Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

Chuyển đổi số: Kích hoạt cỗ máy tăng trưởng mới

Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở Việt Nam, từ những doanh nghiệp lớn cho đến những shop kinh doanh nhỏ lẻ. Hàng chục nghìn doanh nghiệp công nghệ ra đời chỉ trong 1 năm, hứa hẹn tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế.

Sự thôi thúc nâng tầm doanh nghiệp

Nhà máy công nghệ cao của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang tại Khu công nghệ cao TP.HCM là nơi ghi dấu sự chuyển đổi số mạnh mẽ của công ty có bề dày lịch sử này. Từ một công ty sản xuất các thiết bị điện truyền thống, với việc liên tục cho ra đời các giải pháp công nghệ mới thông minh, Điện Quang đang chuyển mình từ một nhà sản xuất thiết bị thành nhà cung cấp các giải pháp tổng thể trong ngành điện, chiếu sáng và công nghệ thông tin.

Khu trưng bày những giải pháp công nghệ của Điện Quang là mô hình nhà thông minh, hệ thống chiếu sáng thông minh,... luôn gây ấn tượng mạnh với những người chứng kiến. Vào tháng 12/2020, sản phẩm Hệ thống giải pháp thông minh Điện Quang Smart V2 của Điện Quang cũng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông chứng nhận đạt top 10 giải thường Sản phẩm số xuất sắc Make in Viet Nam.

{keywords}
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ.

Nói về vấn đề này, đại diện Điện Quang chia sẻ: "Đây là sản phẩm Make in Việt Nam của Điện Quang. Hướng phát triển của chúng tôi là tập trung phân phối cho khách hàng sử dụng ở Việt Nam trước, ưu tiên cho người Việt dùng hàng Việt. Vì Điện Quang sản xuất nên mẫu mã, thiết kế có thể thay đổi theo nhu cầu của khách hàng, nhà đầu tư. Phần mềm cũng do Điện Quang tự phát triển nên có thể tùy biến thay đổi để thích nghi xu hướng sử dụng của người Việt".

Không riêng doanh nghiệp này, chuyển đổi số tạo ra nhiều sản phẩm Make in Vietnam để hướng đến phục vụ khách hàng là con đường nhiều doanh nghiệp đang lựa chọn và thúc đẩy mạnh mẽ.

Là tập đoàn kinh tế nhà nước, những năm gần đây Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Hiện nay, các giao dịch của khách hàng với EVN, từ khâu yêu cầu dịch vụ đến ký hợp đồng, thanh toán, đều được thực hiện trực tuyến thông qua những nền tảng số, như triển khai ứng dụng QR code cho tất cả khách hàng; ra mắt ứng dụng chăm sóc khách hàng Epoint; ứng dụng thành công chatbot - sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tư vấn khách hàng,...

“Nói nôm na, rất nhiều khách hàng của chúng tôi, kể cả các cụ hưu trí, chỉ cần ngồi nhà nhấp chuột là được cung cấp các dịch vụ điện từ hợp đồng mua điện, lắp đặt, xử lý sự cố đến thanh toán hóa đơn mà không cần phải đi lại”, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN, chia sẻ.

Ban đầu, EVN đưa ra mục tiêu hoàn thành cơ bản chuyển đổi số vào năm 2025. Tuy nhiên, tại buổi làm việc với lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, EVN đã quyết định rút ngắn thời gian chỉ còn đến năm 2022.

Nhắc đến mục tiêu này, ông Võ Quang Lâm khẳng định: Chắc chắn EVN sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Để đến năm 2022 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, các công việc của EVN sẽ được đẩy nhanh hơn, đồng thời kêu gọi sự vào cuộc của các đối tác bên ngoài nhằm thúc đẩy quá trình này. Tất cả những điều đó nhằm mục đích phục vụ khách hàng tốt hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

{keywords}
Chỉ cần mở smartphone, khách hàng đã lắp đặt công tơ điện tử có thể biết được lượng điện tiêu thụ hàng ngày.

Kích hoạt cỗ máy tăng trưởng mới

Thực tế, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đang diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Không phải chỉ ở những doanh nghiệp, tập đoàn lớn kể trên, mà làn sóng chuyển đổi số còn hiển hiện rõ rệt ở những quán cơm văn phòng, những shop buôn bán nhỏ... Người dân đã áp dụng những “công cụ số” để bán hàng nhiều hơn, tiếp cận khách hàng đông đảo hơn với chi phí hợp lý hơn. Thói quen sử dụng tiền mặt cũng dần thay đổi, thay vào đó là các loại hình thanh toán điện tử, thanh toán trực tuyến đa dạng.

Tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2020, báo cáo của Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam đánh giá: Giống như ở nhiều quốc gia khác, đại dịch đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế số của Việt Nam nói chung và thương mại điện tử nói riêng. Các trường học và công sở trên khắp đất nước đã chuyển sang sử dụng các giải pháp trực tuyến, các đơn hàng trực tuyến cũng tăng gấp 10 lần trong thời gian giãn cách xã hội.

“Những tổ chức và doanh nghiệp nhanh chóng triển khai các nền tảng, ứng dụng và dịch vụ mới tỏ ra thích ứng tốt hơn với đại dịch. Họ cố gắng duy trì tính liên tục trong kinh doanh hiện tại, đồng thời chuyển sang làm việc và học tập từ xa, và thậm chí còn thử nghiệm những cách mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng” đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ chia sẻ.

Đây cũng là động lực để khai sinh ra nhiều doanh nghiệp công nghệ Việt. “Mảnh đất màu mỡ” nhờ công cuộc chuyển đổi số mang lại sẽ là nguồn sống và phát triển những doanh nghiệp non trẻ này.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Diễn đàn phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam năm 2020 cho thấy, sau một năm triển khai chiến lược Make in Vietnam,  hơn 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28%. Việt Nam đã có cộng đồng trên 58.000 doanh nghiệp. Đây là một con số kỷ lục khi lúc đầu chúng ta chỉ nghĩ đến con số cao nhất là 6.000 doanh nghiệp một năm. Điều này là cú huých để mục tiêu 100.000 doanh nghiệp công nghệ số vào năm 2030 có thể đạt được vào năm 2025.

Đó sẽ là những cỗ máy tăng trưởng mới cho nền kinh tế Việt Nam. Báo cáo mới đây của Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia đánh giá: Cách mạng công nghiệp 4.0 và kinh tế số được dự báo phát triển nhanh hơn sau Covid-19, giúp Việt Nam đứng trước cơ hội đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Tận dụng quá trình phát triển nhanh của cách mạng công nghiệp 4.0 có thể tạo nền tảng để Việt Nam chuyển đổi nhanh hơn, từ mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp và thâm dụng vốn chuyển sang mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, nhưng cũng đi kèm nhiều thách thức có thể bị bỏ lại phía sau hoặc lệ thuộc nhiều hơn vào các nước giàu.

Một nghiên cứu khác của Viện Kinh tế Việt Nam khuyến nghị: “Cần phải thay đổi tư duy, biến công nghệ thông tin và chuyển đổi số là cú hích quan trọng và là trụ cột nền tảng để nâng đỡ quá trình phục hồi, tăng cường năng lực chống chịu và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng hiệu quả, xanh và bền vững”.

Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam khi phát biểu ở Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2020 cũng nhận định: "Tôi tin tưởng rằng dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo tài tình của Chính phủ Việt Nam trong việc thành công đẩy lùi đại dịch Covid-19, thực hiện các chính sách xây dựng môi trường kinh doanh phù hợp để thu hút FDI cùng những nỗ lực dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi số chắc chắn sẽ giúp kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng phi mã trong tương lai".

Tại Lễ Khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã trình bày Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII, trong đó nhấn mạnh mục tiêu: Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành một nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Mục tiêu cụ thể trong những thập niên tới là: Đến năm 2025: Là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
VietNamNet xin giới thiệu đến quý độc giả những bài viết theo chủ đề này với mong muốn góp tiếng nói để Việt Nam sớm đạt được mục tiêu đề ra


Lương Bằng

Những con số ấn tượng về chuyển đổi số Việt Nam năm 2020

Những con số ấn tượng về chuyển đổi số Việt Nam năm 2020

Dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội toàn thế giới, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tốt và tận dụng cơ hội để bứt phá, đẩy mạnh thực hiện Chuyển đổi số quốc gia.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét