Các ý kiến từ Ban Kinh tế Trung ương đều cho rằng, Hải Dương đang phát triển hướng đến 1 tỉnh công nghiệp, vì thế cần tiếp tục thu hút các nhà đầu tư lớn để vươn lên tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ngày 26/02/2020, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tỉnh ủy Hải Dương tổ chức Hội nghị cho ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Hải Dương nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh, Hải Dương cần xác định là tỉnh công nghiệp với phát triển công nghiệp là hướng đi chủ đạo, từ đó sẽ kéo theo đô thị hóa và phát triển dịch vụ trong đó có du lịch; coi đây là các yếu tố đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Tỉnh cần đặc biệt quan tâm đặt mục tiêu đạt mức thu nhập bình quân đầu người cao để phát triển thực chất; phát triển công nghiệp phụ trợ nhằm khai thác lợi thế gần Hà Nội và Hải Phòng; đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; phát triển nông nghiệp và du lịch nhằm giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và cuộc sống của nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Bình phát biểu tại hội nghị. |
Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - cho biết, trong giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, sẽ tiếp tục xác định trọng tâm là cải thiện thể chế và chất lượng nguồn nhân lực. Cần coi đây là dư địa để cải thiện thể chế và chất lượng nguồn nhân lực. Đây phải là những giải pháp trọng tâm trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Ông Hiển khẳng định, Hải Dương phải là tỉnh công nghiệp, đây là hướng đi chủ đạo. Hải Dương có địa bàn hết sức thuận lợi về vị trí, giao thông; có quỹ đất vàng. Khi công nghiệp phát triển thì sẽ kéo theo dịch vụ, đô thị hóa, du lịch,... đi lên; có điều kiện để xây dựng nguồn nhân lực cao.
Trong giai đoạn 2015-2020, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm đạt 9,1%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt 74,4 triệu đồng (3.200 USD). Quy mô kinh tế gấp 1,7 lần so với năm 2015.
Đáng chú ý, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm 91,7% GRDP (đầu nhiệm kỳ chiếm 7,8%); mô hình tăng trưởng chuyển dịch dần từ chiều rộng sang theo chiều sâu, trên cơ sở phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế và dịch vụ thương mại.
Các số liệu của Hải Dương cho biết, qua 5 năm, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá và ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp hóa. Thu ngân sách và thu hút đầu tư đạt kết quả khá cao, từ năm 2017 tự cân đối ngân sách và có một phần điều tiết về Ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên, các ý kiến từ Ban Kinh tế Trung ương cũng lưu ý, Hải Dương cần chú ý những điểm tính chưa bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội như tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục giảm trong những năm gần đây (năm 2019 đạt 8,6%, thấp hơn đáng kể so với 9,1% của năm 2018 và thấp hơn mức 8,9% của năm 2017; tỷ lệ đô thị hóa thấp hơn so với mức trung bình cả nước và không đạt chỉ tiêu đặt ra trong khi đây là một trong những động lực của tăng trưởng.
Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp tư nhân ít, quy mô nhỏ. Còn nhiều nguy cơ về ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề. Chất lượng nguồn nhân lượng còn chưa cao (30% được đào tạo có chứng chỉ). Tỷ trọng nông nghiệp chiếm chỉ 8,3% GRDP trong khi tỷ lệ lao động nông nghiệp còn chiếm trên 25%, tỷ lệ cư dân nông thôn còn cao trên 67,8%.
Vì thế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, Hải Dương cần phân tích và đánh giá nguyên nhân của tính không bền vững trên, nhất là nguyên nhân của việc tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục giảm trong những năm gần đây và tỷ lệ đô thị hóa thấp hay sự chưa gắn kết giữa đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Từ đó, tìm ra phương thức phát triển nhanh và bền vững cho giai đoạn tới.
Quang Khởi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét