Với những tín đồ mua sắm, việc chi tiêu cho Black Friday là điều bình thường. Tuy nhiên, với nhiều người, cứ đến mùa giảm giá, họ sợ phải chi một đống tiền cho thứ không cần thiết.
“4 cái áo mới thu về vì được giảm 30%, 3 chiếc quần nằm gọn trong tủ vì được giảm hẳn 35%. Đã thế đống mỹ phẩm mới order cũng ngốn hết của mình hơn 3 triệu”.
Hơn một tuần đếm ngược đến ngày chính thức của Black Friday, Ngọc Ngân (26 tuổi, TP.HCM) tự nhận mình sống trong cảnh “order bất chấp, shopping quên lối về".
26 tuổi, sống một mình không có người yêu, ngoài việc đi học, đi làm, niềm vui lớn nhất của cô là mua sắm. Với một shopaholic (tín đồ nghiện mua sắm) thứ thiệt như Ngân, việc mua sắm không đơn giản giải quyết nhu cầu ăn mặc, làm đẹp mà đó là đam mê.
“Quần áo chưa mặc còn 'cả đống', mỹ phẩm thì không biết đến bao giờ mới dùng hết. Đống son ở nhà còn hơn chục cây mới chỉ dùng mấy lần. Nhưng không hiểu vì sao mình lại không cầm lòng được và tiếp tục mua sắm khi thấy hàng giảm giá”, Ngọc Ngân nói.
Những bảng giá "sale khủng", "giảm giá lớn" khiến nhiều người không tiếc tiền mua sắm. Ảnh: Pinterest. |
Lần nào cũng thế, nhất là những đợt giảm giá mạnh như Black Friday, xả hàng cuối năm, cô đều mua sắm không tiếc tay. Cô vẫn tự nhủ mình phải tiết kiệm vì cuối năm còn nhiều thứ phải thực hiện như sửa sang nhà cửa ở quê, mua quà cho bố mẹ, con cháu, dự định chuyển sang nhà mới ổn hơn…
Nhưng những thứ đó với một tín đồ mua sắm thứ thiệt đều là thứ yếu, “sale, hàng giảm giá, đừng bỏ lỡ cơ hội sale” mới là chân lý.
Không chỉ Ngọc Ngân, ai cũng thừa nhận rằng mùa Black Friday chỉ là cơ hội để các nhãn hàng tung hàng tồn, bước vào shop không cầm lòng được cũng phải mua vài cái áo mới, đôi ba thứ lặt vặt.
Black Friday là thế, sale thì không bao nhiêu, chỉ thấy túi tiền của chúng ta vơi dần mỗi khi đến mùa giảm giá.
"Sale bao nhiêu không quan trọng, miễn là sale"
Ngọc Ngân thừa nhận mình bị “nghiện shopping", mỗi tháng cô trích hơn 1/3 tiền lương để mua sắm, có tháng còn hơn thế nữa. Mùa Black Friday, Ngân đang phải đối mặt với một điều: tháng này cô phải chi khoảng 2/3 lương để chuẩn bị cho đợt sale lớn cuối tháng.
Trong lúc làm việc và tranh thủ lướt mạng, Ngân đều lưu lại những shop yêu thích để thoả mãn đam mê mua sắm. News feed của cô không có nhiều thứ liên quan đến công việc, cô cũng không quá quan tâm đến bạn bè đăng gì mỗi ngày. Thứ được suggest trên trang của cô nhân viên 26 tuổi là quần áo, mỹ phẩm.
“Càng lưu nhiều, xem nhiều thì news feed càng suggest nhiều chỗ bán quần áo, son phấn. Những lần như thế, tôi đều không kiềm lòng được và nhấn vào mua hết thứ này đến thứ khác”, Ngân kể.
Với những shopaholic, mua sắm không chỉ là nhu cầu ăn mặc mà là thoả mãn đam mê mua sắm. Ảnh: Confessions of a Shopaholic. |
Và mùa Black Friday này cũng vậy, dù chưa đến ngày sale chính thức, cô đã order không biết bao nhiêu là thứ. Ngồi trên văn phòng làm việc, cứ vài tiếng lại có người gọi điện giao hàng. Đến nỗi bạn đồng nghiệp của cô cũng lắc đầu ngao ngán.
“Lại order? Mua gì lắm thế?”, “Nữa à Ngân? Mua nhiều thế dùng hết không"...
Những câu hỏi liên tiếp được đưa đến cho Ngọc Ngân. Cô biết rằng bạn bè chỉ muốn tốt cho mình, nhưng cô không cầm lòng được mà cứ order.
“Nốt lần này thôi", cô tự “lừa” mình bằng những câu nói "vô nghĩa". Vì chính Ngân biết rằng, mùa sale này cô phải tốn bộn tiền mua sắm. Cứ thấy bảng sale là "lao mình" vào một cách bất chấp, không quan tâm cuối tháng phải chi trả đống sinh hoạt phí như nào.
Giảm giá tạo dựng niềm tin
Một nghiên cứu của tác giả Rilind Elezaj, chuyên gia SEO marketing, đã chứng minh rằng việc giảm giá chỉ là đang đánh vào tâm lý người tiêu dùng.
Thứ nhất, hàng giảm giá nói chung và đợt sale Black Friday nói riêng mang tính thời điểm và khẩn cấp. Nghĩa là khách hàng phải mua đồ tại thời điểm đó nếu không muốn bị lỡ mất cơ hội.
"Dịp Black Friday sẽ gieo vào đầu bạn tâm lý phải mua ngay lập tức để tiết kiệm tiền cho lần mua sắm sau. Ngoài ra, nếu không mua bây giờ, đến cuối cùng bạn phải mua với chi phí đắt hơn", ông Rilind khẳng định.
Ngoài ra, việc giảm giá ở những mùa sale lớn còn đánh vào tâm lý "tạo dựng niềm tin" với người tiêu dùng.
Sale lớn mùa giảm giá nằm trong chiến lược marketing của các nhãn hàng. Ảnh: Pinterest. |
Theo đó, việc giảm giá được các chuyên gia quảng cáo khẳng định có thể giả định niềm tin trong khách hàng. Nói cách khác, một món hàng hoàn toàn có thể được đội giá cao hơn so với giá gốc, sau đó gắn tag giảm giá, người tiêu dùng vẫn nghĩ món hàng này rẻ hơn giá trị thật.
Dần dần, trong suy nghĩ của nhiều người, việc mua hàng sale hoàn toàn tạo cho họ cơ hội săn được nhiều hàng giảm giá hơn.
Một nghiên cứu khác của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen cho thấy người tiêu dùng Việt ở độ tuổi từ 21-34 chiếm 34%. Khảo sát này nói họ tiêu tiền tùy theo sở thích, tập trung nhiều nhất vào du lịch, mua sắm quần áo, sản phẩm công nghệ và dịch vụ giải trí.
Tại Hàn Quốc, cụm từ "Shibal biyong" (tạm dịch: chi tiêu chết tiệt) được sử dụng để chỉ lối tiêu xài "không cần quan tâm đến ngày mai".
Với lối sống này, nhà phê bình văn hóa Kim Heon-sik nói: “Trong một xã hội mà thành công dường như xa vời và đòi hỏi một quá trình nỗ lực lâu dài để đạt được, người trẻ tuổi bị cuốn hút vào những trải nghiệm mang lại cho họ cảm giác hài lòng tức thời”.
Có nên mua hay không?
"Chị ơi em hết tiền rồi, chắc tháng sau đói rồi".
Quỳnh Như (28 tuổi, nhân viên marketing tại một công ty quảng cáo tại TP.HCM) kể lại câu nói của cô em đồng nghiệp khi lỡ dùng quá nhiều tiền cho đợt Black Friday lần này.
Nhiều người sợ mùa Black Friday vì không muốn mua nhiều thứ nhưng không sử dụng. Ảnh: Vector Sock. |
"Mua cho nhiều vào rồi than, năm nào cũng vậy, đợt nào cũng vậy. Miệng nói sợ mùa giảm giá nhưng miễn tới đợt sale là cuống lên để order".
Cô nhân viên văn phòng cho rằng câu nói của mình dành cho những tín đồ mua sắm chỉ là thừa. Cô dư biết, nói cho vui vậy thôi, chứ họ thấy giảm giá là phải mua cho bằng được.
Theo cô, việc mua đồ sale, thích sắm hàng hiệu hay những thứ liên quan về shopping không có gì là lạ.
Cuộc sống mỗi người có đam mê riêng, có người thích đồ công nghệ, người đam mê thời trang, người thích sưu tập giày...
Tuy thừa nhận mình không phải là một tín đồ mua sắm, nhưng mỗi khi đến dịp Black Friday hay những mùa giảm giá lớn, cô đều thấy sợ.
"Đi đến đâu cũng thấy giảm giá, lướt news feed cũng toàn là đồ 'sale kịch sàn', 'giảm hết mức'... Tuy không muốn nhưng mình cũng lướt vài trang và mua cho mình vài thứ. Tôi chỉ sợ một ngày mình trở thành người nghiện shopping, mua cho có chứ không có nhiều nhu cầu sử dụng", Quỳnh Như khẳng định.
(Theo Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét