Hàng loạt tập đoàn lớn Việt Nam đang tìm cách tuyển dụng và trọng dụng nhân tài cho các vị trí chủ chốt. Đáng chú ý là các chương trình cổ phiếu ưu đãi hàng nghìn tỷ đồng biến người làm thuê thành làm chủ
Hội đồng quản trị Tập đoàn Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang vừa thông qua quyết định tăng vốn điều lệ sau khi hoàn thành phát hành 5,7 triệu cổ phiếu ESOP hôm 20/8.
Việc phát hành cổ phiếu ESOP giúp doanh nghiệp tăng vốn nhưng mục tiêu chính là giữ chân nhân tài, khuyến khích người lao động thay đổi tâm thế làm việc, từ tư cách của “người làm thuê” sang tư cách của “người làm chủ”.
Trong tuần trước, Masan cũng có 2 thương vụ lớn, với tổng trị giá lên tới 8.000 tỷ đồng, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp Việt bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Masan quyết định sẽ phát hành 2 gói trái phiếu, mỗi gói 4.000 tỷ đồng.
Như vậy, tổng khối lượng trái phiếu mà Masan Group dự định phát hành mới là 8.000 tỷ đồng. Đây là đợt phát hành lớn tiếp theo sau đợt huy động 10.000 tỷ đồng kết thúc vào tháng 6 vừa qua.
Đây là bước đi đáng chú ý sau khi Masan bổ nhiệm sếp trẻ 36 tuổi Danny Le giữ ghế Ceo của Masan.Trước khi gia nhập Masan, ông Danny Le từng là chuyên viên phân tích, bộ phận Ngân hàng Đầu tư tại Morgan Stanley giai đoạn 2006-2010. Danny Le gia nhập Masan Group năm 2010 và đảm nhiệm vị trí Giám đốc Chiến lược và Phát triển của Masan trước khi lên CEO.
Ông Nguyễn Đăng Quang, chủ tịch Masan. |
Gần đây, nhiều doanh nghiệp tập đoàn Việt lớn rất chú trọng tới vấn đề nhân sự chủ chốt.
Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh hồi giữa tháng 8 đã bổ nhiệm Tổng giám đốc mới là người nước ngoài, ông Jens Lotter có 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính tại các tổ chức hàng đầu thế giới như McKinsey và BCG. CEO mới của Techcombank là một người từng công tác tại Ngân hàng Thương mại Siam (Thái Lan).
FPT cũng đã trẻ hóa ban điều hành, bổ nhiệm CEO "7x đời cuối" Nguyễn Văn Khoa, thay cho ông Bùi Quang Ngọc.
Chính sách ưu đãi cho các nhân lực chủ chốt cũng được nhiều doanh nghiệp thực hiện thông qua chương trình cổ phiếu ESOP. Theo tài liệu đại hội cổ đông của CTCP Masan MeatLife, doanh nghiệp này lên kế hoạch phát hành 2,6 triệu cổ phiếu ESOP trong năm 2020.
PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung hay FPT của ông Trương Gia Bình cũng tính phát hành cổ phiếu ESOP.
Ở mảng tài chính, các doanh nghiệp Việt gần đây đẩy mạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp để có nguồn vốn lớn thực hiện các tham vọng của mình, như các trường hợp: Vingroup, Vinhomes, TNR Holdings, BIDV, KBC,...
SSI Research cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tăng nóng trong quý III/2020, trước khi hạ nhiệt bởi những quy định mới khắt khe hơn theo Nghị định 81 có hiệu lực.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), đầu giờ sáng 27/8, chỉ số VN-Index dao động quanh ngưỡng 875 điểm.
Nhiều công ty chứng khoán có các dự báo thận trọng.
Theo BVSC, VN-Index dự báo có thể chịu áp lực điều chỉnh trong phiên 27/8. Tuy nhiên, về tổng thể, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ hướng đến thử thách các vùng kháng cự 878-883 điểm và 895-905 điểm trong ngắn hạn.
Thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục có diễn biến giằng co với sự phân hóa mạnh giữa các dòng cổ phiếu trong một vài phiên kế tiếp. Dòng tiền vẫn sẽ luân phiên dịch chuyển qua các nhóm cổ phiếu để tìm kiếm lợi nhuận. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn trong giai đoạn này sẽ chịu ảnh hưởng từ hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs diễn ra vào tuần cuối tháng 8 và những tuần đầu tháng 9.
Dòng tiền sẽ vẫn có sự tập trung chủ đạo tại nhóm cổ phiếu midcap được hưởng lợi bởi các yếu tố vĩ mô như bất động sản khu công nghiệp, đá xây dựng, vật liệu xây dựng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/8, VN-Index giảm 0,65 điểm xuống 873,47 điểm; HNX-Index tăng 0,52 điểm lên 123,89 điểm. Upcom-Index tăng 0,33 điểm lên 58,52 điểm. Thanh khoản đạt 7,2 nghìn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét