Nắm trong tay thứ vũ khí lợi hại là hệ thống SWIFT, thế nhưng cả EU lẫn Mỹ vẫn tỏ ra chần chừ trong việc block Nga bởi những rủi ro mà họ có thể đối mặt.
Tình hình chiến sự vẫn đang diễn ra đầy căng thẳng sau 2 ngày giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine.
Sau nhiều lời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ về ngoại giao và khí tài quân sự, đến thời điểm này, chính quyền Ukraine đang hối thúc Mỹ và phương Tây cần nhanh chóng "xuống tay" loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT.
SWIFT là thứ vũ khí lợi hại gì mà Tổng thống Volodymyr Zelensky lại tỏ ra đặc biệt quan tâm như vậy? Liệu Phương Tây có dám loại Nga ra khỏi SWIFT hay không? Nga sẽ bị ảnh hưởng như thế nào nếu bị ngắt kết nối với SWIFT?...
SWIFT là gì?
SWIFT là tên viết tắt của Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication) được thành lập cách đây hơn 35 năm tại Bỉ với 239 ngân hàng trên 15 nước tham gia ngay từ những ngày đầu thành lập. Hiện nay, SWIFT đã liên kết hơn 11.000 tổ chức tài chính trên 209 quốc gia và vùng lãnh thổ.
|
SWIFT được xem là xương sống của hệ thống chuyển giao tài chính quốc tế (Ảnh: Eureporter) |
Đây là một hiệp hội mà thành viên là các ngân hàng và các tổ chức tài chính. SWIFT giúp các ngân hàng trên thế giới là thành viên của SWIFT chuyển tiền cho nhau hoặc trao đổi thông tin thông qua mã giao dịch gọi là SWIFT code. Các thành viên trao đổi thông tin/chuyển tiền cho nhau dưới dạng các SWIFT message, là các bức điện được chuẩn hóa dưới dạng các trường dữ liệu, ký hiệu để máy tính có thể nhận biết và tự động xử lý giao dịch.
Thống kê cho thấy, đã có hơn 40 triệu tin nhắn với lệnh chuyển hàng tỷ USD được gửi đi mỗi ngày thông qua SWIFT khiến nền tảng này trở thành mạng lưới thanh toán quan trọng nhất trên thế giới cho đến thời điểm hiện tại.
Do tính chất là điều khiển luồng tiền của cả thế giới nên tính bảo mật của SWIFT rất cao khiến hacker phải "bó tay" trong việc tấn công vào hệ thống này.
SWIFT hiện đang được quản lý bởi các ngân hàng trung ương thuộc nhóm G10 cũng như Ngân hàng Trung ương châu Âu với sự điều phối của Ngân hàng Quốc gia Bỉ.
SWIFT có liên quan thế nào đến Nga?
Theo Hiệp hội SWIFT Quốc gia Nga thì Nga là quốc gia có số lượng người dùng dịch vụ của SWIFT nhiều nhất thế giới, chỉ xếp sau Mỹ, với hàng trăm tổ chức tài chính của Nga là thành viên của hệ thống này.
Người biểu tình ở thủ đô Berlin (Đức) kêu gọi loại bỏ Nga ra khỏi SWIFT (Ảnh: Reuters)
Bà Alicia García Herrero, chuyên gia kinh tế chuyên trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng đầu tư Natixis có trụ sở tại Hong Kong, nói rằng, việc loại Nga ra khỏi SWIFT là một cú đánh chí mạng xuống quốc gia này.
"Sẽ là một vấn đề nghiêm trọng khi các khoản chi trả tài chính thương mại và các khoản nợ không thể thực hiện được. Nó còn đáng quan ngại hơn cả việc ngăn cản EU nhập khẩu khí đốt từ Nga", bà García Herrero giải thích.
Theo phân tích của hãng tin BBC thì các doanh nghiệp của Nga sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nếu mất đi khả năng giao dịch nhanh và thuận tiện nhờ dịch vụ do SWIFT cung cấp, trong đó, những khoản thanh toán "khủng" cho sản phẩm nông nghiệp và năng lượng chắc chắn sẽ bị gián đoạn một cách nghiêm trọng.
Hệ thống ngân hàng của Nga cũng là nhóm đối tượng chính bị ảnh hưởng trực tiếp nếu bị "ngắt" khỏi SWIFT dẫn đến sự chậm trễ trong giao dịch cũng như phải gánh chịu các khoản chi phí gia tăng. Điều này sẽ gây nên nhiều hệ lụy, trong có vấn đề sụt giảm đáng kể nguồn thu của chính phủ Nga.
Tong quá khứ, Nga cũng đã từng bị đe dọa loại khỏi SWIFT sau sự kiện sáp nhập Crimea vào năm 2014. Ngay lập tức, chính phủ Nga tuyên bố một cách cứng rắn rằng, hành động đó tương đương với lời tuyên bố chiến tranh.
Không rõ vì lý do gì mà các quốc gia phương Tây "chùn tay", nhưng sự việc này cũng đã khiến chính phủ Nga quyết định phát triển một hệ thống cơ sở hạ tầng tài chính nội địa của riêng mình, bao gồm hệ thống SPFS cho chuyển khoản ngân hàng và hệ thống Mir cho thanh toán thẻ với cơ chế hoạt động tương tự như hệ thống Visa và Mastercard.
Tuy nhiên, không mấy ngân hàng nước ngoài tỏ ra mặn mà cho việc sử dụng các hệ thống này.
Tại sao châu Âu và Mỹ chần chừ với việc loại Nga ra khỏi SWIFT?
Việc loại Nga ra khỏi hệ thống SWIFT sẽ là hành động "lợi bất cập hại" đối với châu Âu, nhất là với Đức, bởi nó sẽ gây tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Nga và ngược lại.
|
Người biểu tình ở thủ đô Berlin (Đức) kêu gọi loại bỏ Nga ra khỏi SWIFT (Ảnh: Reuters) |
Nga hiện là nhà cung cấp dầu và khí đốt tự nhiên chính cho cả Liên minh châu Âu, trong khi tìm kiếm một nhà cung cấp thay thế Nga là điều không hề dễ dàng. Giá nhiên liệu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây cũng khiến nhiều chính phủ phương Tây e ngại khi phải làm một điều gì đó khiến tình hình càng trở nên xấu đi. Với những doanh nghiệp châu Âu đang là chủ nợ của Nga thì càng lo lắng hơn nếu Nga bị cắt đứt khỏi SWIFT, đồng nghĩa với việc đòi nợ sẽ trở nên khó khăn hơn.
Bản thân Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm 24/2 thừa nhận rằng, lệnh cấm Nga là rất "nhạy cảm" đối với các quốc gia thành viên của EU, bởi quyết định đó sẽ gây ra "tác động to lớn đối với bản thân chúng ta".
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thì nhận thấy "nguy cơ cao cho nước Đức khi không thể mua được khí đốt và nguyên liệu thô khác từ Nga" nếu hệ thống SWIFT loại bỏ Nga ra khỏi cuộc chơi. Nỗi lo này cũng nhận được sự đồng tình từ một số quốc gia thành viên EU khác như Italia, Hungary, Latvia và đảo Síp.
Với Mỹ thì Tổng thống Joe Biden lại quan tâm hơn đến các phương án trừng phạt khác áp đặt lên Nga bởi chính bản thân ông cũng lo sợ nền kinh tế của Mỹ và nhiều nước sẽ bị "ăn đủ" nếu chọn cách loại Nga ra khỏi SWIFT.
Bà Liz Truss (trái) rời cuộc họp về vấn đề Nga - Ukraine hôm 25/2 (Ảnh: James Manning/PA)
Trái ngược với Mỹ và châu Âu, nước Anh lại rất sốt sắng trong việc "làm mọi cách để cùng các đồng minh của mình loại Nga ra khỏi cuộc chơi với hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT", bà Liz Truss, Thư ký Bộ ngoại giao Vương quốc Anh tuyên bố.
Nga nói gì về chuyện này?
Về phía Nga thì nguy cơ rối loạn cho hệ thống ngân hàng là khá lớn, và nền kinh tế của quốc gia này có thể sẽ "bốc hơi" khoảng 5% nếu không thể kết nối được với hệ thống SWIFT, theo dự đoán của cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cũng tỏ ra nghi ngờ về tác động của lệnh trừng phạt này đối với nền kinh tế của Nga bởi các ngân hàng của Nga có thể sẽ chuyển hướng sang cổng thanh toán của các quốc gia khác không bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận, chẳng hạn như với Trung Quốc với hệ thống thanh toán của riêng mình.
Ông Nikolay Zhuravlev, Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga cũng đã từng nghĩ đến viễn cảnh nước Nga bị "ngắt kết nối" khỏi hệ thống SWIFT.
"SWIFT là một hệ thống thanh toán, là một dịch vụ. Bởi vậy, nếu Nga bị loại khỏi SWIFT, chúng tôi sẽ không nhận được ngoại tệ. Tuy nhiên, các nước châu Âu cũng sẽ không nhận được hàng hóa của chúng tôi – dầu, khí đốt, kim loại và nhiều mặt hàng quan trọng khác", ông Zhuravlev nói với hãng thông tấn TASS.
Nga tỏ ra không quá bận tâm đến việc bị cấm gia nhập SWIFT (Ảnh: CNN)
Ông Zhuravlev cũng lưu ý rằng, mặc dù SWIFT rất tiện lợi, nhưng nó không phải là cách chuyển tiền duy nhất. Chưa kể, quyết định ngắt kết nối của Nga với hệ thống này sẽ cần có sự nhất trí đồng loạt của các thành viên của SWIFT.
"SWIFT là một công ty của châu Âu, và là một hiệp hội có liên quan tới rất nhiều quốc gia", ông Zhuravlev nói. "Để đưa ra quyết định loại bỏ Nga thì cần phải có quyết định chung mà tất cả các nước tham gia SWIFT đều nhất trí. Tôi không chắc rằng các quốc gia có hợp tác thương mại đáng kể với Nga sẽ ủng hộ điều đó"
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
Đánh vào túi tiền TT Putin: Nga thiệt nặng, toàn cầu đối mặt mối nguy
Các nước phương Tây đưa ra một quyết định chưa từng có lên Nga khi Kremlin đẩy mạnh cuộc chiến tại Ukraine. Đây là bước đầu cho một cuộc chiến có thể đẩy nền kinh tế toàn cầu vào khủng hoảng nghiêm trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét