Nhiều điều kiện chặt chẽ hơn được thông qua nhằm đảm bảo hàng hóa tốt cho thị trường. Yêu cầu về minh bạch sẽ buộc hàng loạt doanh nghiệp đại chúng lên sàn và là cơ hội lớn cho giới đầu tư, trong đó có các CTCK.
Thắt chặt, cơ hội nhiều
Chiều 26/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV với nhiều thay đổi và sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2021, muộn hơn so với đề xuất trước đây là 1/9/2020.
Một thị trường có quy mô vốn hóa khoảng 150-160 tỷ USD (trên cả sàn TP.HCM và Hà Nội) hiện tại có thể sẽ tăng lên nhanh chóng với các quy định buộc các công ty đại chúng đưa cổ phiếu lên sàn. Thị trường có thể đón nhận thêm hàng chục tỷ USD giá trị vốn hóa doanh nghiệp trong vài năm tới.
Một trong những thay đổi lớn trong Luật Chứng khoán sửa đổi là nâng điều kiện để trở thành công ty đại chúng; điều kiện chào bán lần đầu ra công chúng và chào bán thêm ra công chúng; bổ sung đối tượng công bố thông tin; tăng mức phạt trong trường hợp vi phạm hành chính,...
Cơ hội tỷ USD chưa từng có cho đại gia Việt |
Theo luật mới, điều kiện để công ty được chào bán công khai cổ phần là phải có vốn điều lệ 30 tỷ đồng, thay vì 10 tỷ đồng như trước. Như vậy, một doanh nghiệp muốn huy động vốn từ thị trường chứng khoán (TTCK) phải có quy mô tương đối lớn, cao gấp 3 lần trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc, các doanh nghiệp được thành lập mới sẽ gặp khó khăn, cần thêm thời gian làm ăn tích lũy vốn hoặc các cổ đông phải góp vốn nhiều hơn ngay từ ban đầu.
Như vậy, chất lượng hàng hóa chào bán ra thị trường sẽ được đảm bảo hơn.
Cũng theo quy định mới, các cổ đông lớn phải cam kết nắm giữ trên 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiểu 1 năm sau khi kết thúc đợt chào bán.
Việc chào bán công khai cần được thực hiện thông qua công ty chứng khoán (tư vấn), trừ trường hợp khi công ty phát hành là công ty chứng khoán (CTCK). Và cổ phiếu phải được niêm yết trong vòng 30 ngày sau khi chào bán.
Cũng theo luật mới, công ty đại chúng (CTĐC) phải có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ. Các công ty này phải đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Upcom trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) xác nhận hoàn tất việc đăng ký công ty đại chúng. Sau 2 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên trên hệ thống Upcom, công ty đại chúng có quyền nộp hồ sơ đăng ký niêm yết.
Đây là những quy định mang đến cơ hội nhiều hơn cho các CTCK. Với quy định này, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch trên Upcom và niêm yết trên Sở GDCK sẽ tăng mạnh.
Cơ hội trên thị trường chứng khoán ngày càng lớn. |
Với hàng trăm ngàn doanh nghiệp như hiện tại, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp đủ điều kiện là CTĐC. Nhờ đó, TTCK dự kiến có thêm nhiều hàng hóa chất lượng, như loạt các doanh nghiệp may mặc, nông thủy sản,... ở khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Rộng cửa bán cho ngoại, ông chủ Việt bớt lo
Một điểm đặc biệt được quan tâm là vấn đề quy định về “room” vốn ngoại. Theo đó, Luật Chứng khoán sửa đổi được xem là một sự thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, tăng hiệu quả quản lý và hút dòng vốn ngoại.
Vốn ngoại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng đột biến khi Luật Chứng khoán sửa đổi "nới tay" về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room ngoại). Theo đó, ngoại trừ các trường hợp có quy định riêng, room ngoại tại các doanh nghiệp niêm yết là 100%.
Đây là một quy định giúp làm giảm tình trạng nghẽn tắc theo cơ chế xin - cho theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, giúp NĐT nước ngoài có thể rót tiền vào các doanh nghiệp quy mô lớn, làm ăn bài bản nhưng đã kín room như hiện tại.
Điểm nổi bật cũng được chú ý và có vai trò lớn trong việc kiểm soát thị trường, giúp các ông chủ Việt Nam kiểm soát doanh nghiệp là sản phẩm chứng quyền không biểu quyết (NVDR). Sản phẩm này được cho là sẽ giúp doanh nghiệp tăng được cầu ngoại nhưng các ông chủ không mất quyền biểu quyết.
Dòng vốn ngoại có cơ hội tăng bùng nổ. |
Luật Chứng khoán sửa đổi cũng mở rộng định nghĩa về chứng khoán, báo gồm cả chứng chỉ lưu ký (DR) và chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR), được quy định trong Luật doanh nghiệp.
Theo đó, việc biểu quyết đối với cổ phần phổ thông đã được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành NVDR. Cổ đông là tổ chức phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có quyền phân bổ quyền biểu quyết của mình cho các cổ đông khác tương ứng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các cổ đông đó.
Luật Chứng khoán sửa đổi cũng có nhiều vấn đề được chú ý liên quan đến quy định về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng, nâng thẩm quyền và tăng tính độc lập cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tăng mức phạt đối với các sai phạm trên thị trường; việc sáp nhập các sở giao dịch,...
Cụ thể, Việt Nam sẽ chỉ có một Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam (VNX) và sẽ được IPO vào năm 2023. VNX có trụ sở tại Hà Nội và hoạt động như một công ty TNHH một thành viên 100% vốn nhà nước với 2 công ty con là Sở GDCK Hà Nội - HNX (phụ trách thị trường trái phiếu và phái sinh) và Sở GDCK TP HCM - HOSE (phụ trách thị trường cổ phiếu).
Bộ Tài chính (không phải UBCKNN) sẽ đại diện cho phần sở hữu nhà nước tại VNX và VNX sẽ hữu toàn bộ HoSE và HNX. Vốn điều lệ của VNX trước năm 2023 sẽ là 3.000 tỷ đồng, trong đó, HOSE có là 2.000 tỷ đồng còn HNX là 1.000 tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét