Theo Cục Quản lý giá, trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá xăng dầu thế giới.
Báo cáo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, tình hình giá cả thị trường trước và trong Tết từ ngày 31/1 đến 2/2 (tức từ ngày 29 tháng Chạp đến ngày mùng 2 Tết) giá cả bình ổn, không có dấu hiệu khan hàng, sốt giá. Nhưng sau Tết, có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá.
Trong đó, giá gas, giá xăng dầu đang chịu tác động rất lớn từ thị trường thế giới. Giá bán lẻ gas bắt đầu tăng từ ngày 1/2 (tức ngày Mùng 1 Tết) do tác động của giá thế giới tăng.
Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Do đó, trong kỳ điều hành ngày 11/2, giá xăng dầu trong nước sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.
Giá xăng dầu trong nước có thể tăng mạnh theo giá xăng dầu thế giới. |
Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt. Các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Mặt khác, chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch cùng với lao động thiếu hụt cũng đẩy áp lực lên chi phí sản xuất.
Hơn nữa, theo nhiều chuyên gia, việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn - nhà máy lọc dầu lớn nhất Việt Nam - đứng trước nguy cơ phải tạm dừng hoạt động do khó khăn về tài chính sẽ tác động rất lớn đến nguồn cung xăng dầu trong nước.
So với nhu cầu xăng dầu trong nước khoảng 18 triệu tấn/năm, sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu (xăng sản xuất trong nước đáp ứng trên 90% và dầu DO đáp ứng trên 60%). Bộ Công Thương dự báo thị trường xăng dầu Việt Nam trong những năm tới sẽ tăng trưởng ở mức 5-10%.
Nguồn cung xăng dầu ở Việt Nam hiện còn phụ thuộc khá lớn vào thị trường thế giới. Trong khi đó, giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng cao.
Giá dầu thế giới tăng 'sốc' vào ngày 4/2 do bão tuyết hoành hành tại nhiều khu vực ở Mỹ gây lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung. Có thời điểm, giá dầu Brent đã leo đến mốc 93,7 USD/thùng, còn giá dầu WTI vọt lên ngưỡng 93,17 USD. Đây là mức giá cao nhất của giá dầu Brent và giá dầu WTI kể từ tháng 10/2014.
Tới phiên giao dịch ngày 5/2 và 6/2, giá dầu thế giới vẫn ở xu hướng tăng. Tuy nhiên, tới ngày 7/2, giá dầu Brent và dầu WTI đồng loạt quay đầu giảm xuống dưới 93 USD/thùng. Cả hai loại dầu thô đã có tuần tăng thứ 7 liên tiếp, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.
Giá dầu thế giới tăng mạnh đã khiến xăng dầu ở Việt Nam leo thang. Giá xăng dầu trong nước đã có 3 lần tăng liên tiếp.
Các chuyên gia dự báo, giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh giá ngày 11/2 được dự báo sẽ tăng mạnh theo giá xăng dầu thế giới.
Trước đó, trong kỳ điều hành ngày 21/1, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá xăng dầu. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 436 đồng/lít, không cao hơn 23.595 đồng/lít. Giá xăng RON95-III tăng 484 đồng/lít, không cao hơn 24.360 đồng/lít.
Giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 18.903 đồng/lít, tăng 664 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 17.793 đồng/lít, tăng 655 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.993 đồng/kg, tăng 631 đồng/kg.
Anh Tuấn
Giá dầu lên cao nhất 8 năm, giá xăng trong nước chờ đợt tăng mạnh
Giá dầu Brent và dầu WTI đã vượt mốc 93 USD/thùng, mức cao nhất trong vòng gần 8 năm qua. Còn giá xăng dầu trong nước ở phiên điều chỉnh sắp tới được dự báo sẽ tăng theo giá xăng dầu thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét