Thứ Tư, 26 tháng 8, 2020

Đại gia Võ Trường Thành khắc phục xong hậu quả

Nhà sáng lập thương hiệu Gỗ Trường Thành cuối cùng cũng đã khép lại “duyên nợ” với tập đoàn này sau khi khắc phục xong hậu quả do quản lý yếu kém khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng nề, âm vốn…

Công ty cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vừa công bố thông tin cho hay, đến thời điểm hiện tại, ông Võ Trường Thành và ông Võ Diệp Văn Tuấn (con trai ông Thành) đã hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với tập đoàn này.

Phương án khắc phục hậu quả do quản lý yếu kém của ông Thành và ông Tuấn đã được Đại hội đồng cổ đông TTF thông qua từ phiên họp hồi tháng 3/2017 với việc chuyển giao quyền sở hữu của bản thân và người có liên quan cho công ty.

Được biết, ông Thành và ông Tuấn đã dùng nhiều tài sản đảm bảo để khắc phục hậu quả như bao gồm 15,4 triệu cổ phiếu TTF và hơn 57 tỷ đồng vốn thực góp tại các doanh nghiệp khác như CTCP Trường Thành, CTCP Chế biến Gỗ Trường Thành, Nông Lâm Nghiệp Trường Thành, Phú Hữu Gia, Trường Thành Xanh...

Như vậy, phải hơn 3 năm, cuối cùng, nhà sáng lập thương hiệu Gỗ Trường Thành cũng đã khép lại “duyên nợ” với tập đoàn.

{keywords}
Ông Võ Trường Thành là người tạo lập nên thương hiệu Gỗ Trường Thành nhưng cũng đã phải trả giá đắt vì sai lầm trong quản lý

Gỗ Trường Thành cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2020 với kết quả cải thiện đáng kể so với cùng kỳ dù năm nay, tình hình sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, trong kỳ, doanh thu thuần đạt 370,4 tỷ đồng, tăng gần 3,7 lần so với cùng kỳ. Nhờ doanh thu tăng, giá vốn hàng bán lại giảm mạnh nên công ty công ty có lãi gộp 73,67 tỷ đồng so với mức lỗ gộp 226,1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi lên 13,6 tỷ đồng, lỗi trong công ty liên doanh, liên kết giảm từ 2,4 tỷ đồng của quý 2 năm ngoái xuống 1,9 tỷ đồng trong năm nay.

Chưa kể, chi phí bán hàng cũng giảm gần 9% xuống còn 19,5 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp còn 25,9 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ hơn 41%.

Nhờ đó, lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh của TTF thu hẹp đáng kể từ mức lỗ 315,3 tỷ đồng hồi quý 2/2019 còn hơn 92 triệu đồng trong quý 2 năm nay. Có thêm khoản lợi nhuận khác hơn 9 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ khác 4,5 tỷ đồng) nên công ty có lãi trước thuế hơn 9 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ trước thuế 319,8 tỷ đồng). TTF báo lãi sau thuế quý 2 đạt 9,5 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 320,2 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, tập đoàn của đại gia Mai Hữu Tín có doanh thuần 625,6 tỷ đồng, tăng gấp 2,1 lần cùng kỳ 2019. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh giảm hơn 82% so với cùng kỳ xuống còn 55,6 tỷ đồng.

Nhờ có lợi nhuận khác 65,8 tỷ đồng nên trong nửa đầu năm nay, TTF ghi nhận lãi trước thuế 10,1 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 319,4 tỷ đồng) và lãi sau thuế 11,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 319,8 tỷ đồng). Lãi ròng (sau khi loại trừ lợi nhuận sau thuế của cổ đông không kiểm soát) là 23,2 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ ròng 311,5 tỷ đồng).

Còn nhớ, tại phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 diễn ra cuối tháng 4, TTF gây bất ngờ khi đặt kế hoạch doanh thu hơn 2.427 tỷ đồng, gấp 3,7 lần kế hoạch đạt được trong năm 2019 và kỳ vọng có lợi nhuận trở lại với lãi trước thuế gần 70 tỷ đồng.

{keywords}
(Đơn vị: tỷ đồng; Nguồn số liệu tổng hợp từ BCTC TTF)

Như vậy, qua 6 tháng đầu năm, TTF mới hoàn thành 25,78% mục tiêu doanh thu và 14,4% mục tiêu lợi nhuận. Dù vậy, nhìn ở góc độ tích cực thì lỗ luỹ kế của TTF đến 30/6/2020 đã giảm còn 2.996 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đã khắc phục phần nào trạng thái âm, hiện còn âm 591,4 tỷ đồng.

Trong phiên họp nói trên, ông Mai Hữu Tín nói với cổ đông: “Cổ đông đừng nhìn con số doanh thu, tôi có thể làm con số đó lớn hơn. Cái cam kết của chúng ta là năm nay phải có lãi, đây mới là vấn đề quan trọng. Anh em chúng tôi sống chết để năm nay có lãi, nếu không tôi xin từ chức, tôi không làm nữa”.

Tuy vậy, ông Tín cũng cho biết, chưa thể khẳng định dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu doanh thu mà công ty này đặt ra, điều này phụ thuộc vào sự trở lại của thị trường Mỹ.

Một kế hoạch đáng chú ý khác của TTF trong năm nay đó là phát hành 57,94 triệu cổ phần cho DongABank nhằm hoán đổi hơn 123 tỷ đồng nợ vay đã quá hạn từ năm 2016. Giá phát hành của mỗi cổ phần trong đợt này là 2.128 đồng/cổ phiếu, tức 2.128 đồng nợ sẽ hoán đổi được 1 cổ phần. Đây là tỷ lệ do tổ chức thẩm định giá độc lập là Công ty TNHH Tư vấn và Thẩm định VASKA thực hiện ngày 13/4/2020. 

Nếu hoán đổi thành công, vốn điều lệ của TTF sẽ tăng từ 3.112 tỷ đồng lên hơn 3.691 tỷ đồng. Cổ phần hoán đổi bị hạn chế chuyển nhượng một năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành, thời gian tiến hành trong năm 2020. 

Nguyên nhân sâu xa của kế hoạch này được ông Tín chia sẻ là “không còn cách nào khác” do TTF không thể vay ngân hàng vì khoản vay cũ tại DongABank bị quy về nợ xấu, chưa có điều kiện trả dứt điểm. Đây cũng là khoản vay duy nhất còn lại ở ngân hàng của TTF, nếu xoá sạch được khoản này thì TTF sẽ hoàn toàn sạch nợ vay ngân hàng.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu TTF hiện đang bị kiểm soát nhưng đóng cửa phiên 26/8 đã đạt trạng thái tăng trần lên 3.610 đồng/cổ phiếu; khối lượng giao dịch đạt trên 2 triệu đơn vị.

(Theo Dân Trí)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét