Trung Quốc vừa công bố cấp vốn giai đoạn một cho một dự án xây cầu tại Ghana, một phần của thỏa thuận cho vay trị giá 2 tỷ USD nhằm đổi lấy quyền khai thác bauxite.
Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan vừa đồng ý giải ngân khoản tiền trị giá 649 triệu USD cho giai đoạn 1 của dự án xây dựng mạng lưới cầu đường quốc gia trị giá 2 tỷ USD, một phần của thỏa thuận ghi nhớ giữa hai nước được ký kết vào năm ngoái, theo CNBC.
Bắc Kinh cũng đồng ý tài trợ 100 xe cho lực lượng cảnh sát Ghana, một khoản tài trợ 42,7 triệu USD, và xóa một khoản nợ trị giá 35,5 triệu USD. Bù lại, tập đoàn thủy điện và xây dựng quốc doanh Sinohydro của Trung Quốc sẽ khai thác 5% mỏ bauxite tại khu vực rừng nhiệt đới Thượng Guinea của Ghana.
Thỏa thuận này làm dấy lên tranh cãi giữa các nhà hoạt động bảo vệ môi trường tại Ghana. Một báo cáo mới từ cơ quan tư vấn rủi ro EXX châu Phi cảnh báo độ minh bạch kém và những rủi ro đang gia tăng đối với tính bền vững của khoản nợ này.
Ghana đứng thứ ba châu Phi về sản lượng bauxite xuất khẩu. Ảnh: AICircle. |
Khoản nợ không bền vững
Trả lời CNBC, Elizabeth Stephens, Giám đốc Quản lý hãng tư vấn rủi ro địa chính trị GRA cho rằng những thỏa thuận cấp cao kiểu này, thay vì đem lại cơ hội về kinh tế cho hai bên, thường thất bại trong việc kéo những cư dân nghèo nhất châu Phi khỏi đói nghèo.
“Chính phủ các nước châu Phi thường thiếu động lực và năng lực để đảm bảo tiền đổ vào dự án tạo được hiệu ứng thẩm thấu như mong đợi, trong khi các nhà đầu từ Trung Quốc lại không coi điều này là điều kiện tiên quyết khi đầu tư”, bà nói.
Bộ trưởng Kinh tế Ghana vừa tuyên bố tăng chi ngân sách lên 21%, trả lương cao hơn trong công chức, tăng đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút 3 tỷ USD vay vốn nước ngoài.
Ảnh chụp từ trên cao một bể xử lý cặn thải từ các mỏ bauxite. Ảnh: REOM. |
Tổ chức EXX châu Phi e ngại một phần đáng kể khoản nợ 3 tỷ USD sẽ được rót vào các khu vực bầu cử quan trọng trong năm 2020.
Theo IMF, kế hoạch tăng chi này cũng diễn ra vào thời điểm mức nợ chính phủ ở mức 63% GDP và tốc độ phát triển kinh tế chậm: 7,46% vào năm 2019 và dự kiến chỉ còn 4,22% vào năm 2022.
Mối quan hệ của Ghana với Mỹ và nhiều nhà đầu tư ngoại quốc phụ thuộc nặng nề vào sự gia tăng nguồn tài trợ phát triển từ các đối tác này. Quan hệ ngoại giao xấu đi gần đây giữa Ghana và Mỹ, xuất phát từ việc rút lui của chính phủ Mỹ khỏi thỏa thuận tài trợ cho tập đoàn điện quốc doanh. Điều này có thể khiến quốc gia Tây Phi ngày càng phụ thuộc vào các khoản vay từ Trung Quốc.
Vay nợ liên tục cũng đặt dấu hỏi về khả năng trả nợ khi đảng cầm quyền NPP được cho là tạo thêm 10 tỷ USD nợ công kể từ khi cầm quyền năm 2017, theo báo cáo từ EXX châu Phi.
Mỏ bauxite bao vây rừng nhiệt đới
Nhiều nhà bảo vệ môi trường lên án thỏa thuận cho vay do lo sợ những tác động tiêu cực của việc khai thác bauxite lên hệ sinh thái và nguồn nước tại rừng Atewa thuộc hệ thống rừng nhiệt đới Thượng Guinea.
“Có nhiều lo ngại rằng những mỏ bauxite đủ khả năng làm ô nhiễm ba con sông lớn cung cấp nước sinh hoạt cho ba khu vực tại Ghana, bao gồm 1 triệu người tại thủ đô Accra. Việc các báo cáo đánh giá tác động môi trường không được công khai cũng là điều đáng ngại”, tờ CNBC trích lời bà Stephens.
Một công nhân đang nhìn tàu chở bauxite ra khơi tại Australia. Ảnh minh họa: Reuters. |
Chính quyền Ghana vẫn chưa đưa ra bằng chứng thuyết phục nào để bác bỏ những mối quan ngại.
“Atewa đang dần trở thành một hòn đảo bao quanh bởi các mỏ bauxite”, cán bộ quản lý tài nguyên cho nhóm vận động môi trường A Rocha nói với tờ South China Morning Post.
Người dân địa phương cũng cho rằng những lời hứa cải thiện cơ sở hạ tầng, bệnh viện và trường học không được thực hiện, trong khi bụi từ các mỏ bauxite đang đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe những cư dân quanh vùng khai thác, South China Morning Post cho biết thêm.
Bắc Kinh từng có một thỏa thuận tương tự với Guinea (một nước ở Tây Phi) khi cho quốc gia này vay 20 tỷ USD trong 20 năm nhằm đổi lấy quyền khai thác bauxite. Chính quyền Trung Quốc đã ýí kết nhiều thỏa thuận cho vay với tổng trị giá 143 tỷ USD khắp lục địa đen từ năm 2000 đến năm 2017, theo số liệu từ IMF.
(Theo CNBC/ SCMP/ Zing)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét