Dịch vụ cho vay đáo hạn thẻ tín dụng thông qua hình thức mua hàng “khống” bùng nổ là một trong số những tin tức đáng chú ý trên các báo ra sáng nay (14/1).
Thông thường, thẻ tín dụng sẽ được miễn lãi suất trong 45 ngày nếu thanh toán trực tiếp; còn nếu rút tiền mặt, sẽ mất phí 3 - 4%, chịu lãi 2 - 3%/tháng và chỉ rút được 50% hạn mức tín dụng. Nhiều người đã lách quy định này bằng cách tìm đến dịch vụ đáo nợ thẻ, tức là các công ty dịch vụ sẽ nạp tiền vào tài khoản của chủ thẻ để ngân hàng cắt nợ. Ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng, bên làm dịch vụ sẽ cà thẻ qua máy POS để thu nợ và thu luôn phí.
Thông qua hình thức mua hàng "khống", khách chỉ mất phí 2 - 2,5% số tiền rút, có thể rút 100% hạn mức, không mất lãi suất trong 45 ngày. Chính vì vậy, loại hình giao dịch này đang nở rộ "như nấm sau mưa". Thậm chí, một số chủ thẻ còn tận dụng để đặt cọc mua đất, rút tiền "lướt sóng" vàng hay chứng khoán.
Thông qua hình thức mua hàng "khống", khách chỉ mất phí 2 - 2,5% số tiền rút. (Ảnh minh họa: NLĐ) |
Tờ Thời báo kinh doanh dẫn ý kiến một vị giám đốc ngân hàng thương mại cho biết, các điểm chấp nhận thanh toán vẫn thể hiện được chứng từ giao dịch, hóa đơn, doanh số bán hàng. Điều này đang gây khó cho nhiều ngân hàng.
Da giày Việt Nam trước vị thế chủ động trong chuỗi cung ứng
Tin vui với ngành da giày Việt Nam là dù dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới nhưng các doanh nghiệp hiện đã có đơn hàng dài hạn trở lại, hoạt động sản xuất vẫn được duy trì và giữ chân được người lao động.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đang phải đáp ứng điều kiện khắc nghiệt hơn, như: thời gian giao hàng rút ngắn 30%, giá giảm, minh bạch chuỗi cung ứng để người mua kiểm soát...
Trang Thời báo kinh tế Sài gòn Onlines dẫn nhận định của đại diện Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho biết, nhà mua hàng hiện nay đặt yêu cầu rất cao với nhà cung ứng về khả năng phản ứng nhanh trước nhu cầu thị trường; chú trọng hàng cơ bản, tối giản; chỉ tập trung vào nguyên vật liệu và chất lượng.
Do vậy, Việt Nam cần thúc đẩy xây dựng một số khu - cụm công nghệ sản xuất da giày, nguyên phụ liệu và xử lý môi trường, từ đó chủ động nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Căn hộ chung cư TP Hồ Chí Minh lập đỉnh giá mới, bỏ xa Hà Nội
Khoảng 10 năm trước, bán một ngôi nhà tại Hà Nội có thể mua được 2 căn nhà có diện tích tương tự tại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng hiện nay, căn hộ chung cư tại TP Hồ Chí Minh đã lập đỉnh giá mới, bỏ xa Hà Nội - tiêu đề bài viết trên tờ Diễn đàn doanh nghiệp.
Giá bán bình quân căn hộ sơ cấp tại khu Đông (TP Hồ Chí Minh) được ghi nhận ở mức kỷ lục, 102 triệu đồng/m2. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư) |
Giá bán bình quân căn hộ sơ cấp tại khu Đông (TP Hồ Chí Minh) được ghi nhận ở mức kỷ lục, 102 triệu đồng/m2; mức giá tối thiểu là 39 triệu, cao nhất là 165 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại Hà Nội, tuy giá tăng tại khu vực ngoại thành, có nơi chào bán đến 50 - 60 triệu đồng/m2, nhưng theo JLL Việt Nam, giá bán trung bình vẫn chỉ đạt khoảng 35 triệu đồng.
Lý giải điều này, các chuyên gia cho biết, nhu cầu nhà ở tại TP Hồ Chí Minh cao hơn do dân số lớn hơn. Bên cạnh đó, các dự án bất động sản đang tắc nghẽn về mặt pháp lý từ năm 2018, khiến nguồn cung sụt giảm, đẩy giá bán lên cao.
(Theo VTV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét