Những ngày đầu năm mới, dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam có nhiều tín hiệu tích cực. Sau một năm rút ròng mạnh trên thị trường chứng khoán, dòng tiền này được dự báo sẽ tích cực hơn trong 2022.
Thương vụ đầu năm mới
Quỹ đầu tư Arisaig Asia Fund Limited vừa thông báo mua vào thành công hơn 1,3 triệu cổ phiếu MWG của CTCP Đầu tư Thế giới Di động trong ngày 10/1, nhằm tăng quy mô đầu tư.
Như vậy, quỹ ngoại này đã chi gần 180 tỷ đồng gom thêm cổ phiếu Việt. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của Arisaig Asia tại MWG tăng từ 6,99% vốn (48,8 triệu cổ phiếu) lên mức 7,18% vốn (51,2 triệu cổ phiếu).
Quỹ Arisaig Asia, thành viên thuộc Arisaig Partners của Singapore, chuyên đầu tư vào ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG, dịch vụ tiêu dùng và bán lẻ, hiện nắm giữ số cổ phiếu MWG trị giá hơn 6.900 tỷ đồng.
Cũng ngay đầu năm mới, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VPBank (VPB) cũng xin ý kiến cổ đông điều chỉnh nâng ''room" ngoại lên 17,5%, thay vì 15% kế hoạch ban đầu, để triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại trong việc mua bán trên thị trường chứng khoán.
Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư nước ngoài |
Kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài được VPBank đưa ra tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Đối tác đang được đồn đoán là SMBC (Nhật Bản), cũng chính là đối tác mua lại 49% vốn FE Credit với giá trị kỷ lục gần 1,4 tỷ USD.
Có thể thấy, những tín hiệu đầu năm là khá tích cực. Trong năm 2021, khối ngoại bán ròng 2,3 tỷ USD nhưng còn giữ một phần lớn tiền trên tài khoản.
Ở mảng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam ghi nhận những tín hiệu tích cực ngay đầu năm mới.
Tập đoàn Goertek được Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh sau khi quyết định tăng vốn thêm 400 triệu USD. T&T Group của ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) và 3 đối tác Hàn Quốc (Hanwah, Kosspo, Kogas) hôm 15/1 đã khởi công dự án điện khí 2,3 tỷ USD tại Quảng Trị, với công suất giai đoạn 1 là 1.500MW. Dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026-2027.
Bắc Giang cũng vừa cấp chứng nhận đầu tư cho một số dự án FDI như FUSHINI Việt Nam, Zhengzhou Boruikate Tools, Bất động sản Capella... Đây là bước khởi đầu thuận lợi cho việc đón những dự án đầu tư tiếp theo đổ vào Bắc Giang.
Trong buổi nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 200 ha đất công nghiệp tại tỉnh Hưng Yên của Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) vừa qua, DN của ông Đặng Thành Tâm đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giá trị 1 tỷ USD với khách hàng tiềm năng đầu tiên: ACI Capital.
Việt Nam được dự báo có thể thu hút được 40 tỷ USD vốn FDI trong năm 2022 sau thành công với trên 31,15 tỷ USD vốn FDI cam kết trong năm 2021.
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, tin vào một triển vọng tươi sáng cho năm mới, khi mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã ký và sự hồi phục của nền kinh tế. Các đường bay quốc tế được mở lại, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ trở nên thuận lợi hơn.
Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) - cho rằng, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam dự kiến sẽ cải thiện ở các tháng cuối năm 2022, khi đại dịch được kiểm soát, nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn được đưa ra và các doanh nghiệp dần hồi phục.
Tăng tốc và bùng nổ sau đại dịch
Vài năm gần đây, các nhà đầu tư Thái Lan đổ một lượng tiền lớn đầu tư vào Việt Nam qua các thương vụ mua bán cổ phần tại các DN như bia, nhựa, xi măng... Đại diện ThaiCham cho biết, các nhà đầu tư Thái sẽ rót thêm vài tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới, trong các lĩnh vực tiềm năng như sản xuất, bán lẻ, năng lượng...
Với dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), Công ty Chứng khoán SSI thấy được sự tích cực về dòng tiền trong tháng 12, sau gần một năm bán ròng liên tục. SSI kỳ vọng dòng vốn từ các quỹ đầu tư sẽ quay trở lại, đặc biệt là các quỹ ETF.
Ngoài ra, các yếu tố hỗ trợ thị trường trong kịch bản lạc quan là chuyện nâng cấp công nghệ của sàn giao dịch (triển khai T0, mô hình bù trừ thanh toán trung tâm,... ) và khả năng nâng hạng Việt Nam lên thị trường mới nổi, quá trình thoái vốn cổ phần hoá sôi động trở lại và chuyện mở room ngoại.
Hàng không sẽ nhộp nhịp trở lại sau vài năm vắng khách vì Covid. |
Gần đây, các cơ quan quản lý có nhiều động thái mạnh tay với những sai phạm trên sàn chứng khoán để nâng cao tính minh bạch cũng như chất lượng hàng hóa trên sàn. Về lâu dài, đây là cơ sở để thị trường được nâng hạng và hút dòng vốn ngoại ở quy mô lớn hơn nhiều lần.
Sự lớn mạnh của các tập đoàn lớn trong nước như T&T, Hòa Phát, Masan, Vingroup,... và nhu cầu hợp tác với các tập đoàn nước ngoài cũng góp phần hút dòng vốn ngoại.
Về mô hình kinh doanh, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, Việt Nam sẽ đẩy mạnh cải thiện thể chế, hành lang pháp lý để môi trường đầu tư an toàn và có chất lượng cao hơn. Bức tranh đầu tư tại Việt Nam qua đó sẽ sáng sủa hơn.
Có thể thấy, bất chấp những tác động của dịch bệnh Covid-19, Việt Nam vẫn thu hút được một lượng lớn vốn FDI trong năm 2021 và triển vọng được dự báo lạc quan trong 2022. Việt Nam vẫn được xem là nơi có nền tảng tốt và hấp dẫn trong dài hạn.
Viện nghiên cứu quốc tế Singapore (SIIA) đánh giá, Việt Nam vẫn được giới đầu tư quốc tế xác định là điểm đến hấp dẫn. Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam.
Trong báo cáo Điểm lại cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, ấn bản Tháng 1/2022 vừa công bố, WB cho rằng, nền kinh tế Việt Nam khởi sắc trong năm 2022 với tăng trưởng GDP ở mức 5,5% và được dự báo sẽ bắt đầu quay về lộ trình tăng trưởng trước Covid vào năm 2023, khi nhu cầu trong nước phục hồi đầy đủ và không có các cú sốc mới.
Bà Dorsatin Madani, Chuyên gia Kinh tế cao cấp WB, nhận định, khác nhiều quốc gia, Việt Nam còn dư địa tài khóa đáng kể, nhưng chưa sử dụng đủ để hỗ trợ nền kinh tế. Chính sách tài khóa mở rộng có thể được triển khai mà không gây tác động lớn đến cân đối tài khóa và nợ vẫn được duy trì bền vững trong ngắn hạn và trung hạn.
Viễn cảnh nền kinh tế Việt Nam được đánh giá tiếp tục ổn định và vào một thời kỳ bùng nổ trở lại từ 2023.
M. Hà
Kinh tế toàn cầu rất khó khăn, nỗi lo cú sốc 'hạ cánh cứng'
Nền kinh tế toàn cầu đang rơi vào một giai đoạn rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại và dự báo kéo dài tới năm 2023, gia tăng nguy cơ “hạ cánh cứng” ở các nền kinh tế đang phát triển - Ngân hàng Thế giới nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét