Thay vì đi xa, nhiều người ở TP.HCM quyết định lựa chọn du lịch ngay tại chỗ khi các khách sạn 5 sao liên tục giảm giá "sốc".
Tình hình dịch Covid-19 khiến hệ thống khách sạn ở các điểm du lịch lớn như TP.HCM bị trì trệ. Tuy nhiên, sự thay đổi xu hướng du lịch của người dân đã mở ra một lối đi tạm thời cho những khách sạn này, đặc biệt với các cơ sở 5 sao. Thay vì đi chơi xa, dài ngày, khách hàng đang dần ưu tiên những chuyến đi ngắn hoặc... tại chỗ.
Du lịch trong phố
"Chúng tôi từng ở một số khách sạn lớn khi du lịch Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam) hay Nha Trang (Khánh Hòa). Tuy nhiên, tôi chưa từng nghĩ có ngày mình lại đặt khách sạn để du lịch chính nơi đang sống", chị Ngọc Lan (quận 7, TP.HCM) trả lời.
Hồi cuối tháng 7, gia đình chị Lan đăng ký tour đi Nha Trang. Đợt dịch thứ hai bùng phát khiến chị phải lùi kế hoạch vì ông bà đôi bên đều có tuổi. Gần đây, chị nghe tin nhiều khách sạn 5 sao trong thành phố giảm giá mạnh nên "nhắm mắt đặt bừa" 3 phòng để gia đình có dịp nghỉ ngơi cuối tuần.
Giá phòng cuối tuần dịp thường ở Vinpearl Luxury Landmark 81 vào khoảng hơn 7 triệu đồng/đêm/2 khách. Trong đợt dịch này, mức giá đã giảm còn hơn 3,5 triệu đồng/đêm nhưng dịch vụ vẫn giữ nguyên.
Du khách có thể trải nghiệm dịch vụ 5 sao với giá rẻ bằng 50% so với mức thông thường. Ảnh: Agoda. |
"Tôi vẫn nghĩ du lịch xa mới thú vị nhưng trải nghiệm 5 sao ngay tại nơi ở cũng khá hay ho. Việc đi lại thuận tiện, tránh tiếp xúc với nhiều người lạ do nhà di chuyển bằng xe riêng. Chất lượng 5 sao luôn là tiêu chí khi tôi chọn khách sạn bởi bố mẹ già nên thích những điểm nghỉ dưỡng thoải mái.
Từ phòng khách sạn, tôi có thể ngắm trọn toàn cảnh thành phố ở độ cao hàng trăm mét. Đây là trải nghiệm tôi chưa từng nghĩ đến dù đã sống ở thành phố này hơn 10 năm nay", chị Lan cho hay.
Giống như chị Lan, anh Đức Huy (quận Thủ Đức, TP.HCM) cũng vừa trải qua chuyến nghỉ dưỡng tại chỗ. Trả lời phóng viên, anh cho biết mình có tìm hiểu về dịch vụ Staycation của Vietravel, một đơn vị lữ hành trên địa bàn.
Staycation là một hướng đi đang được nhiều công ty du lịch xem xét khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Không còn hướng đến những chuyến đi xa, các đơn vị lữ hành liên kết với khách sạn trong thành phố để người dân có thể trải nghiệm dịch vụ 5 sao giá rẻ.
"Tôi đặt một phòng ở khách sạn Lotte Sài Gòn với giá 2,3 triệu đồng/đêm. Trước giờ, tôi chưa trải nghiệm khách sạn 5 sao vì giá quá cao. Tuy nhiên, khoảng hơn 2 triệu đồng/đêm là có thể chấp nhận được", anh Huy cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, vào dịp thường, khách sạn này báo giá khoảng 4 triệu đồng. Trên các website đặt phòng trực tuyến, số tiền khách hàng phải trả vào khoảng 5 triệu đồng/đêm.
Vị khách ở quận Thủ Đức chia sẻ mình đã được trải nghiệm những dịch vụ cao cấp như hồ bơi ngoài trời, phòng xông hơi, massage hay nhà hàng Á - Âu. "Nếu chỉ bỏ khoảng 2 triệu đồng, tôi thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo", anh nhận xét.
Ngành khách sạn khó thoát khỏi vòng lao đao
Tính tới tháng 8, Sở Du lịch TP.HCM thống kê đã có khoảng 90-95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động. Số ít còn hoạt động chủ yếu để giải quyết công nợ với khách hàng. Khoảng 80-90% nhân sự trong khối lữ hành phải nghỉ việc không lương.
90% nhân sự khách sạn từ 3-5 sao nghỉ việc không lương. Con số bị cắt hợp đồng lao động khoảng 10%. Số ít nhân viên còn đi làm chủ yếu lo việc bảo trì cơ sở vật chất. Doanh thu khách sạn giảm đến hơn 80%. Các khách sạn 1-2 sao thậm chí giảm đến 95% doanh thu.
Đại diện Hoteljob, website chuyên tuyển dụng nhân sự khách sạn cho biết lượng tin tuyển dụng trên toàn quốc đã giảm tới 70% so với cùng kỳ. Các khách sạn còn tuyển chủ yếu là những bên sắp khai trương hoặc chuẩn bị đi vào hoạt động nhà hàng, bar.
Ngành khách sạn khó có thể phục hồi chỉ nhờ những chương trình giảm giá. Ảnh: Việt Hùng. |
Chia sẻ với phóng viên, chị Hoàng Tuyết, chủ công ty lữ hành Top One Travel, có kinh nghiệm 10 năm trong nghề khách sạn, nhận xét việc giảm giá sâu thời điểm này không đem lại quá nhiều lợi ích.
"Dịch bệnh khiến khách thích đi chơi gần. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa việc các khách sạn 5 sao giảm giá sâu là hướng đi mới. Thời điểm này, khách sạn đóng cửa hàng loạt là điều dễ hiểu. Nếu mở cửa, họ sẽ không có đủ chi phí vận hành. Những khách sạn vẫn mở cửa, giảm sâu thực chất chỉ vì bất đắc dĩ", chị Tuyết đánh giá.
Theo chị, số tiền thu về từ khách hàng chỉ đủ cho các khách sạn tồn tại, khó sinh lời. Đại diện Top One Travel lý giải những khách sạn lớn thường nằm trong hệ thống tập đoàn. Công, nợ với các đối tác bị ràng buộc rất phức tạp. Ngoài ra, việc đóng cửa có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống nhân sự...
"Một số trường hợp do trả tiền thuê mặt bằng cả năm nên dừng hoạt động sẽ mất trắng. Chính sách hỗ trợ của nhà nước vẫn khá khó khăn để tiếp cận", chị Tuyết cho hay.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét