Chủ Nhật, 10 tháng 1, 2021

Lo P2P lending Trung Quốc tràn sang Việt Nam

Hơn 10.000 nền tảng cho vay ngang hàng bị đóng cửa ở Trung Quốc thời gian qua khiến nguy cơ các công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ trong lĩnh vực này tìm cách sang Việt Nam, gây rủi ro cho thị trường.

Cuối năm, khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân tăng cao cũng là dịp để các ứng dụng (app) cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng (P2P lending) ra sức mời gọi. Không ít người đã phải vay qua app với mức lãi suất và phí dịch vụ rất cao.

Trung Quốc thanh lọc nền tảng cho vay ngang hàng

Ngân hàng (NH) Nhân dân Trung Quốc (PBOC) hôm 6-1 thông báo sẽ tăng cường cơ chế quản lý giám sát thận trọng đối với hoạt động tài chính trên các nền tảng trực tuyến, gồm chiến dịch xóa sổ NH bóng tối và các nền tảng P2P lending.

Các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc đã đóng cửa hơn 10.000 nền tảng P2P lending hồi tháng 11-2020. Các nền tảng cho vay này đã xuất hiện trên khắp Trung Quốc trong 14 năm qua và thu hút hàng triệu nhà đầu tư cá nhân, khiến nhiều khoản tiết kiệm hàng tỉ nhân dân tệ "bốc hơi".

Cuối tháng trước, PBOC đã triệu tập lãnh đạo Ant Group - công ty tài chính liên kết của tập đoàn đình đám Alibaba - để yêu cầu khắc phục ngay lập tức các vi phạm về quy định tài chính, bao gồm cả những vi phạm trong tín dụng, bảo hiểm, quản lý tài sản, kinh doanh sản phẩm. PBOC yêu cầu Ant Group cam kết bảo đảm tính bảo mật thông tin cá nhân trong quá trình xếp hạng tín dụng của khách hàng.

{keywords}
Dịch vụ cho vay ngang hàng đang nở rộ tại Việt Nam Ảnh: Tấn Thạnh

Ngành công nghiệp cho vay ngang hàng bùng nổ sau khi chính quyền Trung Quốc thực hiện chủ trương hỗ trợ các hoạt động tài chính qua mạng từ năm 2014. Trong thời kỳ hoàng kim, các công ty này mở những văn phòng hạng sang tại các vị trí đắc địa với tổng giao dịch hằng năm trị giá tới 3.000 tỉ nhân dân tệ (tương đương 460 tỉ USD).

Theo báo South China Morning Post (Hồng Kông), đến cuối năm 2017, các quan chức Trung Quốc nhận thấy rủi ro lớn từ những nền tảng P2P lending hoạt động mờ ám nên cam kết xóa sổ chúng khỏi hệ thống tài chính.

Wdzj.com, công ty tổng hợp dữ liệu về các nền tảng P2P lending, cho biết khoảng 56% nhà đầu tư ở Trung Quốc là những người làm công ăn lương, có thu nhập hằng tháng từ 5.000 nhân dân tệ (khoảng 767 USD) đến 10.000 nhân dân tệ (1.546 USD). Hồi tháng 8-2020, cơ quan quản lý Trung Quốc cho biết khoảng 800 tỉ nhân dân tệ (tương đương 122,7 tỉ USD) đầu tư vào các nền tảng cho vay này vẫn chưa được hoàn trả.

Việt Nam cần sớm có khung pháp lý về P2P lending

Tại Việt Nam, thông tin về việc Trung Quốc "xóa sổ" P2P lending thu hút sự quan tâm của thị trường, bởi đây là lĩnh vực phát triển khá mạnh thời gian qua.

Hiện trên thị trường có khoảng 100 công ty trong lĩnh vực P2P lending, bao gồm công ty đã hoạt động chính thức lẫn trong giai đoạn thử nghiệm (theo dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây). Trong đó, một số công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Nga, Singapore, Indonesia, cho thấy nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam. Trong bối cảnh một số quốc gia như Trung Quốc, Singapore, Indonesia... tăng cường quản lý hoạt động P2P lending, các công ty nước ngoài, đặc biệt là công ty P2P lending của Trung Quốc, đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một chuyên gia kinh tế cho hay cách đây vài tháng, một tập đoàn tài chính chuyên về P2P lending ở Trung Quốc đã hỏi ông cách để chuyển hoạt động kinh doanh sang Việt Nam. "Dù biết Việt Nam chưa có khung pháp lý rõ ràng, có thể gây rủi ro cho hoạt động kinh doanh nhưng app này vẫn quyết tâm tìm đường sang" - chuyên gia này nói.

TS Trần Hùng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển công nghệ NH (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP HCM), nhận định vì chưa có quy định cho mô hình kinh doanh mới này nên đa phần các công ty P2P lending tại Việt Nam theo mô hình kết hợp giữa dịch vụ cầm đồ (ngành nghề kinh doanh có điều kiện) với tư vấn tài chính, tư vấn đầu tư, môi giới tài chính... Dự thảo "Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có đề cập việc thiếu khuôn khổ pháp lý đối với mô hình cho vay ngang hàng tại Việt Nam. Do thiếu các quy định nên hoạt động này tại Việt Nam đã phát sinh những tiêu cực ở cả phía người cho vay (vay nặng lãi) và người đi vay (lừa đảo).

"Sau khi Chính phủ Trung Quốc siết chặt các hoạt động này, một loạt nền tảng P2P lending của Trung Quốc đang chuyển Việt Nam. Điều này sẽ gây nhiều tiềm ẩn rủi ro trong thời gian tới" - TS Trần Hùng Sơn lo ngại.

Nhận định về xu hướng phát triển của P2P lending và xu hướng những công ty Trung Quốc này sang Việt Nam, TS Nguyễn Quốc Anh, Khoa NH - Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng đây là điều khó tránh khi trào lưu khởi nghiệp đang phát triển; các giải pháp thúc đẩy tiếp cận tài chính toàn diện được triển khai, đặc biệt là những doanh nghiệp siêu vi mô, khách hàng cá nhân vốn rất khó tiếp cận hệ thống vốn vay chính thức của tổ chức tín dụng.

"Cấm P2P lending là rất khó. Do đó, nhà nước cần sớm có quy định, khung pháp lý rõ ràng để quản lý một cách bài bản, tránh tình trạng những công ty này có thể núp bóng để lừa đảo, rửa tiền, cho vay lãi suất cao... Quy định của nhà nước cần xác định đối tượng nào được hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này; phải xây dựng khung chế tài để xử lý vi phạm, tránh việc khó kiểm soát" - TS Nguyễn Quốc Anh phân tích.

Đang nghiên cứu cơ chế thí điểm

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Người Lao Động về xu hướng "xóa sổ" P2P lending ở Trung Quốc, liệu các công ty trong lĩnh vực này có tràn sang Việt Nam cạnh tranh hoặc cho vay núp bóng, cho vay lãi suất cao hay không, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán - NH Nhà nước, cho biết đang tiếp tục theo dõi thị trường để có giải pháp quản lý phù hợp. Theo ông Dũng, trong đề án kinh tế chia sẻ của Chính phủ, NH Nhà nước được giao cơ chế thí điểm về P2P lending và đã có báo cáo trình Thủ tướng. Nghị quyết 01 năm nay của Thủ tướng cũng giao NH Nhà nước xây dựng nghị định thí điểm về kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ (fintech), trong đó có đề cập một hoạt động thử nghiệm về P2P lending.

(Theo Người Lao Động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét