Nhiều ngân hàng trong nước đang đẩy mạnh hợp tác với ngân hàng, tổ chức tài chính quốc tế, giúp khách hàng hai bên có thể giao dịch ở bất cứ quốc gia nào có các ngân hàng này.
Trước đây, người Việt Nam ở nước ngoài không dễ chuyển tiền trong thẻ ATM về Việt Nam. Họ phải thông qua các dịch vụ chi trả kiều hối, tốn khá nhiều thời gian, chi phí. Hiện một số ngân hàng trong nước liên kết với các ngân hàng, tổ chức tài chính ở một số nước, giúp người lao động, du học sinh Việt Nam, kiều bào dễ dàng gửi tiền về nước.
Chẳng hạn, TPBank có dịch vụ chuyển tiền quốc tế sau khi ngân hàng này liên kết với một số tổ chức tài chính tại Nhật Bản và đang nhắm đến Hàn Quốc. Khách hàng chỉ cần chuyển tiền về nước từ Nhật Bản vào tài khoản TPBank nhờ công nghệ blockchain.
Các ngân hàng cũng tính đến nguồn khách người nước ngoài đến Việt Nam, từ đó ra mắt nhiều hình thức giúp người nước ngoài dễ dàng thanh toán bằng thẻ ATM tại Việt Nam. Tháng Mười vừa qua, BIDV đã phối hợp với Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga (VRB) triển khai dịch vụ thẻ chip MIR tại Việt Nam, chấp nhận thanh toán thẻ nội địa của Liên bang Nga.
Thanh toán xuyên biên giới là một xu thế tất yếu |
Các chủ thẻ MIR không chỉ thanh toán trong mạng lưới máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ) của Ngân hàng BIDV mà còn có thể rút tiền mặt trong mạng lưới ATM của Ngân hàng VRB tại Việt Nam. Tại các trung tâm mua sắm ở Q.1, TP.HCM, nhiều du khách Nga đã dùng thẻ ATM mang theo từ Nga để thanh toán khi mua hàng hóa thay vì phải dùng tiền Việt.
Lượng khách du lịch Nga đến Việt Nam trong năm 2018 là 600.000 lượt, từ đầu năm 2019 đến tháng 9/2019 là 478.000 lượt. Việc triển khai dịch vụ thẻ MIR tại Việt Nam được đánh giá mang lại thuận tiện, an toàn cho khách du lịch Nga tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác song phương Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt.
TPBank cũng liên kết với tổ chức thanh toán quốc tế UnionPay (UPI) cho phép hàng triệu khách hàng sử dụng UnionPay khi sang Việt Nam du lịch dễ dàng thanh toán bằng thẻ thông qua máy POS và mã QR Code tại điểm chấp nhận của TPBank hoặc rút tiền mặt tại ATM của ngân hàng này. “Khách hàng sử dụng UnionPay phần đông là người Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê và Tổng cục Du lịch, quý I/2019, có hơn 3,2 triệu lượt khách Trung Quốc và Hàn Quốc đến Việt Nam, trong đó nhiều du khách sử dụng thẻ UPI với sức mua hàng ngàn tỷ đồng. Trong thời gian tới, các khách hàng của TPBank đi Trung Quốc cũng có thể dùng ứng dụng của TPBank để thanh toán bằng QR Code” - ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, thông tin.
LienVietPostBank cũng đã thử nghiệm thành công việc thanh toán bằng ví điện tử Ví Việt tại Hàn Quốc và dự định triển khai chính thức năm 2020. Tới đây, khách Việt đi du lịch tại Hàn Quốc không cần đổi ngoại tệ mà dễ dàng thanh toán bằng ví điện tử.
Thanh toán xuyên quốc gia đã phát triển tại Việt Nam vài năm trước, nhưng do chưa có quy định rõ ràng nên đã xảy ra tình trạng thanh toán “chui”, gây thất thoát thuế, ngoại tệ.
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Quảng Ninh từng phát hiện một số khách du lịch Trung Quốc sang Việt Nam mua hàng, sau đó thanh toán bằng ví điện tử Alipay, WeChat Pay. Các máy POS được sử dụng để thanh toán tại cửa hàng trên đều do một số ngân hàng Trung Quốc phát hành, nên tiền chuyển thẳng về Trung Quốc mà không thông qua ngân hàng trung gian của Việt Nam, gây thất thu cho phía Việt Nam.
Tiến sĩ - luật sư Bùi Quang Tín (Khoa Quản trị kinh doanh, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) nhận định, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế cùng sự phát triển mạnh mẽ của các ứng dụng internet, thanh toán xuyên quốc gia là tất yếu. Hiện thị trường thanh toán tại Việt Nam đang thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia, do đó, bên cạnh việc mở cửa, cơ quan quản lý cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát.
Hiện một số công ty nước ngoài cung ứng dịch vụ liên quan đến hoạt động thanh toán tại Việt Nam nhưng chưa chịu sự điều chỉnh tương ứng của pháp luật Việt Nam, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo ông Tín, thanh toán xuyên quốc gia đang được nhiều ngân hàng triển khai hợp pháp, nhưng để kích thích các chủ cửa hàng sử dụng và tránh thanh toán “chui” như trước, các ngân hàng và các công ty thanh toán cần giảm chi phí dịch vụ, vì nếu sử dụng dịch vụ hợp pháp, các chủ cửa hàng phải chịu phí thanh toán giao dịch quốc tế là 1,5% cùng với phí thanh toán nội địa, còn nếu sử dụng dịch vụ “chui”, các cửa hàng chỉ phải trả phí thanh toán nội địa là 0,5%.
(Theo Phụ nữ TP.HCM)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét