Sóng gió vẫn chưa ngừng tại ông lớn một thời trong ngành ngân hàng. Những mâu thuẫn trong nội bộ được kỳ vọng sẽ được hóa giải trong đại hội cổ đông bất thường tới đây.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa công bố thông báo của HĐQT ngày 26/11 về việc ứng cử, đề cử nhân sự dự kiến được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị và thành viên Ban kiểm soát Eximbank nhiệm kỳ VII (2020 - 2025).
Theo đó, sau 2 lần HĐQT không thông qua số lượng thành viên cho nhiệm kỳ 2020-2025, số lượng cụ thể lần này sẽ do đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) quyết định.
Một điểm đáng lưu ý là ĐHĐCĐ bất thường 2019 sẽ được tổ chức sớm hơn vào ngày 05/03/2020, thay vì ngày 22/04/2020 như thông báo trước đó. Đây cũng là ngân hàng duy nhất tại Việt Nam chưa tổ chức được ĐHĐCĐ năm 2019.
Ngân hàng sẽ trình cổ đông chi tiết thông tin danh sách ứng cử và đề cử nhân sự dự kiến bầu bổ sung vào HĐQT vào ngày 21/12/2019. Đồng thời, ngân hàng sẽ nhận hồ sơ của cổ đông hoặc nhóm cổ đông về việc ứng cử, đề cử từ ngày đến ngày 30/12/2019 - 13/01/2020.
Trước đó, sau 2 lần hoãn, ĐHĐCĐ năm 2019 của Eximbank vào tháng 6 vừa qua đã bị hủy bỏ do các cổ đông chia thành 2 nhóm tranh cãi về vị trí chủ tọa cho dù đại hội đã đạt đủ số lượng cổ đông theo quy định (hơn 94% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự).
Sau hoãn rồi hủy, sóng ngầm không ngừng tại ông lớn ngân hàng |
Tranh cãi nảy lửa nhất nằm ở tính tính hợp pháp của vị trí Chủ tịch HĐQT.
Mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank đã kéo dài trong nhiều năm qua, nhất là sau khi ông Lê Hùng Dũng nghỉ hưu năm 2015 nhưng bắt đầu trở nên phức tạp hơn bao giờ hết kể từ sau ngày 22/3/2019, thời điểm 7 thành viên HĐQT Eximbank đã họp và bầu ra Chủ tịch HĐQT mới là bà Lương Thị Cẩm Tú thay cho ông Lê Minh Quốc.
Bà Lương Thị Cẩm Tú được biết đến là một gương mặt đại diện của NamABank. Bà Tú (1980) từng là TGĐ Ngân hàng Nam Á (NamABank) của cố doanh nhân Tư Hường. Bà Tú vào HĐQT Eximbank tháng 4/2018 tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 của nhà băng này.
Cuộc chiến quyền lực tại Eximbank nóng rực trở lại bắt đầu từ cuối tháng 3/2019 sau khi thành viên HĐQT Lương Thị Cẩm Tú được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT của ngân hàng nhiệm kỳ VI (2015-2020) thay cho ông Lê Minh Quốc dù ông Quốc chưa hết nhiệm kỳ.
Eximbank thông báo về việc ứng cử, đề cử vào HĐQT. |
Ông Minh Quốc đã có đơn kiện và tòa án TP.HCM đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nhưng. Tuy nhiên, ông Lê Minh Quốc sau đó có đơn xin rút yêu cầu khởi kiện và có đơn từ nhiệm khỏi vị trí chủ tịch HĐQT.
Ông Cao Xuân Ninh (1962) sau đó được bầu làm chủ tịch Eximbank thay cho 2 nhân vật đối đầu trong một cuộc chiến tranh giành chiếc ghế cao nhất tại Eximbank trong nhiều tháng trước đó.
Dù vậy, loạt diễn biến vừa qua, bao gồm hoãn ĐHĐCĐ cuối tháng 5, ĐHĐCĐ bất thành cuối tháng 6, hay việc ông Cao Xuân Ninh xin từ chức Chủ tịch cho thấy HĐQT Eximbank vẫn còn rất nhiều xung khắc.
Hiện tại, giới đầu tư không biết người đại diện theo pháp luật của Eximbank là ai? Ai đang là người chịu trách nhiệm cho một tổ chức tín dụng có tổng tài sản lên tới gần 160 ngàn tỷ đồng, trong đó gần 130 ngàn tỷ đồng tiền gửi của người dân.
Đại hội chuyển sang 5/3/2020. |
Mâu thuẫn tại Eximbank liên quan tới gia đình bà Tư Hường (đã mất), với những tranh chấp nội bộ của tập đoàn gia đình Hoàn Cầu và nhóm cổ đông lớn có liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn (con bà Tư Hương) tại NamABank.
Hiện tại ông Cao Xuân Ninh vẫn là chủ tịch Eximbank cho dù đã xin từ chức ngay sau ĐHCĐ bị hủy bỏ hồi tháng 6 bởi cổ đông, nhóm cổ đông có quá nhiều bất đồng khó dung hoà dẫn đến các tranh chấp nội bộ, gây khó khăn rất lớn trong quản trị, điều hành và ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh, hoạt động của ngân hàng.
Mặc dù mâu thuẫn nội bộ, Eximbank vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khá tốt. Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2019 sau soát xét có lợi nhuận 6 tháng bất ngờ tăng thêm cả trăm tỷ đồng lên hơn 760 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu EIB vẫn ở vùng cao nhất trong 3 năm qua.
Ông Cao Xuân Ninh vẫn giữ chức chủ tịch. |
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), trong phiên giao dịch 26/11 chỉ số VN-Index tăng điểm khá tốt và lại chinh phực ngưỡng 980 điểm. Một số cổ phiếu blue-chips tăng điểm như Vingroup, BIDV, Sabeco, Vietcombank, Vinamilk …
Giới đầu tư kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ được ký kết trước cuối năm nay sau những tuyên bố tích cực từ cả tổng thống Donald Trump lẫn phía Bắc Kinh.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.
Theo Rồng Việt, thị trường phát tín hiệu phục hồi sau khi đã giảm sâu về các ngưỡng hỗ trợ. Đây mới là những dấu hiệu ban đầu và chưa thể khẳng định tính bền vững. Do vậy nhà đầu tư tiếp tục ưu tiên cơ cấu lại danh mục theo hướng an toàn.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/11, VN-Index tăng 0,44 điểm lên 976,798 điểm; HNX-Index tăng 0,53 điểm lên 103,99 điểm. Upcom-Index giảm 0,09 điểm xuống 55,97 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 210 triệu đơn vị, trị giá 4,8 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét