Quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập quá nhiều, do rất nhiều cơ quan, đơn vị ban hành, ở rất nhiều cấp khác nhau.
Như VietNamNet đưa tin, Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa có báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018.
Trung bình địa phương có khoảng 10-15 quỹ
Báo cáo của Đoàn giám sát cho thấy ở Việt Nam có trên 40 quỹ/loại quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập. Đó là Quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ bảo hiểm xã hội bắt buộc; Quỹ bảo hiểm xã hội tự nguyện; Quỹ bảo hiểm thất nghiệp; Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam; Quỹ bảo trì đường bộ; Quỹ phát triển khoa học công nghệ,...
Ngoài ra, còn nhiều quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập ở các địa phương như Quỹ Khuyến công, Quỹ Hội chữ thập đỏ; Quỹ Bảo vệ người khuyết tật và trẻ em mồ côi; Quỹ mái ấm công đoàn; Quỹ vì nữ cán bộ, công nhân, viên chức lao động nghèo; Quỹ chăm sóc người cao tuổi, Quỹ ủng hộ Trường Sa,...
Hoạt động của Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá chưa đánh giá được hiệu quả, dư nguồn lớn gây lãng phí nguồn lực xã hội |
Theo đoàn giám sát, hiện nay, chưa có một văn bản quy phạm pháp luật cụ thể hóa các quy định tại Luật Ngân sách nhà nước 2015 nhằm điều chỉnh các nguyên tắc chung về quỹ tài chính ngoài ngân sách, bao gồm các lĩnh vực được thành lập quỹ, thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu nhiệm vụ chi của quỹ, mô hình hoạt động, cơ cấu tổ chức, chế độ kế toán, công khai, thanh kiểm tra,...
Điều này dẫn đến tình trạng quỹ tài chính ngoài ngân sách được thành lập quá nhiều, do rất nhiều cơ quan, đơn vị ban hành, ở rất nhiều cấp khác nhau.
Theo đoàn giám sát, việc có quá nhiều Quỹ tại địa phương làm phát sinh nhiều chi phí quản lý và tổ chức biên chế.
Qua giám sát cho thấy, tuy các địa phương báo cáo chưa đầy đủ số số lượng quỹ, nhưng trung bình mỗi địa phương có khoảng 10-15 quỹ. Việc thành lập quá nhiều Quỹ theo quy định của các luật chuyên ngành, các Nghị định của Chính phủ và của địa phương “làm phân tán nguồn lực, tăng chi phí quản lý và phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, biên chế” - đoàn giám sát nhận định.
Theo báo cáo của Chính phủ, kế hoạch năm 2019, tổng số thu của các quỹ là trên 500 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ là 100 nghìn tỷ đồng, chủ yếu cho các quỹ: Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo trì đường bộ trung ương.
Tổng hợp báo cáo của 41 địa phương cho thấy, tổng số dư các quỹ ngoài ngân sách của địa phương từ 2013 đến 2018 tăng qua các năm: năm 2013 là 8.074 tỷ đồng thì đến 2017 là 17.198 tỷ đồng, năm 2018 là 18.268 tỷ đồng.
Khó quản việc chi tiêu
Theo quy định của pháp luật, việc thực hiện cơ chế chi tiêu ngân sách phải chịu sự kiểm soát chặt chẽ của hệ thống Kho bạc nhà nước. Tuy nhiên, đối với các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước không chịu sự điều chỉnh bởi quy định này và các quỹ phải tự kiểm soát chi tiêu. Trong trường hợp mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước, pháp luật quy định Kho bạc nhà nước chỉ kiểm soát tính hợp pháp, hợp lệ.
“Vì vậy, việc không có cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến nhiều khả năng vi phạm quy định về chế độ chi tiêu, sử dụng kinh phí sai mục đích”, đoàn giám sát cho hay.
Đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc Quỹ bình ổn xăng dầu |
Một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản này được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu hoặc trên thu nhập của người lao động.
Đoàn giám sát cho rằng đây có thể được coi là “một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng” mà người mua phải trả thêm. Ví dụ, 2% đối với các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu thuốc lá cho Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá; tỷ lệ tính trên tài sản doanh nghiệp và ngày công lao động đối với Quỹ phòng chống thiên tai.
Qua giám sát cho thấy, một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, báo chí, quảng cáo, trong khi nhiệm vụ này là của các cơ quan chuyên ngành của Chính phủ.
Các cuộc kiển toán chuyên đề về nội dung các quỹ còn chưa thực sự được đề cao. Trong giai đoạn được giám sát, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý hơn 1.700 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 622 tỷ đồng; tăng thu, giảm chi các quỹ 426 tỷ; xử lý tài chính khác hơn 700 tỷ đồng. |
Một số quỹ có các nội dung chi không đúng với bản chất quỹ như Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.
Ngoài ra, nhiều quỹ có nguồn thu để bổ sung chi phí hoạt động chủ yếu từ lãi tiền gửi vào các ngân hàng thương mại. Đó là các Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo, Quỹ tích lũy trả nợ, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã,...
Một số quỹ có hoạt động cho vay có mức lãi suất ưu đãi còn khá thấp so với thị trường, dẫn đến khó khăn trong việc tạo nguồn hoạt động của quỹ. Các đối tượng có điều kiện vẫn được vay ưu đãi, hoặc đối tượng vay ưu đãi để gửi ngân hàng, không đưa vào sản xuất, kinh doanh theo mục tiêu của quỹ, như Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã.
Bên cạnh đó, quy định của pháp luật là các quỹ có chức năng hỗ trợ, cho vay là phải bảo toàn và phát triển vốn. Điều này dẫn đến việc một số quỹ hoạt động thiếu hiệu quả, cho vay hạn chế hoặc không cho vay như Quỹ phát triển hợp tác xã, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,...
Trong khi ngân sách bố trí cho đầu tư phát triển kinh tế còn khó khăn, nguồn lực đầu tư chủ yếu là vốn vay, một số quỹ thiếu nguồn để hoạt động thì có quỹ lại dư nguồn rất lớn, “là sự lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn”.
“Một số trường hợp, quỹ sử dụng nguồn dư để gửi ngân hàng thương mại hoặc Chính phủ thu một phần về ngân sách nhà nước là chưa đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật”, đoàn giám sát lưu ý.
Cân nhắc thận trọng thành lập quỹ mới |
Để bảo đảm khung pháp lý trong việc thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội xem xét, ban hành Luật quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trong đó, quy định rõ thẩm quyền thành lập quỹ, nguồn thu, nhiệm vụ chi, cơ cấu hoạt động, cơ chế tài chính,... Đồng thời, xem xét bãi bỏ một số quỹ hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các luật. Khi ban hành các luật chuyên ngành, cần xem xét, cân nhắc một cách thận trọng việc thành lập mới các quỹ tài chính ngoài ngân sách; việc thành lập mới phải phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, tránh thành lập quá nhiều quỹ. |
Lương Bằng
Hàng loạt loại quỹ thu ngàn tỷ từ túi tiền của người dân
Đoàn giám sát Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ ra một loạt tồn tại hạn chế ở các Quỹ tài chính ngoài ngân sách.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét