Thứ Ba, 1 tháng 2, 2022

Ghé thăm ‘thủ phủ tôm hùm thế giới’

Đã đi biển Parlee, chắc sẽ không quên ghé thăm thị trấn Shediac xinh xắn, dân số chưa đến 6.000 người, nhưng được ví là “Thủ đô tôm hùm của thế giới” nhờ thiên nhiên ưu đãi nguồn thủy sản dồi dào hàng đầu vùng biển Đại Tây Dương.

Bí ẩn bãi thủy triều cao 16m

Sau một đêm ngủ tại TP. Moncton thuộc bang New Brunswick (Canada), sáng hôm sau, mọi người trực chỉ đi Mũi Hopewell - một địa danh mà người ta thường rủ nhau ghé thăm vào những ngày cuối thu trước khi không khí trở nên lạnh buốt.

Quả thật đây là lựa chọn sáng suốt, bởi suốt cả chặng đường hơn trăm cây số, chúng tôi như đi dưới tán cây màu đỏ, cam, vàng của những cây phong, sồi, bạch dương cổ thụ mọc bên đường. Những lúc xe lên đỉnh dốc, ngắm nhìn cả một thảm màu rực rỡ phủ khắp thung lũng hoang vắng, mơ màng được điểm xuyết bởi sắc màu xanh trong vời vợi của ao hồ mấy ai tránh khỏi cảm giác bồi hồi, lưu luyến.

{keywords}
Những cây phong, sồi cổ thụ mọc với tán cây chuyển lá màu vàng quyến rũ. Ảnh Trần Thế Dũng
{keywords}
Rừng chuyển dần sang sắc vàng rồi hồng phấn, đỏ, cam rực rỡ, tạo nên khung cảnh lãng mạn như miền cổ tích. Ảnh Trần Thế Dũng

Xế trưa, một cảnh biển sắc màu đỏ mênh mang bên cánh rừng nguyên sinh xuất hiện trước mắt chúng tôi. Đó là Mũi Hopewell trong Khu dự trữ sinh quyển Fundy đã được UNESCO công nhận. Nơi đây, mỗi ngày đều đặn hai lần tức cứ sau 12 tiếng đồng hồ thủy triều mang theo 160 tỷ tấn nước biển, chảy ra vào vịnh hình phễu khiến mực nước khi dâng cao, lúc hạ thấp chênh lệch tới 16 mét tương đương tòa nhà hơn 4 tầng. Mũi Hopewell trở thành là nơi có thủy triều cao nhất trên thế giới.

Vì thế, tranh thủ lúc mực nước biển xuống thấp, những người thích khám phá không dễ bỏ qua cơ hội dạo chơi trên bãi bồi xa ngút tầm mắt và nhìn cận cảnh vô số cánh chim bay tìm thức ăn là các loài giáp xác giàu chất dinh dưỡng, hoặc khách chụp ảnh bên tảng đá nguyên khối hình dạng kỳ dị mà vài ba tiếng đồng hồ trước đây là lòng đại dương ngập sâu dưới nước.

Người bạn đồng hành của tôi - Anh Đỗ Thành - đã đến đây hai năm trước, cho biết: Do dòng triều đổi hướng lên xuống rất nhanh, khoảng 2 m/giờ và kéo dài 6 giờ nên nguy hiểm vô cùng, nhất là khi triều cường.

Đề phòng du khách có thể gặp rủi ro, trong mùa du lịch, ngoài việc cập nhật thông tin giờ giấc nước biển rút đi hàng ngày, nhà chức trách còn hú còi cảnh báo trước thời điểm nước bắt đầu tràn vào để nhắc mọi người sớm lên bờ. Thậm chí, các nhân viên kiểm lâm sẽ quyết liệt buộc khách nhanh chóng rời khỏi khu vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, khi đã đến Mũi Hopewell, du khách không thể không đến điểm nhấn chính là Hopewell Rocks - quần thể cột đá, vách đá được chạm khắc từ những đợt thủy triều hung dữ suốt 10.000 năm qua. Để đến đó, chúng tôi phải tản bộ hơn tiếng đồng hồ trên đường mòn toàn loài thông lá kim phẳng và bắt gặp những chú sóc đất lông vàng, sóc xám chạy nhảy, leo trèo, quấn quýt chân khách rất đáng yêu.

{keywords}
Quần thể cột đá, vách đá sa thạch được chạm khắc từ những đợt thủy triều. Ảnh Trần Thế Dũng

Giống hầu hết các khu du lịch ngoài trời ở Canada, khu Hopewell Rocks cũng đóng cửa nghỉ đông, được nhận diện qua hệ thống biển báo nguy hiểm cùng những thanh chắn kiên cố lắp đặt trên bậc cầu thang dẫn xuống biển.

Tuy thế, từ đài quan sát bên rẻo núi, chúng tôi vẫn chứng kiến một số cột đá dần dần lộ diện lúc triều xuống. Chúng thật sự đã truyền cảm hứng, để những vị khách kiên nhẫn chờ đợi đến khi phô diễn hoàn toàn những khối đá sa thạch khổng lồ, cao từ 15 đến 25 mét, do nước biển xâm thực tách ra từ vách núi rồi tiếp tục bào mòn dưới chân đế, tạo thành hình tượng lọ hoa, con gấu, voi, vòm trời,... cùng các hang động phơi mình trên thềm cát đỏ mênh mông.

Thủ đô tôm hùm thế giới

Đã đi biển Parlee, chắc sẽ không quên ghé thăm thị trấn Shediac xinh xắn, dân số chưa đến 6.000 người, nhưng được ví là “Thủ đô tôm hùm của thế giới” nhờ thiên nhiên ưu đãi nguồn thủy sản dồi dào đứng hàng đầu vùng biển Đại Tây Dương.

Thế nên, không có gì ngạc nhiên khi bắt đầu từ năm 1861, Shediac đã có trang trại nuôi tôm hùm và nhiều cơ sở chế biến, đóng hộp xuất đi các nước trên thế giới. Để quảng bá ngành công nghiệp sản xuất tôm hùm và khẳng định sự giàu có từ sản vật trời cho này, vào năm 1949, thị trấn tổ chức Lễ hội tôm hùm Shediac đầu tiên.

{keywords}
Tượng đài con tôm hùm bằng bê tông cốt thép tọa lạc ngay cửa ngõ vào thị trấn. Ảnh Trần Thế Dũng

Từ đó, đã thành truyền thống, những ngày đầu tháng 7, người dân dành hẳn 4 ngày mang đến cho công chúng một lễ hội độc đáo có một không hai trên thế giới. Cho dù khách ngẫu nhiên qua đây, hay là người chuyên tìm hiểu văn hóa ẩm thực, hoặc đơn thuần là khách lữ hành,... thật khó có thể quay lưng.

Nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi, có khu vực hội chợ giới thiệu mặt hàng thủ công mỹ nghệ, khu giải trí vui chơi dành cho giới trẻ, những cuộc diễu hành đường phố... Bên cạnh đó, khách có thể cháy hết mình vào buổi trình diễn âm nhạc mỗi tối hay vỡ òa, mãn nhãn trước màn pháo hoa nghệ thuật hàng đêm. Cũng không thể thiếu phố ẩm thực, với nhiều nhà hàng giới thiệu các món ăn tuyệt hảo lấy cảm hứng từ tôm hùm. 

Đặc biệt, không gian cuộc thi chế biến món ăn tôm hùm luôn là điểm nhấn của lễ hội, bất kỳ những ai là đầu bếp chuyên nghiệp hoặc có kỹ năng nấu ăn đều có dịp tham gia. Vừa được hòa mình trong không khí hội hè, vừa được trổ tài, nêm nếm món ăn do tự tay mình nấu nướng và biết đâu lại rinh luôn giải thưởng về, ai mà chẳng thấy hào hứng.  

Không chỉ đề cao trong lễ hội, con tôm hùm được tôn vinh là biểu tượng kinh tế chính của địa phương qua tượng đài bằng bê tông cốt thép, tọa lạc bên hồ nước thoáng đãng, ngay cửa ngõ vào thị trấn. Đó là kiệt tác về loài động vật giáp xác biển lớn nhất thế giới, với chi tiết hoàn hảo có chiều dài 10,7m, chiều cao 5m, nặng 90 tấn, do nhà điêu khắc lừng danh Winston Bronnum thực hiện mất 3 năm với chi phí 180.000 USD.   

{keywords}
Cận cảnh kiệt tác con tôm hùm lớn nhất thế giới với chi tiết hoàn hảo. Ảnh Trần Thế Dũng

Ngẫm ra, cách làm kinh tế của họ thật tài tình. Ngoài ý nghĩa ca ngợi giá trị ngành xuất khẩu thủy sản, những ngày lễ hội tưng bừng cùng kiệt tác “vua hải sản” mang dáng vẻ hoành tráng còn tạo nên sự kiện văn hóa ẩm thực và điểm đến du lịch nổi tiếng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế quê hương. Quả là “nhất cử lưỡng tiện”.  

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Tới cái nôi của con tôm hùm Alaska vài ba tiếng, chúng tôi đã rút ra một kinh nghiệm khá thú vị. Nên chọn con tôm hùm tươi sống cân nặng bao nhiêu sẽ cho thịt vừa săn, vừa mềm, vị ngọt đậm đà? Tốt nhất, hãy chọn ngay chú tôm hùm có trọng lượng từ 1,4-1,8 pound (700gram đến dưới 1 kg). Tuy nhiên, có con nặng trên 2 pound (hơn 1kg) chất lượng vẫn ngon, mềm, thịt, gạch lấp đầy trong lớp vỏ. Với những chú tôm hùm cỡ cực lớn, nặng từ 6 pound (gần 3kg) trở lên, thịt lại dai, nhạt nhẽo, đôi khi teo tóp,... mua về chỉ để nấu canh.

Những ngày rong chơi vùng Atlantic bên bờ Đại Tây Dương, chúng tôi có dịp thưởng thức nhiều món ngon chế biến từ tôm hùm, như món Lobster roll tức bánh mì sandwich cuộn đầy ắp thịt tôm hùm, món hấp Island seafood boil hỗn hợp các loài động vật có vỏ, hay phổ biến như tôm hùm hấp cả con ăn kèm với bơ, rau củ,... Nhưng ăn một lần nhớ mãi là món tôm hùm tẩm bột bắp, tiêu chiên giòn do chị Trần Thị Thu - người Việt kiều gốc Tiền Giang sống tại TP. Halifax - trực tiếp chế biến chiêu đãi mọi người trước lúc chia tay

Trần Thế Dũng (Công ty Du lịch Thế Hệ Trẻ TP.HCM)

Đến Calgary, xem lễ hội cao bồi lớn nhất thế giới

Đến Calgary, xem lễ hội cao bồi lớn nhất thế giới

Thành phố Calgary còn mang một tên gần gũi khác là “Cowtown”. Tại đây hàng năm tổ chức lễ hội Calgary Stampede - Lễ hội cao bồi lớn nhất thế giới - hầu làm sống lại không khí vùng đồng cỏ miền Tây hoang dã hơn trăm năm về trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét