Doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) chưa hết khó và vẫn ở trong tình trạng bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục cho dù đại gia từng giàu nhất Việt Nam đã bán một loạt tài sản để tái cơ cấu.
CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2020 với một khoản lãi ròng, thay vì lỗ như trong báo cáo trước đó.
Cụ thể, cổ đông công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai ghi nhận lãi ròng hơn 107 tỷ đồng, thay vì lỗ 48 tỷ đồng trong báo cáo tự lập.
Tuy nhiên, Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi mà tỷ trọng lớn trong tổng tài sản là tài sản dở dang dài hạn với tổng trị giá lên tới hơn 11,4 nghìn tỷ đồng; hàng tồn kho hơn 2,3 nghìn tỷ đồng và khoản phải thu ngắn và dài hạn tiếp tục tăng lên 10,8 nghìn tỷ đồng.
Một điểm đáng lưu ý là kiểm toán có đưa ra ý kiến ngoại trừ đối với khả năng thu hồi các khoản dư nợ tồn đọng với giá trị lên đến 7,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 29% so với con số 5.670 tỷ đồng hồi đầu năm.
Theo đó, kiểm toán viên không thể thu thập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi số dư nợ tồn đọng gần 7,3 nghìn tỷ đồng nói trên. Phía kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết phải điều chỉnh các khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2020 của HAG.
Ngoài ra, kiểm toán còn nhấn mạnh rằng, khoản nợ ngắn hạn tại ngày 30/06/2020 đã vượt quá tài sản ngắn hạn của HAG. Cùng với những vấn đề khác, báo cáo cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Trước đó, hồi đầu tháng, Hoàng Anh Gia Lai bị xử phạt và truy thu thuế hơn 822 triệu đồng do khai sai thuế và vi phạm nhiều lần.
Hồi cuối tháng 5 và trong 6 tháng, Tổng Giám đốc HAGL Võ Trường Sơn đã bán hết 803.000 cổ phần nắm giữ tại HAG.
Như vậy, niềm vui của Bầu Đức hồi cuối 2019 và đầu 2020 không kéo dài. Cổ phiếu HAG quay đầu giảm và hiện ở quanh ngưỡng 4.300 đồng/cp. Hoàng Anh Gia Lai vẫn trong quá trình tái cấu trúc và xử lý những món nợ khổng lồ còn lại từ các năm trước đó.
Bầu Đức tiếp tục gặp khó với HAGL. |
Trong năm 2019, Thaco của ông Trần Bá Dương đã chi khoảng 13 ngàn tỷ đồng mua các công ty của HAGL. THADI - một công ty con phụ trách mảng nông nghiệp của Thaco - đã chi ra hơn 7.600 tỷ đồng để mua lại 3 công ty con của HAGL Agrico là Cao su Đông Dương, Cao su Trung Nguyên và Công ty Đông Pênh. Ba công ty này đang quản lý gần 22.500 héc ta đất nông nghiệp tại Campuchia và tỉnh Gia Lai.
Ngoài các giao dịch mua lại trên, Thaco còn tiến hành chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu qua đó nắm giữ 26,29% cổ phần của HAGL Agrico.
HAGL hiện trông cậy vào mảng nông nghiệp nhưng Bầu Đức phải trông cậy nhiều vào tỷ phú Trần Bá Dương.
Trong mảng nông nghiệp, nhóm cổ đông có liên quan tới ông Trần Bá Dương, gồm CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đang nắm giữ khoảng 26,3% HNG; Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh nắm giữ 4,9% vốn HAGL Agrico. Ông Trần Bá Dương nắm giữ hơn 3,8%. Tổng cộng nhóm cổ đông liên quan tới Thaco đã nắm giữ 388,05 triệu cổ phiếu HNG, tương đương khoảng 35,5% vốn.
Theo một thỏa thuận được 2 bên ký kết hồi tháng 8/2018, Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico (doanh nghiệp quản lý mảng nông nghiệp của HAGL). Thaco cũng sẽ sở hữu 65% Công ty HAGL Myanmar.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco được Forbes đưa vào danh sách các tỷ phú USD thế giới trong năm 2018 với khối tài sản của ông Dương và gia đình đạt 1,7 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 1/9, chỉ số VN-Index tiếp tục tăng nhẹ và hướng tới ngưỡng 885 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index sẽ vẫn gặp khó khăn tại vùng kháng cự 883-888 điểm. Sau một nhịp tăng điểm mạnh từ vùng đáy 780-800 điểm, nhiều nhóm cổ phiếu đã bước vào trạng thái quá mua. Điều này có thể sẽ khiến thị trường sớm xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh mạnh. Nếu kịch bản điều chỉnh xảy ra, thị trường có khả năng sẽ lùi về kiểm định vùng hỗ trợ 850-860 điểm. Về tổng thể, BVSC duy trì đánh giá tích cực với xu hướng hiện tại của thị trường. Do đó, các nhịp điều chỉnh ngắn của thị trường (nếu có) được xem là các nhịp “nghỉ” cần thiết để cân bằng lại tương quan cung cầu ở các nhóm cổ phiếu và giúp chỉ số tích lũy thêm xung lực để hướng đến vùng kháng cự mạnh hơn nằm tại 895-905 điểm trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 31/8, VN-Index tăng 2,67 điểm lên 881,65 điểm; HNX-Index giảm 0,98 điểm xuống 124,85 điểm. Upcom-Index giảm 0,51 điểm xuống 58,82 điểm. Thanh khoản đạt 7,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét