nga lui về giữ chức vụ Phó Chủ tịch thường trực HĐQT của SeABank.
Đây là một sự thay đổi nhằm đáp ứng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) đã chính thức được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 15/1/2018. Theo đó, chủ tịch HĐQT, chủ tịch Hội đồng thành viên, TGĐ của TCTD không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, TGĐ, Phó TGĐ hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Bà Nga từ bỏ vị trí cao nhất tại SeABank để tại vị ở đế chế BRG. Thay vào đó, con gái bà Nguyễn Thị Nga là Lê Thu Thủy (1983) ngồi vào ghế Tổng giám đốc SeABank, kiêm Phó Chủ tịch HĐQT.
Cuối 2018, chồng bà Nga cũng đã tung một khoản tiền lớn để mua gần 16,7 triệu quyền mua cổ phiếu SeABank phát hành tăng vốn. Cụ thể, ông Lê Hữu Báu là chồng bà Nguyễn Thị Nga và bố của bà Lê Thu Thủy (TGĐ SeABank) đã mua số quyền nói trên từ Công ty TNHH MTV Đầu tư Phú Mỹ.
Cũng trong 2018, Bầu Thắng bất ngờ chọn Đồng Tâm Group chứ không phải chủ tịch KienLongBank.
Tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam - Techcombank (TCB), con trai ông Hồ Hùng Anh - Hồ Anh Minh cũng gom hàng chục triệu cổ phiếu TCB trong vài năm gần đây.
Tại Ngân hàng Á Châu (ACB), sau cú sốc “Bầu Kiên”, ông Trần Mộng Hùng đã chuyển giao quyền điều hành cho con trai là ông Trần Hùng Huy. Ông Trần Hùng Huy đang từng bước vực dậy ACB.
Còn tại Ngân hàng Nam Á (NamA Bank), quyền lực được cố doanh nhân Trần Thị Hường (bà Tư Hường) chuyển giao cho con cái từ nhiều năm trước. Vị trí chủ tịch được luân chuyển giữa các con. Có thời điểm, một nửa trong HĐQT NamA Bank thuộc về gia đình bà Tư Hường.
Trên TTCK, trong top 100 người giàu nhất năm 2020 có đến 40 đại diện là sếp ngân hàng và người nhà. Trong đó, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản “khủng” nhất lên tới 26.700 tỷ đồng. Bà Thảo là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc hãng hàng không Vietjet, đồng thời là Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Ngân hàng HDBank.
Trong top 20 người giàu nhất có 9 người trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó Techcombank có 5 đại diện. Ông Hồ Hùng Anh xếp thứ 2 trong những người giàu nhất trong lĩnh vực ngân hàng.
Vợ ông Hùng Anh (bà Nguyễn Thị Thanh Thuỷ) và mẹ (Nguyễn Thị Thanh Tâm) cũng đều có tên trong top những người giàu nhất, với tài sản tương ứng là 6.000 và 5.500 tỷ đồng. Ông Hồ Anh Minh cũng ghi danh trong top những người giàu nhất năm qua với tài sản 4.300 tỷ đồng.
Tại VPBank, Chủ tịch Ngô Chí Dũng có tài sản 4.000 tỷ đồng. Mẹ ông Dũng là bà Vũ Thị Quyên cùng với vợ ông là Hoàng Anh Minh đều sở hữu khối tài sản trị giá 3.900 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, những đại gia ngân hàng lọt top 100 người giàu nhất sàn chứng khoán 2020 còn có ông Đặng Khắc Vỹ của VIB, Dương Công Minh của Sacombank, Trần Hùng Huy của ACB và nhiều người nhà của họ...
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 5/1, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng lên ngưỡng 1.125 điểm nhờ sự bứt phá của hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index có thể gặp khó khăn khi thử thách vùng kháng cự 1.130 điểm trong tuần này. Nếu vượt qua vùng cản mạnh này, thị trường nhiều khả năng sẽ hướng đến vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, BVSC vẫn lưu ý về tình trạng quá mua của thị trường đang lan tỏa trên diện rộng ở nhiều nhóm cổ phiếu. Việc này có thể sẽ tạo ra các phiên rung giật mạnh của thị trường trong quá trình đi lên. Dòng tiền trong nước sẽ vẫn là động lực chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ hướng sự quan tâm đến kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/1, VN-Index tăng 16,6 điểm lên 1.120,47 điểm; HNX-Index tăng 3,17 điểm lên 206,28 điểm. Upcom-Index giảm 0,26 điểm xuống 74,2 điểm. Thanh khoản đạt 18,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét