Trong cơn sốt giá vàng năm 2020, các tổ chức vận hành quỹ ETF vàng bỏ túi khoản tiền phí lớn. Những ngân hàng chịu trách nhiệm lưu trữ hàng trăm tỷ USD vàng cũng hưởng lợi.
Theo Mark Twain, trong cơn sốt giá vàng ở California hồi thế kỷ XIX, cách kiếm tiền chắc ăn nhất là chiến lược "cuốc chim và xẻng" (pick and shovel strategy), tức là đầu tư vào các công cụ khai thác vàng thay vì trực tiếp rót tiền mua kim loại quý.
Nhưng trong cơn sốt giá vàng năm 2020, cuộc chơi thuộc về quỹ ETF vàng. Để giúp nền kinh tế ứng phó với tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, các chính phủ trên toàn cầu tung ra hàng loạt gói kích thích chưa từng thấy, dẫn đến lãi suất thực rơi tự do và lo ngại lạm phát. Giới đầu tư chuyển sang rót tiền vào kim loại quý, tỷ lệ nắm giữ của các quỹ đầu tư ETF vàng tăng vọt.
Giới đầu tư rót tiền vào vàng như một tài sản trú ẩn an toàn. Ảnh: Reuters.Hốt tiền từ cơn sốt giá vàng |
"Giá vàng thế giới chủ yếu được thiết lập tại thị trường vàng trên giấy tờ sổ sách (paper gold) thay vì thị trường vàng vật chất (physical gold)", ông Ronan Manly, chuyên gia phân tích về kim loại quý tại BullionStar (Singapore) nói.
Thị trường này bao gồm các hợp đồng giao dịch của sàn giao dịch tương lai COMEX, quỹ ETF, hợp đồng hoán đổi vàng, hợp đồng cho thuê tài chính vàng, hợp đồng kỳ hạn và vàng không được chỉ định được Hiệp hội Thị trường Kim loại quý London phát hành.
Chỉ riêng trong năm nay, 50 tỷ USD vàng thỏi đã được đổ vào các quỹ giao dịch vàng và bạc vật chất. Quỹ ETF hiện nắm giữ kim loại quý nhiều hơn mọi ngân hàng trung ương trên thế giới, ngoại trừ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Cơn sốt giá vàng giúp các quỹ ETF bỏ túi một khoản phí lớn. Cùng với đó là những doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ liên quan như ngân hàng và công ty an ninh chịu trách nhiệm lưu trữ hàng trăm tỷ USD vàng và bạc trong những hầm chứa.
Thu nhập của quỹ ETF tăng vọt nhờ các khoản phí. Ảnh: Chí Hùng. |
"Đây là thời điểm rất tốt để đầu tư vào hoạt động kinh doanh này. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhu cầu của các quỹ ETF đang thúc đẩy giá vàng", ông George Milling-Stanley, Giám đốc chiến lược tại State Street Global Advisors, bình luận.
Các quỹ ETF thường tính phí theo phần trăm giá trị tài sản. Khi giá vàng giao ngay chạm mức kỷ lục 2.075 USD/ounce trong tháng này, giới đầu tư đổ xô tăng lượng nắm giữ kim loại quý, thu nhập của các quỹ ETF tăng vọt 200%.
Theo tính toán của Bloomberg, tổng tiền phí cho 10 quỹ ETF vàng hàng đầu đã lên đến 610 triệu USD/năm. Con số này đối với 5 quỹ ETF bạc hàng đầu là 110 triệu USD. Số bạc mà các nhà đầu tư mua vào thông qua quỹ ETF trong 8 tháng đầu năm nay thậm chí còn lớn hơn sản lượng cả năm 2019 của 10 nhà khai thác bạc lớn nhất thế giới.
Theo mức giá và mức nắm giữ hiện tại, quỹ ETF SPDR Gold Shares (GLD) thu về khoản phí 300 triệu USD phí/năm. Đây là tin tốt cho Ngân hàng State Street và Hội đồng Vàng Thế giới. Bởi cả hai đều được chia tiền từ khoản phí này.
Kiếm tiền nhờ phí trữ vàng
Một số ngân hàng lớn như JPMorgan Chase & Co. và HSBC Holdings cũng được hưởng lợi. Đó là những tổ chức giữ vàng và bạc thay cho các quỹ ETF trong những hầm ngầm. Đối với họ, khi giá kim loại tăng vọt, đây trở thành một nguồn thu nhập béo bở.
Vàng của GLD được trữ trong hầm vàng của HSBC tại London. Dựa trên mức phí được tiết lộ trong năm 2015, ngân hàng tính phí 0,1%/năm cho 4.5 triệu ounce vàng đầu tiên và 0.06% cho những ounce sau đó.
Theo ông Amrit Shahani, Giám đốc nghiên cứu tại Coalition Development, hoạt động trữ vàng thường chiếm 10% trên tổng số tiền 1,1-1,2 tỷ USD mà các ngân hàng kiếm được từ kim loại quý mỗi năm. "Con số này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay", ông nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhu cầu vàng tăng vọt cũng đè nặng lên hệ thống lưu trữ. Theo báo cáo quý của GLD, kể từ tháng 4/2020, ngoài hầm vàng của HSBC, quỹ còn phải gửi vàng ở Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Đây là ngân hàng chỉ đứng sau FED về lượng vàng thỏi dự trữ.
Các nhà băng và công ty tài chính chịu trách nhiệm cất giữ hàng trăm tỷ USD kim loại quý. Ảnh: Reuters. |
Theo nguồn tin của Bloomberg, lệnh giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 ảnh hưởng đáng kể đến việc vận chuyển vàng. Vì vậy, BoE không thể nhanh chóng chuyển vàng đến hầm trữ của HSBC ở London để đáp ứng nhu cầu của quỹ ETF.
Nhu cầu mua bạc tăng vọt cũng tạo ra vấn đề lớn về không gian lưu trữ. Bạc thường có kích thước to hơn và giá trị thấp hơn vàng. Do đó, kim loại này thường chiếm không gian lớn trong hầm lưu trữ.
Tổ chức giám sát cho quỹ ETF bạc lớn nhất thế giới, iShares Silver Trust, là JPMorgan. Trong một thời gian dài, bản cáo bạch của quỹ iShares Silver Trust có một lưu ý rằng nếu lượng bạc nắm giữ vượt mức 500 triệu ounce, họ sẽ tìm kiếm một tổ chức giám sát khác. Tuy nhiên, đến tháng 7/2020, khi lượng bạc nắm giữ của quỹ quá ngưỡng 500 triệu ounce, đoạn lưu ý này đã bị âm thầm loại bỏ.
JPMorgan đã tiến tới một số thỏa thuận với các tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ ở London. Ngân hàng hiện lưu trữ bạc cho quỹ ETF thông qua Malca-Amit, công ty có một hầm trữ gần Sân bay Heathrow, và Brink’s Co.
Tuy nhiên, các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ cho biết vẫn còn không gian dự trữ ở London, bao gồm không gian trong hầm của HSBC. "Kho trữ rất lớn. Chẳng có nghi ngờ gì về điều đó. Chúng tôi vẫn còn không gian trong hầm", ông Milling-Stanley của State Street Global Advisors nhấn mạnh.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét