Đại gia hàng hiệu Việt Nam - ông Johnathan Hạnh Nguyễn bắt đáy cổ phiếu dịch vụ phi hàng không ở vào thời điểm cuộc chiến chống Covid có nhiều tín hiệu tích cực.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty TNHH Thương mại Duy Anh do Công ty TNHH XNK Liên Thái Bình Dương (IPP Group) của đại gia Johnathan Hạnh Nguyễn nắm giữ 90% vốn, đăng ký mua gần 3 triệu cổ phiếu của CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco (SAS), tương đương với 2,21% vốn. Giao dịch được thực hiện thông qua thỏa thuận, dự kiến trong khoảng thời gian từ ngày 25/8-23/9.
Đây là một thông tin tích cực đối với Sasco sau chuỗi ngày doanh nghiệp dịch vụ phi hàng không lao đao cùng ngành hàng không giữa đại dịch Covid-19.
Cổ phiếu Sasco ngay lập tức tăng 10,4% trong phiên giao dịch 24/8 từ mức 24.000 đồng/cp lên 26.500 đồng/cp và tiếp tục tăng thêm 12,7% ngay khi mở cửa phiên giao dịch 25/8 để lên mức 29.200 đồng/cp.
Như vậy, chỉ trong 2 phiên cổ phiếu Sasco của nhóm công ty nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bố chồng nữ diễn viên Tăng Thanh Hà đã tăng tổng cộng 5.200 đồng (+21,7%). Vốn hóa của Sasco tăng tương ứng gần 700 tỷ đồng.
CTCP Dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất - Sasco được biết đến là doanh nghiệp “gà đẻ trứng vàng” của nhà ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhờ hoạt động kinh doanh dịch vụ ở sân bay lớn nhất tại Việt Nam.
Doanh nghiệp của ông Hạnh Nguyễn đăng ký mua thêm cổ phiếu Sasco. |
Trong các năm trước đó, Sasco mang lại những khoản lợi nhuận lớn cho cổ đông, trong đó chủ yếu là 2 cổ đông lớn: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam ACV (hơn 49%) và nhóm cổ đông nhà ông Hạnh Nguyễn.
Nếu giao dịch nói trên thành công, nhóm công ty của ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ sở hữu hơn 47,5% tại Sasco. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đang giữ chức Chủ tịch của Sasco và vợ ông, bà Lê Hồng Thủy Tiên là thành viên HĐQT.
Sasco là doanh nghiệp lớn chuyên kinh doanh hàng miễn thuế, dịch vụ phòng khách thương gia, ẩm thực, nhà hàng khách sạn tại sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Cam Ranh mở rộng…
Sự tăng trưởng rất mạnh của lượng khách quốc tế đã giúp Sasco bội thu trong nhiều năm qua. Doanh nghiệp này cũng mở rộng hoạt động sang lĩnh vực bất động sản và bất động sản nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 tới nay Sasco gặp khó vì đại dịch Covid-19.
Sasco ghi nhận doanh thu quý II giảm 92% so với cùng kỳ xuống chỉ còn hơn 60 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận chỉ bằng 1/5 so với quý II/2019. Tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của ông lớn dịch vụ hàng không giảm tới 80%.
Ông lớn trong ngành dịch vụ phi hàng không giảm mạnh do tác động của đại dịch Covid-19 khiến ngành hàng không lao đao, hầu hết các đường bay trong và ngoài nước bị đóng cửa khiến lượng khách tụt giảm 95-97%.
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn. |
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn được biết đến là một doanh nhân thành đạt, sở hữu hàng loạt doanh nghiệp thời trang nổi tiếng như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP), Công ty TNHH Thời trang và mỹ phẩm Âu Châu, Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh.
Trong vài năm trước, ông Hạnh Nguyễn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ hàng không với việc mua cổ phần tại CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco).
Không chỉ Sasco, nhiều doanh nghiệp dịch vụ hàng không khác cũng gặp khó.
CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng - Masco (MAS) vừa ghi nhận kết quả quý II lỗ nặng nhất kể từ khi lên sàn với doanh thu thuần lao dốc gần 80% xuống chỉ còn 13 tỷ đồng, trong khi lỗ hơn 5,8 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Masco lỗ gần 7 tỷ đồng.
CTCP Phục vụ mặt đất Sài Gòn (SGN) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2020 với một nội dung đáng chú ý: doanh nghiệp đặt chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 97% so với năm trước xuống còn 10 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu cũng được SGN đặt giảm một nửa xuống còn 820 tỷ đồng.
Chủ chuỗi cửa hàng đồ ăn Lucky và miễn thuế Jalux ở sân bay của CTCP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs) cũng gặp khó với doanh thu quý 1 giảm 21%, lợi nhuận sau thuế giảm 70% xuống còn 16 tỷ đồng.
Các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air (VJC) hay Bamboo Airways đều gặp khó.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 25/8, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng điểm và lên trên ngưỡng 870 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo tích cực hơn.
Theo BSC, việc một quỹ của Đài Loan huy động gần 4.000 tỷ đồng để đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đã tác động phần nào đến các nhà giao dịch, giúp VN-Index có một phiên bứt phá. Theo đánh giá, VNIndex sẽ có thể duy trì đà tăng ngắn hạn trong những phiên tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, VN-Index tăng 13,9 điểm lên 868,68 điểm; HNX-Index tăng 0,43% lên 123,16 điểm. Upcom-Index tăng 1,02% lên 57,98 điểm. Thanh khoản đạt 8 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét