Thứ Bảy, 29 tháng 2, 2020

Một thời ồn ào, điện mặt trời, kẻ cười người khóc

Sức nóng của điện mặt trời đã kéo hàng trăm nhà đầu tư vào cuộc. Dồn dập và vội vã, nhiều nhà đầu tư chạy nước rút cho kịp ngày vận hành, hưởng giá ưu đãi. Nhưng cũng không ít người lỡ chuyến tàu.

Người cười vì được giá

Cả năm 2019, PV. VietNamNet đã có mặt tại nhiều dự án điện mặt trời rầm rộ thi công trên khắp cả nước: Từ những vùng kém ưu đãi về bức xạ mặt trời như Thanh Hóa, Hà Tĩnh, cho đến vùng có lợi thế như Ninh Thuận, Bình Thuận, rồi Tây Nguyên, Long An, Bình Phước, Tây Ninh,...

Không khó để nhận ra những dải cát ven biển cằn khô năm nào giờ đã trở thành những cánh đồng năng lượng mặt trời rộng mênh mông. Hàng trăm nhà đầu tư lao vào cuộc đua để kịp vận hành trước giờ G. “Giờ G” chính là thời điểm cuối cùng điện mặt trời được hưởng mức giá cao ngất ngưởng so với các nguồn điện truyền thống khác. “Giờ G” ấy cũng là dấu mốc để trao thưởng cho những nhà đầu tư nhanh chân, nhưng cũng là cột mốc buồn cho những câu chuyện về sau.

{keywords}
Điện mặt trời đã trải qua một sự bùng nổ ở Việt Nam. Ảnh: Lương Bằng

Thực tế, sức nóng của điện mặt trời bắt đầu “bùng nổ” khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 11 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời vào tháng 4/2017. Lý do là mức giá điện rất hấp dẫn, lên tới 9,35 UScent/kWh (khoảng 2.086 đồng/kWh - giá bán điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD) và kéo dài tới 20 năm, cao hơn nhiều giá nguồn điện khác.

Số liệu được Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) đưa ra tại hội nghị vận hành các nhà máy điện mặt trời và gió các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức hồi 7/2019 cho thấy, chỉ trong thời gian ngắn, gần trăm nhà máy điện mặt trời đã ồ ạt vận hành.

Năm 2018 chỉ có 3 nhà máy đóng điện thành công. 3 tháng đầu năm 2019, thêm 5 nhà máy. Thế nhưng từ tháng 4 đến tháng 6, có tới 81 nhà máy đóng điện thành công vào hệ thống điện.

Như vậy, chỉ riêng 6 tháng năm 2019, có tới gần 90 nhà máy điện mặt trời hòa lưới. Công suất lắp đặt của các nhà máy điện mặt trời lên tới gần 4.500 MW (trong khi công suất nguồn điện cả nước là 45.000 MW).

Mức tăng trưởng thần tốc ấy khiến nhiều tổ chức nước ngoài cũng phải “nghiêng mình kính nể” trước sự đổi chiều quá mạnh của điện mặt trời ở Việt Nam.

Gần trăm dự án về đích thành công, vận hành trước tháng 7/2019 được hưởng giá ưu đãi 2.100 đồng/số. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Họ phải đối mặt với thực tế phũ phàng khác: Điện làm ra không bán được hết.

Những ngày cuối năm 2019, phóng viên lại có mặt ở “điểm nóng” điện mặt trời Ninh Thuận. Chuyến đi có cả các lãnh đạo của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia. Tại buổi làm việc với lãnh đạo tổng công ty, ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Chính vì sự phát triển nhanh, trong khi thủ tục đầu tư lưới điện theo quy trình của nhà nước không theo kịp, dẫn đến tình trạng giảm phát và các vấn đề khác.

Thực tế, do quá tải lưới điện 110 kV, nhiều nhà máy chỉ phát được 30-40% lên lưới. 

Vì thế, ngành điện phải thúc đẩy các đơn vị cải tạo hệ thống đường dây 110 kV ở Ninh Thuận, Bình Thuận để giải quyết tình trạng quá tải. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư các dự án lưới điện trong giai đoạn đến năm 2025 theo quy hoạch điện 7 điều chỉnh, quyết định 1891/TTg-CN và 667/QĐ-BCT đảm bảo giải phóng công suất cho các nhà máy năng lượng tái tạo.

{keywords}
Cấp tập làm đường dây để khắc phục tắc nghẽn đường truyền.

Chuyện đau xót của những người lỡ ngày về đích

Cuộc đua nào cũng có người thắng kẻ thua. Người chạm đích thành công, kẻ lỡ chuyến đò. Điện mặt trời cũng vậy.

Nhiều tháng nay, các lãnh đạo của Công ty TNHH GA Power Solar Park (Đức) - một DN 100% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài - như ngồi trên đống lửa.

Công ty này đang đầu tư 2 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 60 MW ở Hà Tĩnh với số vốn 50 triệu USD. Theo kế hoạch ban đầu, nhà máy sẽ phát điện lên lưới để được hưởng mức giá ưu đãi là 2.100 đồng/số (tương đương 9,35 cent), nhưng vì một số lý do nên dự án chưa thể phát điện trước tháng 7/2019.

Chính vì thế, giá điện sau 30/6 như thế nào luôn được các lãnh đạo công ty này trông ngóng. Tuy nhiên, khi dự thảo mới nhất về giá điện mặt trời sau ngày 30/6 chỉ còn 1 vùng, với mức giá giảm xuống còn 1.620 đồng/số, thì họ không khỏi sửng sốt.

Trả lời PV. VietNamNet, ông Bùi Quang Cường, Giám đốc Công ty TNHH GA Power Solar Park, không giấu được sự lo lắng và thất vọng: “Chúng tôi mà chưa triển khai thì chắc chắn sẽ không bao giờ làm nữa”.

“Với mức giá này, làm tiếp cũng lỗ, không làm tiếp thì cũng rất khó khăn. Nhiều thiết bị chúng tôi đã chuyển tiền, thiết bị đã cập cảng, và một số hợp đồng chuẩn bị chuyển tiền. Tình thế bây giờ rất gay go”, ông Bùi Quang Cường âu lo.

Nhưng ông Cường chắc không thể nghĩ được rằng, ngay cả giá điện 1.620 đồng/số công ty của ông cũng khó lòng có được bởi một thay đổi “chấn động” khác. Thủ tướng quyết định đấu thầu các dự án điện mặt trời, chỉ có một số dự án được hưởng mức giá FIT.

Theo rà soát của Bộ Công Thương, chỉ có 7 dự án với tổng công suất khoảng 320 MW đáp ứng tiêu chí để được áp dụng giá FIT. Có nghĩa, 7 dự án này thuộc diện đã ký hợp đồng mua bán điện và đáp ứng điều kiện cơ sở về dự án đã và đang triển khai thi công xây dựng trước ngày 23/11/2019.

Vậy nên, hàng chục nhà đầu tư đang có dự án dở dang, nằm đắp chiếu “ngóng” giá điện mới như bị dội một gáo nước lạnh.

Ông Lê Văn Hoàng, một nhà đầu tư ở Thanh Hóa, cũng trải qua nhiều đêm mất ngủ. Bởi dự án của ông đang chưa rõ ràng cơ chế giá vì đang đầu tư dở dang. Nguy cơ phá sản trực chờ. Chỉ cần một chữ ký được ban hành, dự án của ông sẽ phá sản, còn ông sẽ trở thành “con nợ” của ngân hàng.

Điều đáng nói, những nhà đầu tư ấy không “đơn độc”. Hàng chục nhà đầu tư lỡ hẹn ngày về đích cũng chung số phận như vậy.

Mới đây, hàng chục nhà đầu tư điện mặt trời trên cả nước đã đồng ký tên, đóng dấu đỏ vào bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về những vướng mắc của các dự án điện mặt trời đã và đang được đầu tư xây dựng. Họ muốn được áp dụng biểu giá FIT mua điện từ các dự án điện mặt trời không thấp hơn 7,09 US cent/kWh (1.620 đồng) đối với các dự án điện mặt trời mặt đất và 7,69 US cent/kWh đối với các dự án điện mặt trời nổi.

Bài học sau "cơn sốt"

Cơn sốt điện mặt trời giờ đã qua. Việc cấp tập đầu tư vào năng lượng mặt trời khó có thể bùng nổ như trước. Nhiều nhà đầu tư “lạnh nhạt” với nguồn điện từng phát triển quá nóng này. Đây cũng là lúc nhìn lại chính sách khuyến khích điện mặt trời thời gian qua, để phát huy những mặt được, khắc phục những hạn chế. 

Có một sự thật, điện mặt trời không thể thay thế được thủy điện, nhiệt điện, nhưng cũng là nguồn bổ sung đáng kể vào hệ thống điện quốc gia, nhất là khi nguy cơ thiếu điện đang cận kề.

Qua câu chuyện điện mặt trời cho thấy, chỉ cần có chính sách khuyến khích, cụ thể là giá điện, sẽ thu hút được nguồn lực tư nhân đầu tư vào hệ thống nguồn điện. Nhưng mức giá là bao nhiêu phải cân nhắc kỹ, bởi giá điện mặt trời 2.100 đồng là không hề rẻ, chưa kể cộng thêm các chi phí khác, một kWh điện mặt trời đến tay người tiêu dùng phải có giá lên đến 3.500 đồng/số. Nếu tỷ trọng điện mặt trời giá cao tăng đột ngột, sẽ tác động tới giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Mặt khác, trong cơn sốt điện mặt trời, cần đánh giá đúng mức tác động của nguồn điện ấy đến hệ thống điện quốc gia, bổ sung quy hoạch ở mức phù hợp, đảm bảo khả năng truyền tải. Như vậy, sẽ không tái diễn tình cảnh “điện mặt trời thừa không phát được lên lưới” mà trong nước lại có nguy cơ thiếu điện. Đó là nghịch lý rất khó chấp nhận được.

Mặt khác, chính sách nào cũng cần có sự ổn định, nhất quán, tránh tình trạng sau một đêm mọi thứ bỗng thay đổi, từ “ưu đãi thành bạc đãi” khiến nhà đầu tư trở tay không kịp. Điều đó sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cũng như niềm tin vào chính sách khuyến khích của Nhà nước.

Lương Bằng

Như ngồi trên lửa vì không có giá điện mặt trời

Như ngồi trên lửa vì không có giá điện mặt trời

 - Các nhà đầu tư điện mặt trời đang ngồi trên lửa vì ngóng giá điện mới mà mãi không có do các dự thảo của Bộ Công Thương lần lượt bị “bác”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét