Từ tháng 2/2022, hàng loạt chính sách mới ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động chính thức có hiệu lực như điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội, tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ.
Điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH)
Theo Thông tư 36/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 20/2/2022, tiền lương tháng đã đóng BHXH đối với người lao động đóng BHXH bắt buộc được điều chỉnh theo công thức sau:
Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm x Mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng.
Trong đó, mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng như sau:
Với người lao động vừa có thời gian đóng BHXH thuộc đối tượng thực hiện tiền lương do Nhà nước quy định vừa có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì:
Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định từ ngày 1/1/2016 trở đi và tiền lương tháng đã đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định được điều chỉnh theo quy định trên.
Ảnh minh họa |
Tăng thời gian làm thêm tối đa với lao động thời vụ
Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ 1/2/2022 quy định, thời gian làm việc, làm thêm tối đa của người làm công việc thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng tăng 12 giờ/tuần và 8 giờ/tháng.
- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 12 giờ/ngày.
- Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm không quá 72 giờ/tuần. (trước là 60 giờ/tuần).
- Tổng số giờ làm thêm không quá 40 giờ/tháng. (trước là 32 giờ/tháng)
- Tổng số giờ làm thêm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ/năm.
Tăng mức hỗ trợ cho người lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước
Quyết định 40/2021/QĐ-TTg tăng mức hỗ trợ cho người lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động từ Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước. Cụ thể:
- Trường hợp người lao động phải về nước trước thời hạn do bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, ốm đau, bệnh tật đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài.
Mức hỗ trợ: từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng/trường hợp. (Hiện nay, theo Quyết định 144/2007/QĐ-TTg, mức hỗ trợ là 5.000.000 đồng/trường hợp).
- Hỗ trợ thân nhân của người lao động bị chết, mất tích trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Mức hỗ trợ: 40.000.000 đồng/trường hợp. (Hiện nay, mức hỗ trợ cho thân nhân của người lao động bị chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài là 10.000.000 đồng/trường hợp).
Quyết định 40/2021/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/2/2022.
Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới xuất khẩu lao động
Theo Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian nhưng không được vượt quá 0,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động cho mỗi 12 tháng làm việc.
Trường hợp hợp đồng lao động có thời hạn làm việc từ 36 tháng trở lên thì mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới không quá 1,5 tháng tiền lương theo hợp đồng của người lao động.
Mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể được quy định tại Phụ lục X Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH, chẳng hạn:
- Mọi ngành, nghề tại thị trường Nhật Bản là 0 đồng;
- Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải tại thị trường Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc: 0 đồng.
Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 và thay thế Thông tư 21/2013/TT-BLĐTBXH ngày 10/10/2013.
Quy định mới về xuất xứ hàng hóa
Nghị định 111/2021/NĐ-CP ban hành ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 15/02/2022.
Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Ảnh minh họa |
Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.
Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.
Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.
Hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi
Có hiệu lực từ ngày 2/2/2022, Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn.
Thông tư quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:
- Khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.
- Chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.
- Tái xuất: Áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.
- Tiêu hủy: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.
Phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản
Thông tư số 112/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí trong lĩnh vực quản lý nuôi trồng thủy sản có hiệu lực từ ngày 1/2/2022.
Theo đó, phí thẩm định kinh doanh có điều kiện thuộc lĩnh vực thủy sản là 5,7 triệu đồng/lần.
Bổ sung chức danh di sản viên hạng I, lương hơn 11 triệu đồng/tháng
Thông tư 16/2021/TT-BVHTTDL về xếp lương viên chức chuyên ngành di sản văn hóa sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2022, trong đó bổ sung thêm chức danh di sản viên hạng I.
Theo đó, hệ số lương của di sản viên hạng II, III, IV vẫn giữ nguyên như trước đó, còn chức danh di sản viên hạng I được hưởng hệ số lương từ 5,75 - 7,55.
Hiện nay, mức lương cơ sở vẫn thực hiện theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP là 1,49 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức lương cao nhất mà di sản viên hạng I được nhận là 1,49 triệu đồng/tháng x 7,55 = 11.249.500 đồng/tháng.
Hạnh Nguyên (Tổng hợp)
Quy định mới, cách tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất
Giá tính lệ phí trước bạ đối với đất là giá đất tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành theo quy định của pháp luật về đất đai tại thời điểm kê khai lệ phí trước bạ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét