Theo giới chuyên gia, khi vàng thế giới quá thấp so với thị trường vàng trong nước, kèm theo chênh lệch mua vào - bán ra lớn, người mua cần cẩn trọng vì có thể gặp rủi ro cao.
Giá vàng liên tục "nhảy múa"
Những phiên giao dịch gần đây, giá vàng liên tục "nhảy múa" khi tăng cả triệu đồng/lượng tại thời điểm mở cửa phiên rồi giảm sâu vào thời điểm chốt phiên giao dịch.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay đầu ngày 30.7 tăng lên 1.966 USD/ounce, đánh dấu chuỗi leo dốc 9 phiên liên tiếp và là đợt tăng dài ngày nhất kể từ đầu năm đến nay.
Giá vàng đang ở ngưỡng cao kỷ lục. Ảnh minh họa: Phan Anh |
Đến chiều ngày 30.7 (theo giờ Việt Nam), giá vàng trên thị trường thế giới giao dịch quanh mức 1.750 USD/ounce, giảm mạnh so với mức giá 1.970,9 USD/ounce đóng cửa phiên giao dịch vào trưa cùng ngày.
Đến sáng ngày 31.7, vàng thế giới lại bất ngờ bị điều chỉnh xuống mức 1.960 USD/oz ngay khi nhiều chuyên gia đặt kỳ vọng phá vỡ ngưỡng 2.000 USD/oz.
Trong khi đó, giá vàng trong nước lại diễn biến không liên quan vàng thế giới khi tiếp tục được điều chỉnh tăng khoảng 100.000 đồng đến 150.000 đồng/lượng lên ngưỡng khoảng 56,60 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 57,90 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch mua - bán vẫn được niêm yếu trên ngưỡng 1.000.000 đồng/lượng. Giới đầu tư trong nước cũng không còn quá bất ngờ với diễn biến giá vàng khi tăng cả triệu đồng/lượng rồi lại giảm sâu.
Đáng nói, quy đổi theo giá USD tại Vietcombank vào sáng ngày 31.7 (1 USD = 23.270 VND), giá vàng thế giới chỉ tương đương 54,95 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC bán ra 2,95 triệu đồng/lượng ở thời điểm hiện tại.
Cẩn trọng với giá vàng thế giới
Trước mức chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước với thị trường vàng thế giới, PV Báo Lao Động đã có buổi phỏng vấn chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cung cầu vàng trong nước ổn định nên sự tăng giảm giá là theo xu hướng thế giới. Chính vì vậy, nhà đầu tư nên thận trọng khi giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng trong nước từ 1 triệu trở lên theo quy đổi ngoại tệ. Giá vàng trong nước khi tăng cao hơn quá nhiều rất có thể sẽ bị điều chỉnh giảm để phù hợp với vàng thế giới.
"Nếu chênh lệch của giá vàng trong nước và thế giới càng lớn, độ rủi ro cho người mua càng cao. Bên cạnh đó người mua vàng trong nước cần quan sát chênh lệch giá mua vào - bán ra của các đơn vị kinh doanh. Chênh lệch lớn nghĩa là người kinh doanh vàng đang mua vào với giá rẻ rồi bán ra với giá đắt, đẩy rủi ro cho người mua vàng.
Nếu chênh lệch dưới mức 300.000 đồng/lượng thì vàng đang ở mức giao dịch bình thường. Chênh lệch lên đến 500.000 đồng/lượng thì là cao, lên đến 1 triệu là rất cao và lên đến ngưỡng 2 triệu là rất nguy hiểm", ông Hiếu phân tích.
Chia sẻ với PV về khả năng đầu tư vàng trong cơn bão giá, đại diện Tập đoàn VBĐQ DOJI cho rằng vàng luôn là một kênh đầu tư rất khó nắm bắt và dự đoán cũng như ẩn chứa nhiều rủi ro.
"Những nhà đầu tư có ý định tham gia vào đầu tư vàng sinh lời cần thận trọng, không nên “bỏ trứng vào một giỏ” và nên phân chia rủi ro sang các kênh đầu tư khác nhau thay vì dồn “tất tay” vào kim loại quý", người này cho biết.
(Theo Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét