Việt Nam đang tăng tốc để đuổi theo các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực và tham vọng của các doanh nhân hàng đầu như ông Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Thị Phương Thảo, Nguyễn Đăng Quang,... đóng góp vào quá trình này.
Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và Kinh doanh VinFast vừa bất ngờ trở thành hãng xe hiếm hoi trên thế giới công bố giá thành sản xuất, với số lỗ mỗi chiếc xe hạng sang lên tới 300 triệu đồng do chính sách "3 không": không tính chi phí khấu hao, không tính chi phí tài chính và không tính lãi.
Đây là một quyết định khá bất ngờ, bởi hiếm có hãng xe nào trên thế giới muốn công bố những con số được cho là bí mật kinh doanh như vậy. Mặc dù bước đầu phải chấp nhận lỗ nhưng tỷ phú Vượng vẫn không dừng lại trong bước chuyển đổi của mình.
Thời gian gần đây, Vingroup của ông Vượng có những chuyển biến rất nhanh trong chiến lược chuyển đổi với mục tiêu đến năm 2028 sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ. Trong đó công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Tuần qua, Vingroup đã khai trương Vsmart Hòa Lạc với dàn robot tối tân trong đại bản doanh mới tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, với công nghệ được mua từ các doanh nghiệp Hàn Quốc và Mỹ.
Trong mảng bán lẻ, Vincommerce, một công ty con của Vingroup cũng đã áp dụng công nghệ 4.0 vào việc mua sắm và hơn thế đơn vị này có kế hoạch tăng số lượng cửa hàng Vinmart & VinMart+ lên thành 10.000 siêu thị, cửa hàng vào năm 2025, từ mức khoảng 2.600 đơn vị như hiện tại.
Ông Phạm Nhật Vượng đẩy mạnh đầu tư vào công nghiệp, công nghệ. |
Theo một báo cáo trên Nikkei, Việt Nam đang đuổi sát nút Singapore trong cuộc đua không tiền mặt. Các startup fintech tại Việt Nam phát triển mạnh ở lĩnh vực này, với những cái tên VNPay, MoMo, Moca,...
Hồi đầu tháng 11/2019, VinID Pay của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã hợp tác VNPay để phủ sóng thanh toán tại Việt Nam sau khi chính thức trở thành đối tác chiến lược trong việc cung cấp các giải pháp thanh toán điện tử. Tổng số điểm chấp nhận thanh toán của VinID Pay hiện lên đến 60 ngàn điểm trên toàn quốc, một con số kỷ lục tại thị trường ví điện tử Việt Nam. VinID Pay là ví điện tử tích hợp trong VinID, với 8 triệu thành viên.
Ba lĩnh vực mà Vingroup đầu tư rất mạnh chính là công nghệ, công nghiệp và bán lẻ. Thị trường bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ lên 180 tỷ USD vào 2020 và Vingroup hiện đã dẫn đầu thị trường này.
Ở mảng công nghiệp ô tô, Vingroup gần như là doanh nghiệp Việt duy nhất hướng vào việc tự sản xuất và cũng đã có tiếng tăm trong khu vực. Theo lộ trình, Vingroup sẽ tăng cường nội địa hóa sau khi đã làm được phần lớn phần thân vỏ, một phần của hộp số, các cầu và nội thất,... định hướng là tạo ra một thương hiệu “Made in Vietnam”.
Mảng công nghệ cũng sẽ phục vụ cho việc sản xuất ô tô, với các viện về nghiên cứu thiết kế ô tô, xe máy điện, nghiên cứu pin...
Trái ngược với ông Vượng, nữ tỷ phú Phương Thảo đi sâu vào lĩnh vực hàng không với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. VietJet của bà Thảo đã đặt mua hàng trăm máy bay từ 2 hàng lớn trên thế giới.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang xoáy sâu vào lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh và khai khoáng.
Công ty Cổ phần Masan Meatlife (MML) - doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thịt lớn mới xuất hiện nhưng có quy mô hàng đầu trên phạm vi cả nước - của ông Quang sắp lên sàn với định giá hơn 1 tỷ USD.
Thị trường chứng khoán cũng sắp đón thêm một ông lớn tỷ USD khác. Theo Bloomberg, Hãng hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của ông Trịnh Văn Quyết cũng sẽ niêm yết vào đầu năm 2020 với vốn hóa lên đến 1 tỷ USD.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), chỉ số VN-Index diễn biến lên xuống thận trọng. Một số cổ phiếu blue-chips giao dịch tích cực trong phiên trước gồm Vingroup, BIDV, Sabeco, Vietcombank, Vinamilk …
Giới đầu tư kỳ vọng thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn 1 sẽ được ký kết trước cuối năm nay sau những tuyên bố tích cực từ cả tổng thống Donald Trump lẫn phía Bắc Kinh. Tuy nhiên, việc ông Trump ký các đạo luật ủng hộ người phản đối tại Hong Kong có thể khiến tình hình diễn biến khó lường.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn khá thận trọng.
Theo Rồng Việt, xu hướng chung của TTCK vẫn đang có diễn biến xấu, mặc dù hồi phục nhưng dòng tiền chảy vào thị trường rất yếu, các nhịp hồi kỹ thuật cũng không rõ nét.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/11, VN-Index tăng 1,38 điểm lên 978,17 điểm; HNX-Index giảm 0,76 điểm xuống 103,23 điểm. Upcom-Index tăng 0,05 điểm lên 56,02 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 3,9 ngàn tỷ đồng.
V. Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét