Thứ Tư, 13 tháng 1, 2021

Tin chứng khoán ngày 14/1: Đại gia số 1 Hồ Gươm lu mờ, rút khỏi cuộc chơi 230 tỷ USD

Nhà hàng duy nhất sát Hồ Gươm rút lui sau hơn 3 năm trên sàn chứng khoán. Sự thiếu quan tâm của NĐT và tình hình kinh doanh sa sút có thể là yếu tố khiến đại gia bí ẩn đứng sau đưa ra quyết định này.

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo về việc hủy đăng ký giao dịch trên Sàn Upcom đối với 3 triệu cổ phiếu TTJ của CTCP Thủy Tạ vào ngày 19/1/2021 do không còn đủ điều kiện là công ty đại chúng.

TTJ chính thức giao dịch trên Upcom từ 20/6/2017 với giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên tại mức 31.000 đồng/cp. Tuy nhiên, cổ phiếu này không nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư. Thanh khoản của TTJ rất thấp, hầu như không có giao dịch trong một khoảng thời gian dài.

CTCP Thủy Tạ tiền thân là Nhà hàng Thủy Tạ, thành lập tháng 5/1958. Đây là nhà hàng duy nhất nằm sát bờ Hồ Gươm với thương hiệu kem nổi tiếng Thủy Tạ. Sau đó, công ty này phát triển thêm chuỗi Café Thủy Tạ, nước tinh khiết Pha Lê, bánh trung thu Thủy Tạ…

Thủy Tạ có 4 cổ đông lớn gồm: Hapro (30%), Xây dựng và Dịch vụ Thương mại Đức Khang (23,18%), Rồng Thái Bình Dương (11,18%) và cổ đông cá  nhân Lã Xuân Hòa (10%).

{keywords}
Kem Thủy Tạ, nhà hàng duy nhất sát Hồ Gươm.

Hapro là một doanh nghiệp quản lý quỹ đất rất lớn. Sau cổ phần hoá, Tập đoàn BRG của bà Nguyễn Thị Nga đã trở thành cổ đông chiến lược và nắm quyền điều hành ở DN này. Trước cổ phần hóa, Hapro quản lý và sử dụng 183 cơ sở nhà đất. Theo phương án phê duyệt, sau cổ phần hóa, Hapro được giao nắm giữ 114 địa điểm là cơ sở nhà, đất tại Hà Nội và các tỉnh thành.

Trong vài năm qua, Hapro chuyển nhượng vốn góp ở nhiều doanh nghiệp như Unimex, Ong mật Hà Nội…

Trong khi đó, Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương là một doanh nghiệp của ông gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn (con trai cả cố doanh nhân Tư Hường và là chồng Á hậu Dương Trương Thiên Lý). Đây cũng là doanh nghiệp nắm giữ cổ phần lớn tại Ngân hàng Nam Á (NamABank).

{keywords}
Á hậu Dương Trương Thiên Lý.

Trước đó, hồi cuối 2019, Thương hiệu Diêm Thống Nhất 63 năm tuổi cũng đã thống nhất dừng sản xuất diêm kể từ năm 2020 và hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom. Diêm Thống Nhất cũng là một thương hiệu nổi tiếng của Hà Nội, ra đời từ năm 1956 với hình quen thuộc là những bao diêm có hình chim bồ câu trắng trên nền trời xanh.

Hiện nay hoạt động của công ty chủ yếu liên quan đến kinh doanh và sản xuất sản phẩm sinh lửa là Diêm và Bật lửa. Ngoài ra, Công ty phát triển ngành nghề sản xuất bao bì, in ấn, kinh doanh thương mại…

Muối Khánh Hòa cũng đã hủy đăng ký giao dịch trên sàn Upcom do doanh nghiệp này không còn đáp ứng điều kiện là công ty đại chúng theo thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thị trường tiếp tục sôi động. VN-Index hiện giảm  nhẹ về ngưỡng 1.180 điểm.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

Theo YSVN, thị trường có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong phiên kế tiếp, nhưng nhịp điều chỉnh này có thể chưa diễn ra quá mạnh hoặc VN-Index có thể sẽ quay trở lại đà tăng và kiểm định mức 1.200 điểm. Đồng thời, YSVN đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, mà thị trường chủ yếu chỉ xuất hiện nhịp điều chỉnh do ảnh hưởng từ áp lực chốt lời sau chuỗi tăng điểm mạnh và VN-Index đối mặt với ngưỡng kháng cự mạnh 1.200 điểm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/1, VN-Index giảm 6,23 điểm xuống 1.186,05 điểm; HNX-Index tăng 0,52 điểm lên 222,49 điểm. Upcom-Index tăng 0,04 điểm lên 77,93 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 22,0 nghìn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét