Thứ Tư, 16 tháng 2, 2022

Khách quốc tế đến Việt Nam có thể hồi phục vào năm 2024

Năm nay, Việt Nam có thể đón lượng khách đạt 10-30% so với 2019 và kỳ vọng sẽ hồi phục hoàn toàn vào 2024. Tuy nhiên, cần sớm tháo gỡ các rào cản về chính sách nhập cảnh, y tế, sự đứt hãy chuỗi cung ứng.

Lượng khách có thể hồi phục từ năm 2024

Tại kết luận cuộc họp với các Bộ VH-TT&DL, Y tế, Ngoại giao,... ngày 16/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã đồng ý mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, bằng cả đường hàng không, đường bộ, đường biển từ 15/3.

Bộ VH-TT&DL được giao chủ trì, phối hợp để thống nhất nội dung, quy định đón khách du lịch quốc tế; hoàn thiện và khẩn trương công bố phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch, có hướng dẫn chi tiết để tổ chức thực hiện.

Về việc cấp thị thực nhập cảnh (visa), trong điều kiện bình thường mới, từ 15/3, sẽ dừng áp dụng các biện pháp giới hạn về cấp visa và thực hiện như trước khi có dịch, bao gồm cấp visa điện tử, miễn visa đơn phương, song phương. Việt Nam trước đây đã miễn visa đơn phương cho 13 nước và song phương cho 88 quốc gia/vùng lãnh thổ.

Điều đặc biệt, du khách quốc tế khi đến Việt Nam không phải đăng ký theo tour, tuyến du lịch, mà chỉ cần đáp ứng đầy đủ các quy định của Bộ Y tế. Mức phí bảo hiểm khách phải đóng, trung bình khoảng 30 USD/người, để được hưởng mức bảo hiểm 10.000 USD nếu phải điều trị Covid-19 tại Việt Nam.

{keywords}
Sau hơn 2 tháng thí điểm, Việt Nam đón được gần 10.000 khách quốc tế

Quyết định trên là tin vui với các DN ngành du lịch, khách sạn, dịch vụ. Thực tế, Tết Nguyên đán vừa qua, nhờ sự mở cửa mạnh mẽ của các điểm đến, của hàng không, đã có hơn 6 triệu lượt khách đi du lịch, với 3 triệu lượt lưu trú. Sau hai tuần, số lượng người mắc Covid-19 vẫn trong tầm kiểm soát.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Luxury Group, tự tin sẵn sàng đón khách quốc tế bất cứ lúc nào, vì hệ sinh thái DN của ông vẫn đang phục vụ tốt khách nội địa.

“Tháng 3 mở, tôi kỳ vọng tháng 6 sẽ đón được những vị khách quốc tế đầu tiên, đặc biệt với các vị khách đến châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Đức, châu Úc và một số thị trường ở châu Á”, ông nói.

Còn bà Bùi Băng Giang, CEO của Asia Exotica Vietnam, DN chuyên đón khách inbound, với lượng khách khá lớn tại các thị trường Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia và Nam Mỹ, cho rằng, năm nay, nếu may mắn, chúng ta có thể đón lượng khách trong khoảng 10-30% so với số khách của 2019, tức khoảng (khoảng 1,8-5,4 triệu khách - PV). Với số lượng đó, tốc độ hồi phục hoàn toàn như thời điểm 2018 và 2019 trong năm 2024 là có thể. Thời gian ngắn hơn có thể xảy ra, song theo bà, cần một sự ủng hộ mạnh mẽ, toàn diện của các Bộ, ngành.

Chia sẻ với báo giới, PGS.TS Phạm Trương Hoàng, Trưởng khoa Du lịch và Khách sạn (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội), cũng phân tích, năm nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón 5 triệu, năm 2026 là 18 triệu lượt khách quốc tế, bằng với khi chưa có dịch bệnh. Ông cho hay điều này là khả thi và thậm chí có thể đạt con số này sớm hơn, vào năm 2024.

Nỗi lo thị thực và đứt gãy chuỗi cung ứng

Trao đổi với PV. VietNamNet, bà Bùi Băng Giang tin rằng du lịch Việt Nam sẽ sớm hồi phục. Tuy nhiên, tốc độ hồi phục vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, đó là việc dỡ bỏ hoàn toàn các rào cản, tần suất và giá vé máy bay, chi phí các dịch vụ sau đại dịch, tâm lý khách hàng và tình hình kiểm soát dịch bệnh tại đất nước của khách.

Ví dụ đơn giản nhất là việc lấy 1 test PCR, bà Giang cho hay thông thường ở nước ngoài rất đắt và mất thời gian. Để một gia đình 4 người (2 người lớn, 2 trẻ em) nghỉ hẳn một ngày và trả mỗi người khoảng 100 USD để test PCR trước 72h là điều hầu như không khách nào muốn làm. Như vậy, một gia đình test một lần đã mất 400 USD, chưa kể lúc đến/về từ Việt Nam cũng phải test thêm.

Ngoài ra, ngay cả khi Chính phủ dỡ bỏ rào cản tần suất bay, nhưng khi không có đủ khách thì các hãng hàng không cũng không thể nào đưa khách tới Việt Nam, hoặc có đưa với một mức vé rất đắt.

Đại diện một hãng bay trong nước thừa nhận, với các chuyến bay quốc tế đến một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, họ vẫn đang bay một chiều rỗng do chính sách hạn chế khách nhập cảnh từ Việt Nam.

“Nói như thế để hiểu rằng các quyết tâm mang tính hành chính riêng là chưa đủ để khách đến với chúng ta”, bà Giang phân tích.

{keywords}
Khách quốc tế cần ít nhất vài tháng để ra quyết định đi du lịch (ảnh minh họa).

Covid-19 đã làm đứt gẫy và sụp đổ nhiều mắt xích quan trọng của ngành du lịch, theo bà Giang. Điều này cũng khiến ông Phạm Văn Hà lo ngại. Việc đứt gãy các chuỗi cung ứng như vận chuyển (nhà xe cần bảo dưỡng, sửa chữa sau 2 năm đắp chiếu), khách sạn (không phải tất cả đều mở cửa), hướng dẫn viên, nhân sự du lịch không có... khiến việc hồi phục khó có thể nhanh được, mà chỉ có thể từ từ.

“Chúng ta quá rụt rè, cầu toàn dẫn tới chậm chạp, chậm cả truyền thông ra quốc tế. Trong khi Thái Lan đã mở cửa cả năm qua, thì Việt Nam cần có sự vào cuộc thực sự. Các Bộ ngành đã đồng lòng, nhưng cần sự thống nhất từ TƯ đến địa phương. Ngoài ra, vai trò của Bộ VH-TT&DL là rất quan trọng trong việc quyết định DN nào làm, mở thị trường nào trước để tập trung xúc tiến, chứ không thể nói chung chung”, ông Hà kiến nghị.

Theo ông Hà, các DN đang cần hỗ trợ về dòng tiền, nhân lực, sản phẩm mới phù hợp vì hành vi của khách quốc tế đã hoàn toàn thay đổi sau đại dịch.

Đó cũng là đề xuất của bà Giang khi cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ ngành du lịch (thuế phí, ưu đãi vốn... ) cho khách sạn, nhà hàng và các công ty lữ hành.

Ngoài ra, đó chính là chính sách visa. Ngay thời điểm trước dịch, chính sách thị thực của Việt Nam vẫn là khó khăn nhất trong số các nước châu Á khi thua xa Thái Lan, Campuchia và Malaysia, bà nhận xét. Do đó, đây là cơ hội để chúng ta cải cách lại chế độ thị thực thông thoáng và học các nước bạn láng giềng về mức độ mở cửa.

Ông Nguyễn Ngọc Toản, Tổng giám đốc Images Travel, nhấn mạnh, chỉ khi nào chính sách visa hồi phục lại như cũ thì doanh nghiệp lữ hành mới hy vọng đón khách quốc tế vào một cách bình thường. Chính sách này cũng cần công bố sớm, bởi đây là yếu tố quan trọng để khách ra quyết định chọn điểm đến nào.

Cuối cùng là nỗ lực quảng bá. Ngoài sự nỗ lực của các DN (mà nguồn lực đã cạn sau đại dịch), như Asia Exotica Vietnam tháng 1 vừa rồi vẫn tham dự hội chợ du lịch quốc tế tại Tây Ban Nha và tháng 4 tới sẽ đi Brazil để tái khởi động thị trường, thì cần thấy vai trò của cơ quan Nhà nước.

Bà Giang đánh giá, sau đại dịch nhiều nước tăng cường chi tiêu, quảng bá, thu hút khách nước ngoài tới nước họ thì các hoạt động quảng bá của ta quá yếu ớt. Ngân sách hầu như không có. Đây cũng là lúc chúng ta nhìn lại và cải tổ để có các hoạt động quảng bá chuyên nghiệp mang tính cạnh tranh cao.

Rõ ràng, thời điểm này, việc kiểm soát dịch bệnh vẫn là điều quan trọng. Tuy nhiên, các chuyên gia, DN du lịch cho rằng, chừng nào Việt Nam chưa bỏ hoàn toàn các hạn chế đi lại, tháo gỡ nút thắt về chính sách nhập cảnh và biện pháp y tế thì lúc đó khó mong du lịch hồi phục.

Hà Yên

Quyết mở càng sớm càng tốt, không chờ đến 1/5

Quyết mở càng sớm càng tốt, không chờ đến 1/5

Rất nhiều ý kiến đề xuất, cần mở cửa đón khách quốc tế càng sớm càng tốt, không cần chờ đến 30/4-15. Theo chuyên gia dịch tễ học, chúng ta chỉ đóng cửa khi chờ vắc xin, còn đạt miễn dịch rồi thì đóng đến bao giờ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét