Các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi sau Tết. Lãi suất gửi tiết kiệm online đang cao hơn gửi tại quầy từ 0,1 đến hơn 1%/năm. Lãi suất gửi tiết kiệm online hiện cao nhất là 7,4%/năm.
Sau Tết, đồng loạt tăng lãi suất
Nhiều ngân hàng vừa tiến hành điều chỉnh tăng lãi suất huy động, có ngân hàng tăng tới 0,5 điểm phần trăm để hút nguồn tiền nhàn rỗi của khách hàng.
Đơn cử, VPBank vừa tăng lãi suất huy động cho kỳ hạn 6 và 9 tháng thêm 0,2%. Đồng thời, ngân hàng này cũng tăng 0,5% lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn 12 tháng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) trong tháng 1/2022 tiến hành tăng lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn. Trong đó, lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng tăng từ 6,45% lên 6,65%; kỳ hạn 7 tháng tăng từ 6,55% lên 6,7%; kỳ hạn 12 tháng tăng từ 6,8% lên 7%; kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng tăng 0,2%, lên 7,35%/năm.
Tương tự, SaigonBank cũng vừa điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. ACB và VietCapitalBank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho kỳ hạn ngắn ở mức 0,1-0,2%/năm. Techcombank tăng lãi suất tiền gửi từ 0,15-0,8%. Sacombank tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn lên 0,2%. OceanBank cũng tăng lãi suất huy động từ 0,1-0,5% với nhiều kỳ hạn.
Lãi suất gửi tiết kiệm online cao hơn gửi tại quầy (Ảnh minh họa) |
Trong khi nhiều ngân hàng thực hiện tăng lãi suất huy động thì một số ngân hàng lại tiến hành giảm lãi. Có thể kể đến trường hợp SeABank giảm 0,05% lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng. Hay MSB hạ lãi suất huy động ở tất cả kỳ hạn phổ biến với mức từ 0,05-0,4%.
Dù có một số ngân hàng hạ lãi suất, song nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đã cao hơn khá nhiều so với thời điểm giữa năm 2021.
Theo biểu lãi suất tại hơn 30 ngân hàng vào ngày 6/2, mức lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 7,6%/năm, thuộc về ngân hàng SCB. Điều kiện là khách hàng cần có 500 tỷ đồng và gửi 13 tháng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ. Techcombank, ACB, MSB cũng có lãi suất cao nhất trên 7%/năm song chỉ áp dụng cho số tiền cực lớn, từ hàng trăm tỷ đồng trở lên.
Ở từng kỳ hạn, lãi suất huy động giữa các ngân hàng có sự chênh lệch khá lớn. Trong đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng tại quầy dao động từ 2,5-4%. Ở kỳ hạn 3 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 3,2-4%.
Trong khi đó, với kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy dao động từ 4-6,6%. Đối với kỳ hạn 12 tháng, mức lãi suất huy động tại quầy là 4,85-7%. Tại kỳ hạn 13 tháng, lãi suất huy động tại quầy quanh mức 5,1-6,8%. Với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất huy động tại quầy trong khoảng 5,5-7%. Với các kỳ hạn 24 tháng và 36 tháng, các ngân hàng đưa ra mức lãi suất huy động quanh mức 5,3-7%.
Để khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến, nhiều nhà băng đã tăng lãi suất với hình thức gửi tiền online. Mức lãi suất mà các ngân hàng cộng thêm cho hình thức gửi online phổ biến là 0,1-0,3 điểm %/năm nhưng cũng có nhà băng cộng thêm tới hơn 1 %/năm ở một số kỳ hạn. Hiện nay, lãi suất gửi tiết kiệm online cao nhất là 7,4%/năm.
Lãi suất huy động chỉ tăng trong ngắn hạn
Xu hướng tăng lãi suất huy động đã xuất hiện ở nhiều ngân hàng ngay trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Có thể thấy, trong bối cảnh dòng tiền đang chảy nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản thì việc tăng lãi suất là điều dễ hiểu để thu hút dòng tiền nhàn rỗi trở lại ngân hàng. Đây là tín hiệu cho thấy lãi suất tiền gửi ngân hàng sắp tới sẽ hấp dẫn hơn.
Gửi tiết kiệm đang trở thành kênh đầu tư được nhiều người chú ý. |
Gửi tiết kiệm đang trở thành kênh đầu tư được nhiều người chú ý do thị trường chứng khoán chao đảo, bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, các ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân, đáp ứng nhu cầu cho vay dịp cao điểm sau Tết.
Không chỉ tăng lãi suất, nhiều ngân hàng còn tặng lì xì và quà cho khách đến gửi tiền nhân dịp năm mới. Một số nhà băng còn có chương trình bốc thăm may mắn với phần quà giá trị lớn.
Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều người có thói quen gửi tiết kiệm ngân hàng để đầu tư và "lấy may" đầu năm. Tuy nhiên, một số người có tâm lý chờ đợi để được hưởng lãi suất cao hơn.
Trong năm nay, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo, lãi suất huy động chỉ tăng trong ngắn hạn và áp lực tăng sẽ không lớn. Lãi suất huy động có thể đi ngang, hoặc tăng nhẹ cục bộ với mức tăng khoảng 50 điểm.
Theo VCBS, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước là đảm bảo thanh khoản hệ thống, giữ lãi suất huy động ở mặt bằng thấp và dành nguồn lực để xử lý nợ xấu. Áp lực tăng lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm nay, khi các ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay.
Còn Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, mặt bằng lãi suất huy động năm 2022 khó giảm thêm so với cuối năm 2021 và nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh 0,25-0,5 điểm %), nhất là vào nửa cuối năm 2022.
Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, lãi suất huy động trong năm 2022 sẽ tăng 0,3-0,5 điểm %. Nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng và áp lực lạm phát cộng thêm sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn khác như BĐS và chứng khoán có thể khiến lãi suất đi lên.
Tuấn Dũng
Đồng loạt tăng lãi suất huy động, hút tiền cuối năm trong dân
Bước sang năm 2022, nhiều ngân hàng có động thái tăng lãi suất huy động để thu hút tiền nhàn rỗi của người dân. Mức lãi suất cao nhất hiện nay là 7,6%/năm dành cho khách hàng có 500 tỷ đồng trở lên và gửi 13 tháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét