Thị trường chứng khoán Mỹ giảm ở mức mạnh chưa từng có và tiếp tục tụt xuống các mức sâu mới do giới đầu tư lo ngại nước Mỹ sẽ không tránh được một thảm họa “Thiên Nga đen” mà thế giới đang đối mặt.
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ rạng sáng 28/2 (giờ Việt Nam) đã bất ngờ tiếp tục tụt giảm, mất điểm ở mức chưa từng có do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp lan rộng ở nước này và có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Giảm mạnh chưa từng có
Kết thúc phiên đêm qua, chỉ số công nghiệp Dow Jones của Mỹ đã chứng kiến phiên giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử. Chỉ số này này giảm 1.190,95 điểm (tương đương 4,4%) xuống còn 25.766,64 điểm.
Đây là mức giảm điểm mạnh nhất trong lịch sử hoạt động của thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới. Trước đó, hồi khủng hoảng tài chính cách đây hơn một thập kỷ, chứng khoán Mỹ cũng chỉ chứng kiến những phiên giảm điểm mạnh nhất là 700-800 điểm.
Mức giảm điểm lần này còn đáng sợ hơn bởi trong tuần này chỉ số Dow Jones đã có nhiều phiên giảm sâu như phiên giảm 1.000 điểm hôm 25/2 hay phiên giảm gần 900 điểm hôm 26/2.
Đêm qua, chỉ số chứng khoán tầm rộng của Mỹ S&P 500 cũng giảm sâu ở mức tương tự, giảm 4,4% xuống 2.978,76 điểm và lần đầu tiên trong hơn 4 tháng qua xuống dưới ngưỡng 3.000 điểm.
S&P 500 rớt khỏi 3.000 điểm. |
Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite thậm chí còn giảm sâu hơn, giảm 4,6% xuống 8.566,48 điểm.
Như vậy, chỉ trong 4 phiên tất cả các chỉ số chứng khoán của Mỹ đã rời rất xa các đỉnh cao kỷ lục ghi nhận trước đó. Cả 2 chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều đã mất trên 11% so với đỉnh cao ghi nhận hồi đầu tháng, trong khi đó Nasdaq Composite còn giảm ở mức mạnh hơn so với đỉnh cao ghi nhận trong tuần trước.
Cả Dow Jones và S&P 500 đều hướng đến tuần có thành quả tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Chỉ số S&P 500 và Dow Jones đã giảm phiên thứ 6 liên tiếp. Dow Jones đã mất tổng cộng hơn 3.,000 điểm trong tuần này.
Hàng loạt các cổ phiếu công nghệ lớn của Mỹ như Apple và Facebook đều đã rơi vào vùng điều chỉnh với mức giảm khoảng 15%.
Chứng khoán Mỹ tụt giảm phiên thứ 6 liên tiếp bất chấp nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang duy trì các tín hiệu kinh tế rất tích cực, từ tỷ lệ thất nghiệp thấp cho tới tăng trưởng vẫn được duy trì ở mức khá ấn tượng nhờ hàng loạt các chính sách kinh tế của chính quyền ông Donald Trump 2-3 năm trước đây.
Dow Jones tụt giảm từ đỉnh. |
Thế giới chao đảo, các nước tìm giải pháp
Tuy nhiên, có một thực tế là giới đầu tư lo ngại vào triển vọng của Mỹ cũng như nền kinh tế thế giới sau khi một sự kiện hy hữu xảy ra, thường được gọi là “Thiên Nga đen”, có thể thay đổi toàn bộ cục diện.
Giới đầu tư lo ngại về một đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 có thể lan rộng trên thế giới, sang cả Mỹ và ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới nói chung cũng như Mỹ đã hiển hiện hơn bao giờ hết khi mà Hàn Quốc, Nhật Bản, Ý và nhiều nước khác đã chứng kiến các ổ dịch.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã xác nhận ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Mỹ không rõ nguồn gốc lây bệnh ở Bắc California.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn khá tin tưởng vào khả năng kiểm soát Covid-19 của Mỹ. Ông Trump cho biết, nguy cơ nhiễm virus đối với người dân Mỹ vẫn là “rất thấp”, nhưng cho rằng nước Mỹ sẽ “chi tiêu bất cứ điều gì thích hợp”.
Cho đến nay, nước Mỹ cũng đã chứng kiến 60 ca nhiễm coronavirus mới và đã chính quyền ông Donald Trump đã buộc phải đối phó khẩn cấp với Covid-19 với một kế hoạch đầu tiên gửi các nhà lập pháp nước này, trị giá 2,5 tỷ USD.
Mỹ và Trung gặp khó với Covid-19. |
Hiện tại, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence được giao phụ trách đối phó với dịch Covid-19. Ông trump tin tưởng các thị trường, trong đó có thị trường chứng khoán sẽ sớm hồi phục.
Trước đó, một số doanh nghiệp lớn của Mỹ, trong đó có Apple, đã cảnh báo về doanh thu và lợi nhuận do dịch bệnh bùng phát.
Giới đầu tư hiện đặt cược Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng sẽ sớm cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Trong cuộc họp gần nhất, các tín hiệu thị trường cho thấy có 68% khả năng Fed sẽ hạ lãi suất chuẩn 25 điểm phần trăm. Trong năm 2020, thậm chí có thể Fed sẽ cắt giảm 3 lần.
Thị trường tài chính Mỹ và thế giới cũng chao đảo trong vài phiên gần đây. Vàng có lúc lên tới gần 1.700 USD/ounce, giá dầu tụt giảm. Dòng tiền tìm nơi trú ẩn đã đẩy trái phiếu Mỹ lên mức cao kỷ lục và do đó lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rớt xuống đáy chưa từng có: 1,25%/năm. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm cũng dao động tại mức thấp nhất mọi thời đại.
Trước đó, nhiều nước đã có những biện pháp để vực dậy nền kinh tế.
Trong tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã hạ lãi suất cơ bản LPR kỳ hạn 1 năm giảm từ 4,15% một tháng trước xuống còn 4,05%, trong khi LPR kỳ hạn trên 5 năm giảm 5 điểm cơ bản xuống 4,75%.
Trước đó, Trung Quốc đã hạ lãi suất trung và dài hạn cũng như bơm hàng trăm tỷ USD vào nền kinh tế.
Dù vậy, giới đầu tư vẫn lo ngại nền kinh tế Trung Quốc sẽ khó hồi phục nhanh khi mà mức nới lỏng nói trên vẫn khá khiêm tốn và dịch bệnh vẫn còn khó lường.
Hơn thế, Trung Quốc cũng đứng trước một lựa chọn khó khăn là đảm bảo một sự cân bằng trong quan hệ thương mại với Mỹ theo thỏa thuận giai đoạn 1 vừa được kỳ hồi năm. Theo đó, Trung Quốc sẽ phải giữ đồng NDT không được mất giá nhiều và tăng nhập khẩu hàng Mỹ…
Một điểm khó nữa là Trung Quốc sẽ đối mặt với một mối đe dọa khác khi kích hoạt các biện pháp thích kinh tế nhằm ổn định thị trường tài chính là vấn đề nợ xấu. Nợ xấu là một vấn đề mà Trung Quốc đã muốn xử lý từ nhiều năm nay nhưng phải trì hoãn lại để vực dậy nền kinh tế bị suy giảm tăng trưởng do cuộc đối đầu thương mại với Mỹ.
Hiện tại, chính quyền của ông Tập Cận Bình vẫn khá lạc quan với tình hình kinh tế và xử lý dịch bệnh. Theo đó, sự bùng phát của dịch covid-19 do virus corona không nên là lực cản ngăn Trung Quốc đạt đến các mục tiêu kinh tế xã hội trong dài hạn.
M. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét