Có giá siêu rẻ nhưng miếng dán giữ nhiệt lại gây sốt vì được quảng cáo giúp sưởi ấm cơ thể, như đắp chăn bông đi ra đường. Dân buôn nhờ đó được dịp hốt bạc những ngày rét đậm bởi lượng bán ra lên tới hàng vạn miếng.
Những ngày này, Hà Nội trải qua đợt rét đậm, đặc biệt ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta còn xuất hiện mưa tuyết, băng giá. Theo đó, sức mua các mặt hàng áo giữ nhiệt, áo đại hàn, áo phao béo,... tăng đột biến, nhiều nơi thậm chí còn “cháy hàng”.
Song, bên cạnh những sản phẩm thời trang giá tiền triệu được chọn mua để chống chịu với đợt rét hiếm có này, trên thị trường miếng dán giữ nhiệt gây sốt không kém vì có giá siêu rẻ. Đặc biệt, sản phẩm này còn được quảng cáo giúp cho người dùng giữ được cơ thể ấm áp giống như đắp chăn bông đi ra ngoài đường.
Trên chợ mua bán online của sinh viên, miếng dán giữ nhiệt được giới thiệu có công dụng sưởi ấm và giữ nhiệt cho cơ thể, giúp người dùng cảm thấy ấm áp. Thậm chí, sản phẩm này còn giúp giảm đau ở những vùng cơ thể bị đau nhức do hoạt động thường ngày, chơi thể thao, hay đau do thay đổi thời tiết.
Miếng dán giữ nhiệt có giá siêu rẻ đang được rao bán tràn ngập và gây sốt trên thị trường |
Không chỉ vậy, người bán còn khẳng định hàng chuẩn loại 1 với thành phần được làm từ bột sắt, nước clorua kali, than hoạt tính và muối. Theo đó, chỉ cần bóc lớp nilon bên ngoài rồi dán ra ngoài tất chân, ngoài quần áo là miếng dán sẽ sinh nhiệt dao động từ 50-63 độ C, giữ được trong vòng 10-12 tiếng đồng hồ.
Điều khiến mọi người chú ý là những miếng dán giữ nhiệt này có giá siêu rẻ, chỉ từ 2.500-3.000 đồng/miếng. Đây cũng là lý do khiến mặt hàng này gây sốt thị trường, được mọi người ồ ạt đặt mua về dùng trong những ngày thời tiết rét căm căm như hiện nay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Đinh Thị Hà - một đầu mối bán miếng giữ nhiệt ở Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) - cho biết, trên thị trường sản phẩm này có khá nhiều loại, giá bán dao động từ 2.500-20.000 đồng/miếng tuỳ xuất xứ.
Thường miếng dán giữ nhiệt xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản có giá cao hơn hàng của Trung Quốc. Song, chính nhờ giá rẻ, hàng của Trung Quốc lại được nhiều người chuộng mua.
“Loại này thường đóng túi 10 miếng. Tôi bán cả sỉ và lẻ, nhưng khách lấy lẻ phải lấy ít nhất từ 10 miếng mỗi lần, còn khách sỉ thì lấy theo thùng”. Chị nói và cho biết, chị nhập trực tiếp từ đầu mối bên Trung Quốc về, thế nên, giá bán ra thị trường chỉ 2.500 đồng/miếng.
Mấy ngày gần đây rét đậm, ra đường lạnh buốt, mọi người tăng mua sản phẩm này để dán ở dưới lòng bàn chân, ở lưng hay ở bụng giữ ấm cơ thể. Do đó, hàng lúc nào cũng trong tình trạng đắt như tôm tươi. Hôm nay tạm thời “cháy hàng”, khách hỏi mua chị đều phải hẹn 2 ngày sau mới có.
Đợt rét đậm, rét hại này dân buôn miếng dán giữ nhiệt hốt bạc |
Chị Hà tiết lộ, thời tiết mới chuyển rét đậm khoảng một tuần, chị bán đã bán hết 1 vạn miếng dán giữ nhiệt. Lô hàng 2 vạn miếng nữa cũng đang được chuyển về gấp để trả đơn khách vì dự kiến đợt rét đậm tiếp tục kéo dài.
Bán với giá 99.000 đồng/30 miếng dán giữ nhiệt, chị Phạm Thị Thương ở Trần Phú (Hà Đông, Hà Nội) khoe, sản phẩm này có giá rất rẻ nên chị bán theo set 30 miếng để tiện khách đặt và cũng tiện shipper giao hàng.
“Mặt hàng này có bán nhiều năm nay. Song dịp này gây sốt vì thời tiết chuyển rét đậm đột ngột. Đặc biệt phía Bắc nhiều tỉnh xuất hiện băng giá, tuyết rơi, nhiều bạn trẻ muốn lên đó trải nghiệm nên tìm mua miếng dán này để dán giữ ấm cơ thể”. Theo chị Thương, trời càng rét đậm miếng dán giữ nhiệt càng đắt hàng. Ví như ba ngày hôm nay, mỗi ngày chị bán hết khoảng 500-600 miếng dán.
Theo chuyên gia trong ngành, miếng dán giữ nhiệt là sản phẩm khá phổ biến ở những nước có mùa đông lạnh giá. Thành phần của miếng dán giữ nhiệt chủ yếu là bột sắt, muối, than hoạt tính, nước,... Nó hoạt động theo cách thức phản ứng oxy hóa kim loại để sinh nhiệt, sưởi ấm. Tùy vào sự thay đổi của lượng nguyên liệu, phản ứng nhiệt sẽ được tạo ra ở các mức độ khác nhau. Bằng cách này, miếng dán có thể làm ấm cơ thể khi thời tiết lạnh.
Song, vị chuyên gia cũng lưu ý, không được dán trực tiếp lên da mà dán qua một lớp quần/áo/tất, bởi miếng dán sinh ra nhiệt độ cao sẽ dễ gây tổn thương, bỏng da. Đồng thời, cần thay đổi vị trí dán, không dán liên tục ở một vị trí vì sẽ làm tổn thương da ở khu vực đó.
Không nên dùng miếng dán trong lúc ngủ. Khi có biểu hiện bất thường, nên tháo ngay và theo dõi phần da vừa được dán. Trong trường hợp bị bỏng, phải tới gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, chuyên gia khuyến cáo.
N.Băng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét