Tham vọng của tỷ phú Việt không còn giới hạn ở mốc doanh thu lợi nhuận tỷ USD mà đã lớn hơn rất nhiều. Các hướng mới được mở ra và doanh nhân Việt tham vọng bước vào cuộc chơi toàn cầu.
Bước vào sân chơi toàn cầu
Tại Triển lãm Điện tử tiêu dùng 2022 - Consumer Electronics Show (CES 2022), VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng chính thức công bố sẽ trở thành hãng xe thuần điện vào cuối năm 2022.
Năm mẫu xe điện mới đã được giới thiệu có thiết kế bởi công ty thiết kế xe hơi bậc nhất nước Ý. Xe được trang bị các công nghệ, tính năng thông minh hàng đầu hiện nay, từ các tiện ích thông minh (Smart Services) cho tới tính năng hỗ trợ lái nâng cao (ADAS).
Nằm trong chiến lược tự chủ về công nghệ và năng lượng cung ứng pin, tháng 12 vừa qua, VinFast đã khởi công nhà máy sản xuất pin VinES tại khu kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhằm đảm bảo nguồn cung pin Lithium dành cho các dòng xe ô tô điện và xe buýt điện.
Tập đoàn Vingroup của ông Vượng xác định trọng tâm là công nghệ - công nghiệp, sau đó đó là thương mại và dịch vụ. Bất động sản (Vinhomes) vẫn là trụ cột nhưng không là trọng tâm bứt phá trong tương lai.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng tấn công thịt trường xe điện Mỹ. |
Ngay đầu năm mới 2022, Tập đoàn T&T của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) và đối tác Hàn Quốc khởi công dự án điện khí 2,3 tỷ USD tại Quảng Trị, công suất giai đoạn 1 là 1.500MW, dự kiến vận hành thương mại năm 2026 - 2027.
Ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tập đoàn T&T Group cho biết, dự án sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 8,25 tỷ kWh/năm; có thể bù đắp công suất thiếu hụt tức thời cho hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh tỷ trọng nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió tại khu vực miền Trung đang chiếm tỷ trọng lớn và bị biến động theo thời tiết..
Trong khi đó, nhiều DN tham gia cuộc chơi toàn cầu bằng những con đường khác, khi trở mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cuối 2021, Tập đoàn Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương tổ chức lễ xuất khẩu 15,5 nghìn sơ mi rơ moóc sang thị trường Mỹ, sau khi đã thành công trong việc xuất khẩu xe du lịch Kia sang Myanmar, Thái Lan; xe bus sang Philippines, Thái Lan, Singapore và xe tải sang Campuchia.
Thaco cũng đã cung ứng linh kiện OEM cho các đối tác sản xuất ô tô trong nước như: Toyota, Isuzu, Hyundai, Piaggio và nhận gia công cơ khí các sản phẩm công nghiệp và dân dụng cho các đối tác như: General Electric, Doosan, Makitech...
Việc xuất khẩu sơ mi rơ moóc sang Mỹ là sự kiện có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Thaco mà còn với cả ngành công nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, bởi điều này nói lên khả năng hội nhập và năng lực cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bầu Hiển mở hướng đi mới. |
Ở một mảng khá mới mẻ, dự án tiền mã hóa game Axie Infinity của một người Việt cuối năm ngoái đạt mốc vốn hóa hơn 9 tỷ USD, lọt top 20 trên bảng xếp hạng các dự án tiền số có vốn hóa lớn nhất thế giới.
Những năm qua, nhiều DN Việt đã bước chân ra thị trường thế giới và đạt được một số thành tựu nhất định. Tuy nhiên, để tăng cường sự tham gia trong chuỗi giá trị toàn cầu và có thể cạnh tranh với các DN quốc tế, vấn đề nhân lực là yếu tố quyết định.
Nguyên Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, công nghệ thì có thể mua, nhưng về quản trị và nguồn nhân lực thì khó có thể khỏa lấp. Đây chính là lỗ hổng lớn nhất của các DN và nền kinh tế nước ta.
Mở rộng 'chiếc bánh'
Mặc dù đang rất thành công với bất động sản và du lịch, nhưng cơ hội phát triển của Vingroup được xem bị giới hạn nếu bó gọn ở thị trường trong nước.
Để phát triển một hãng xe điện thành công, VinFast có kế hoạch huy động vốn trên thị trường tài chính thế giới với định giá khoảng 50 tỷ USD. Nếu thành công, tài sản của tỷ phú Vượng có thể lên tới 30 tỷ USD, đứng trong top 50 người giàu nhất thế giới.
Tại buổi nói chuyện giữa Chủ tịch Vingroup và cán bộ quản lý của Viettel vào năm 2016, ông Phạm Nhật Vượng từng đề cập đến cách tập đoàn này định hướng đầu tư ở nước ngoài. Và Chủ tịch Vingroup đã chọn VinFast để hiện thực hoá giấc mơ, khi hiện diện trên đất Mỹ với những chiếc xe điện đầu tiên tại triển lãm Los Angeles Auto Show. Không chỉ Mỹ, VinFast cũng chào sân hàng loạt thị trường lớn khác gồm Canada, Anh, Pháp và Hà Lan. VinFast có kế hoạch đặt một nhà máy ở Mỹ vào nửa cuối năm 2024.
Thaco tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. |
Hoàng Anh Gia Lại - HAGL (HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) gần đây hồi phục mạnh mẽ và có tín hiệu trở lại thời hoàng kim sau 10 năm đầu tư vào lĩnh vực nông sản với định hướng trở thành một đế chế trong khu vực.
HAGL đã phát triển được tổng diện tích trông cây ăn quả rộng khoảng 10.000ha tại cả Việt Nam, Lào và Campuchia. Mảng chăn nuôi cũng phát triển mạnh mẽ với hàng trăm nghìn heo thịt và hàng nghìn heo nái.
CTC Đầu tư Thế giới di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài là đại diện ngành bán lẻ Việt Nam bước chân ra thị trường khu vực với hệ thống Bluetronics tại Campuchia. Với 50 cửa hàng, Bluetronics đang có số lượng cửa hàng lớn nhất xứ chùa tháp.
Theo ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc MWG, doanh thu của chuỗi tới cuối 2021 đạt khoảng 500 tỷ đồng. MWG đã thành công tại Campuchia và sẽ tiếp tục hành trình chinh phục thị trường Đông Nam Á.
Trước đó, Vinamilk đã thành công ở một số thị trường quốc tế, trong đó có Trung Quốc và đang tập trung xây dựng thương hiệu toàn cầu, đặc biệt ở các khu vực trọng yếu.
Đi đầu trong xu hướng tìm hướng mới ở trên thị trường quốc tế là FPT và Viettel. Hai tập đoàn này gặt hái được nhiều thành công. FPT đặt mục tiêu trở thành một trong 50 công ty chuyển đổi số hàng đầu thế giới. Và theo chủ tịch FPT Trương Gia Bình, FPT sẽ tập trung mạnh vào những hướng đi chiến lược như điện toán đám mây (Cloud), trong đó có sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các đơn vị lớn trên thế giới, tương tự Office 365 của Microsoft.
Hiện tại, doanh thu chuyển đổi số của FPT chủ yếu đến từ nước ngoài, trong đó hợp đồng tại thị trường Mỹ mỗi năm khoảng 40-50 triệu USD. Dự báo, doanh thu và lợi nhuận mảng công nghệ của FPT sẽ tiếp tục tăng trưởng trên 20%/năm, đến từ cả thị trường trong nước và quốc tế.
Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang cũng dần khẳng định tên tuổi và vị thế trên hành trình vươn ra toàn cầu, với tầm nhìn tới 2025 là một trong 50 công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới do Tạp chí Fortune bình chọn. Trong đó, Masan High-Tech Materials đặt mục tiêu trở thành đối tác số 1 của các ngành công nghiệp công nghệ cao trên toàn thế giới.
Hướng đi mới cùng chiến lược xây dựng DN lớn mạnh, có tầm cỡ quốc tế được các chuyên gia đánh giá rất cao, dù có ý kiến cho rằng sẽ có nhiều thách thức và rủi ro. Tuy nhiên, nếu không có sự quyết đoán, táo bạo như vậy thì cơ hội bứt tốc để bắt kịp các tập đoàn lớn thế giới là rất khó khăn. Và đó là con đường đầy triển vọng để mở rộng 'chiếc bánh' lợi ích kinh tế cho DN và cả quốc gia
M. Hà
Tỷ phú Vượng vô đối, tỷ phú Long bám đuổi, bất ngờ tên tuổi mới vào Top 3
Nhiều tập đoàn lớn vừa vượt qua một năm đầy khó khăn với những kỷ lục chưa từng có về doanh thu và lợi nhuận. Số lượng DN ghi nhận lợi nhuận tỷ USD tiếp tục tăng lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét