Thứ Hai, 3 tháng 2, 2020

Tin chứng khoán ngày 4/2: Tỷ phú số 1 rút lui, nữ hậu Đông Nam Á gặp khó

 Ngành hàng không Việt Nam phát triển bứt phá nhưng cần những dòng tiền rất lớn và cũng đối mặt với không ít rủi ro.

Theo Sở GDCK TP.HCM (HOSE), thành viên HĐQT kiêm Giám đốc điều hành CTCP Hàng không Vietjet (VJC) Lưu Đức Khánh vừa đăng ký mua 500 nghìn cổ phiếu VJC nhằm tăng tỷ lệ sở hữu lên hơn 1,5 triệu cổ phiếu.

CEO của VietJet đăng ký mua vào cổ phần này trong giai đoạn từ 6/2-6/3 bằng phương pháp thỏa thuận hoặc/và khớp lệnh trong bối cảnh cổ phiếu VJC liên tục giảm mạnh trong thời gian gần đây, từ mức đỉnh 1 năm: 148.200 đồng/cp hôm 17/1 xuống còn 125.500 đồng/cp vào cuối phiên 3/2.

Động thái của CEO của VietJet diễn ra khi hãng hàng không này vừa ghi nhận một năm hoạt động tốt, tăng trưởng ấn tượng trong mảng kinh doanh cốt lõi là vận tải hàng không, duy trì vị trí đứng đầu về vận chuyển nội địa Việt Nam và phát triển thị trường quốc tế.

Doanh thu 2019 đạt gần 41,1 ngàn tỷ đồng, tăng 21,4% trong khi lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3,9 ngàn tỷ đồng, tăng 29,3% so với năm trước.

Ngay sau thông tin lãnh đạo mua vào, cổ phiếu VJC sáng 4/2 đã tăng nhẹ trở lại.

Trong một báo cáo vừa công bố, SSI Research cho rằng, trong lĩnh vưc hàng không, tất cả các hãng hàng không có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ sự cố virus, vì nhu cầu đi du lịch có thể giảm, đặc biệt là hoạt động du lịch liên quan đến Trung Quốc. Trong khi đó ngành dịch vụ sân bay chỉ chịu ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn.

{keywords}
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

Bên cạnh đó, theo SSI, trong ngắn hạn sẽ có 9 ngành khác được đánh giá có ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh là dệt may, bán lẻ, thủy sản, bia, ngân hàng, dầu khí, chứng khoán, cảng biển và vận chuyển, dịch vụ sân bay.

Cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines thậm chí còn giảm mạnh hơn trong vài phiên vừa qua. Trong 3 phiên đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, cổ phiếu HVN đã có 2 phiên giảm sàn, mỗi phiên mất 6,9% và một phiên giảm 5,1%, tổng cộng giảm gần 20%, tương đương vốn hóa bốc hơi gần 10 ngàn tỷ đồng.

Cổ phiếu HVN hiện ở mức đáy 2 năm, từ đỉnh cao khoảng 52.000 đồng/cp xuống còn 27.000 đồng/cp (kết thúc phiên 3/2).

Nhiều cổ phiếu dịch vụ hàng không cũng giảm như: SAS của Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất, ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hay NCT của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Nội Bài…

Trước đó, Vinpearl của tỷ phú số 1 Việt Nam Phạm Nhật Vượng đã rút khỏi vận tải hàng không để “dồn lực cho sản xuất”, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp và công nghệ. Tuy nhiên, Vinpearl của ông cũng được đánh giá là chịu ảnh hưởng tiêu cực như các doanh nghiệp khác trong ngành du lịch do lượng khách nói chung, trong đó có khách Trung Quốc giảm mạnh.

Trên thực tế, với dân số hơn 90 triệu người và du lịch phát triển, các doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng không và du lịch tiếp tục hấp dẫn các đại gia Việt về dài hạn.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục là nữ tỷ phú hàng không duy nhất của thế giới và là nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực Đông Nam Á. 

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết cũng đang liên tục mở rộng với Hãng hàng không Bamboo Airways. Hãng hàng không này chuẩn bị nhận chiếc máy bay thân rộng 787-9 Dreamliner tiếp theo, về Việt Nam từ nhà máy Boeing ở Mỹ.

Trong năm vừa qua, Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết đã có những nỗ lực rất lớn để đưa Bamboo Airways vào hoạt động và cũng đã có những tín hiệu khả quan đầu tiên. Theo tập đoàn này, Bamboo Airways lãi hơn 300 tỷ đồng năm 2019 và dự kiến tăng lên 1.000 tỷ đồng trong năm 2020.

Bamboo Airways đã lên kế hoạch chào bán lần đầu ra công chúng (IPO) mã cổ phiếu BAV với mức giá khởi điểm dự kiến 60.000 đồng/cổ phiếu, kỳ vọng vốn hóa đạt 1 tỷ USD sau niêm yết (dự kiến trên sàn HOSE vào vào quý 2/2020).

Việc Bamboo Airways báo lãi trong năm 2019 là một điều bất ngờ. Trước đó, VietJet của bà Phương Thảo cũng báo lãi trong năm thứ 2 hoạt động (năm 2013). Những năm sau đó VietJet tiếp tục lãi lớn không chỉ nhờ vào số lượng khách hàng tăng mạnh mà còn nhờ các hoạt động tài chính.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), 4/1 chỉ số VN-Index xoay quanh mốc tham chiếu sau 3 phiên lao dốc trước đó.

Nhiều tỷ phú lấy lại được một mất tiền như bà Nguyễn Thị Phương Thảo với cổ phiếu VietJet, HDB giảm điểm; ông Phạm Nhật Vượng (cổ phiếu VIC, VHM, VRE), Nguyễn Đăng Quang (MSN), ông Nguyễn Đức Tài (MWG), ông Bùi Thành Nhơn (NVL), ông Hồ Hùng Anh (TCB)…

Tuy nhiên, áp lực bán vẫn khá lớn.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo BSC, chịu ảnh hưởng mạnh từ mức sụt giảm gần 7% của thị trường Trung Quốc trong ngày giao dịch đầu tiên sau kì nghỉ Lễ, ngay từ đầu phiên sáng 3/2 VN-Index tiếp tục chìm trong sắc đỏ. Tâm lí hoảng loạn bao trùm có lúc đã kéo chỉ số xuống dưới ngưỡng tâm lí 900 điểm. Tuy vậy, trong phiên chiều, nhờ sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechips trụ cột như BID, CTG, HPG, NVL, đà giảm của thị trường đã phần nào được hoãn lại.

Như đã đề cập trong báo cáo tuần, BSC cho rằng, sự bùng phát mạnh của dịch cúm sẽ là rủi ro cho thị trường trong ngắn hạn khi chưa có biện pháp kiềm chế hiệu quả. Theo đó, nhà đầu tư nên thận trọng trong hoạt động giao dịch và theo dõi sát diễn biến của dịch. Nhà đầu tư có thể tham khảo thêm đánh giá của BSC về dịch cúm 2019-nCoV tại đây.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3/2, VN-Index giảm 8,48 điểm xuống 928,14 điểm; HNX-Index giảm 1,05 điểm xuống 101,31 điểm. Upcom-Index giảm 0,75 điểm xuống 54,38 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 5,8 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét