Trong trường hợp này, người mua cần đòi hỏi thêm các tài liệu, chứng cứ như giấy viết tay về việc mua bán đất đai có chứng thực của UBND xã.
Nhà đất là tài sản có giá trị lớn nên khi có giao dịch mua – bán cần phải làm theo quy trình pháp lý được Nhà nước quy định. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sử dụng giấy mua bán đất viết tay vẫn còn tồn tại.
Cụ thể như trường hợp bà Bùi Thị Hợp ở Đại An, xã Nam Thắng, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Bà Hợp cho biết, trước đây, bà có mua mảnh đất thổ cư của 1 người cùng địa phương. Trước khi mua, người bán nói là có sổ đỏ, tin tưởng là người quen nên bà Hợp giao tiền đầy đủ. Thời gian gần đây, bà Hợp có hỏi thì bên bán bảo sổ thất lạc, chỉ có giấy viết tay có chứng thực của UBND mà giấy này viết năm 2019. Trong trường hợp này, bà Hợp lo lắng giấy viết tay đó có giá trị không?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc công ty Luật TNHH TGS |
Về vấn đề này, PV trao đổi với luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó giám đốc công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
PV: Thưa Luật sư, nếu không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chỉ có giấy tờ mua bán viết tay thì có đủ điều kiện để sang tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Theo quy định tại Điều 168 Luật Đất đai năm 2013, đối với đất ở (hay còn gọi là đất thổ cư) thì người sử dụng đất chỉ được quyền chuyển nhượng khi đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (“Giấy chứng nhận”).
PV: Nếu bên bán nói sổ đỏ thất lạc, nhưng thực ra họ lại đem giấy tờ đó đi làm thủ tục chuyển nhượng đất cho người khác thì bà Hợp phải làm như thế nào để chứng minh giao dịch của mình là có thật, thưa luật sư?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Trong trường hợp này, bà Hợp có thể chứng minh giao dịch nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của mình là có thật bằng các chứng cứ, bao gồm: Giấy viết tay về việc mua bán đất đã được UBND xã chứng thực, giấy tờ về việc giao nhận tiền mua bán đất, hoặc các chứng cứ khác (nếu có) như: Xác nhận của các nhân chứng, hoặc các tin nhắn trao đổi giữa các bên có liên quan đến giao dịch này.v.v…Do đó, bà Hợp cần phải thu thập và lưu giữ các tài liệu, chứng cứ này, để có căn cứ bảo vệ các quyền và lợi ích hơp pháp của mình, nhất là khi có tranh chấp và khiếu kiện liên quan đến vụ việc.
PV: Trong trường hợp người bán khi giao bán thì nói có sổ đỏ, nhưng khi giao đất chỉ có giấy viết tay thì người mua có nên khởi kiện ra tòa hủy lại giao dịch mua bán đất này không?
Luật sư Nguyễn Đức Hùng: Nếu người bán đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Hợp và nhận tiền chuyển nhượng nhưng sau đó lại chuyển nhượng thửa đất cho người khác, thì đó là hành vi vi phạm hợp đồng và vi phạm pháp luật. Vì vậy, giao dịch giữa người có đất với bên thứ ba sẽ thuộc trường hợp bị vô hiệu theo quy định tại Điều 123 Bộ luật dân sự năm 2015.
Thậm chí, nếu người bán đất không hoàn trả bà Hợp số tiền mua đất đã nhận mà cố ý chiếm đoạt số tiền này, thì hành vi đó còn có dấu hiệu của “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc “Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Do đó, nếu các bên có liên quan không tự hòa giải, thỏa thuận được với nhau, thì bà Hợp có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Hợp theo thủ tục của Luật tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, bà Hợp có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ (tuyên vô hiệu) đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người bán đất với bên thứ ba.
Trong trường hợp vụ việc có dấu hiệu hình sự thì bà Hợp có quyền làm đơn trình báo, tố giác tội phạm gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, để yêu cầu điều tra, xác minh và giải quyết vụ việc theo thủ tục của Luật tố tụng hình sự.
PV: Xin cảm ơn luật sư
(Theo VOV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét