Đại gia Việt đón tin vui ngay đầu năm mới trong bối cảnh chính quyền ông Donald Trump nhẹ tay và quan hệ thương mại Việt Nam với châu Âu rộng mở. Những diễn biến mới có thể giúp doanh nghiệp thủy sản Việt giảm phụ thuộc vào Trung Quốc.
CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh và CTCP Nam Việt - Navico (ANV) ghi nhận giá cổ phiếu tăng mạnh trong phiên cuối 2020 và đầu năm mới 2021.
Cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt tăng vọt 1.000 đồng ngay khi mở cửa phiên giao dịch 4/1 lên 25.900 đồng/cp sau khi tăng trần thêm 1.600 đồng/cp trong phiên cuối năm 31/12/2020. Tính trong 5 tháng qua, cổ phiếu ANV đã tăng thêm gần 12.000 đồng/cp, tương đương tăng 86%.
Thủy sản Vĩnh Hoàn đầu giờ sáng 4/1 cũng tăng 850 đồng lên 42.250 đồng/cp.
Hai cổ phiếu thủy sản VHC và ANV tăng theo diễn biến chung tăng mạnh trên thị trường chứng khoán và thông tin tích cực từ việc Mỹ áp thuế được cho là “nhẹ tay” đối với hàng thủy sản của các doanh nghiệp này.
Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ vừa công bố kết quả sơ bộ đợt rà soát thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) cho giai đoạn từ ngày 1/8/2018 đến ngày 31/7/2019 đối với sản phẩm cá tra Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
à Trương Thị Lệ Khanh. |
Mức thuế sơ bộ cho bị đơn bắt buộc Vĩnh Hoàn là 0,09 USD/kg và bị đơn tự nguyện Nam Việt cũng được hưởng mức thuế riêng 0,09 USD/kg. Đối với 27 đơn vị khác không đủ điều kiện tham gia đánh giá mức thuế riêng thì sẽ áp dụng mức chung cho Việt Nam.
Theo KBSV Research, việc Thủy sản Vĩnh Hoàn theo sau Thủy sản Minh Phú MPC (của vợ chồng ông Lê Văn Quang bà Chu Thị Bình) bị xem xét áp thuế là tín hiệu cho thấy phía Mỹ đang tập trung vào các công ty xuất khẩu thủy sản đầu ngành của Việt Nam.
Tuy nhiên, mức thuế 0,09 USD/kg được cho là khá nhẹ tay đối với Thủy sản Vĩnh Hoàn nếu so với giá bán khoảng 3,5 USD/kg.
Còn với Navico, đây có lẽ là một thông tin rất tích cực. ANV có cơ hội quay lại thị trường Mỹ nếu mức thuế cuối cùng giống với kết quả sơ bộ. Trước đó, Nam Việt đã không thể thâm nhập thị trường Mỹ do bị đánh thuế chống bán phá giá cao từ năm 2014.
Dù vậy, đà tăng giá của 2 cổ phiếu thủy sản này có dấu hiệu chùng lại do đây mới chỉ là kết quả sơ bộ. Mỹ vẫn có thể thay đổi mức thuế như đã từng xảy ra ở kỳ POR13 và POR14. Kết luận cuối cùng sẽ được đưa ra trong vòng 120 ngày kể từ ngày thông báo kết quả sơ bộ (dự kiến vào khoảng tháng 4/2021).
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng đối mặt với nguy cơ bị áp thuế nhập khẩu cao: 25%, sau khi Việt Nam bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ. Phiên điều trần công khai về vấn đề thao túng tiền tệ của Việt Nam được diễn ra từ 29/12/2020-8/1/2021.
Do tác động từ đại dịch Covid-19, kết quả kinh doanh của Thủy sản Vĩnh Hoàn giảm khá mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020. Tuy nhiên, thời điểm khó khăn nhất đã qua và doanh nghiệp này chứng kiến hoạt động kinh doanh khởi sắc trong nửa cuối năm ngoái.
Doanh thu xuất khẩu sang châu Âu của VHC trong vài tháng gần đây tăng nhanh sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực kể từ đầu tháng 8. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu sang Mỹ duy trì ổn định. Ngược lại, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc suy giảm.
Dù vậy, Vĩnh Hoàn có tình hình tài chính tốt. VHC là một trong các doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, kết quả của những năm tháng ăn nên làm gia. Tiền dư được đầu tư vào chứng khoán và gửi ngân hàng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 4/1, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng mạnh ngưỡng 1.115 điểm nhờ sự bứt phá của hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo tích cực.
Theo BVSC, thị trường dự báo sẽ có diễn biến khởi sắc trong tuần giao dịch đầu tiên của năm 2021. VN-Index sẽ tiếp tục thử thách vùng kháng cự 1.110-1.130 điểm trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, BVSC vẫn lưu ý đến các phiên rung giật mạnh có thể sẽ xảy ra đan xen trong qua trình đi lên của chỉ số do hiện tại số lượng các cổ phiếu ở vào trạng thái quá mua đã lan tỏa trên diện rộng. Dòng tiền trong nước sẽ vẫn là động lực chính hỗ trợ cho đà tăng của thị trường. Nhà đầu tư cũng sẽ hướng sự quan tâm đến kỳ công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2020 của các doanh nghiệp niêm yết.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/12, VN-Index tăng 6,33 điểm lên 1.103,87 điểm; HNX-Index tăng 6,17 điểm lên 203,12 điểm. Upcom-Index tăng 1,05 điểm lên 74,45 điểm. Thanh khoản đạt 12,5 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét