Hủ tiếu, trà sữa, cơm tấm, ốc, cá viên chiên,... đủ các món ăn vỉa hè đang được bán ở phố Tây - Bùi Viện (TP.HCM). Các quán bar đình đám tại đây buộc phải bán đủ mặt hàng xa lạ để duy trì cuộc sống.
Ông Lương Trường Vũ (quận 3) mất công việc bếp trưởng tại một khách sạn lớn ở TP.HCM sau đại dịch. Mức lương gần 20 triệu đồng/tháng không còn. Giờ ông chấp nhận làm lại từ đầu, đứng chế biến hải sản ở góc vỉa hè đường Bùi Viện thay vì chịu thất nghiệp.
31 năm làm bếp, từng nấu phục vụ các đoàn khách cấp cao APEC đến với TP, giờ ông Vũ chấp nhận “kiếm được đồng nào hay đồng đó” nuôi gia đình. “Tôi đọc được tin tuyển dụng của chủ quán bar trên mạng và bắt đầu công việc được nửa tháng rồi. Dù chỉ là mấy bàn ốc vỉa hè nhưng khách tới ăn cũng lác đác, đủ sống qua ngày”, ông nói.
Quán ốc do ông Vũ phụ trách chỉ là một mô hình mới chuyển đổi để cầm cự tại Corner Sky Bar - Bùi Viện. Ngoài ra, bar này còn đang mở bán cả nước đậu xanh rau má, rau củ quả, cơm tấm.
Quản lý Corner Sky Bar cho biết, nghề kinh doanh bar đã làm quá lâu nên không thể bỏ. Việc mở bán đa dạng các mặt hàng chỉ với mục đích cầm chừng, đợi đến ngày hoạt động bar được cho phép mở lại. Số tiền kiếm được từ bán đồ ăn vặt mong đủ trả lương cho nhân viên chứ không hy vọng lợi nhuận.
Ông Lương Trường Vũ đứng bán hải sản vỉa hè Bùi Viện thay công việc bếp trưởng trước đây (ảnh: Trần Chung) |
Quán bar Bùi Viện mở bán thêm nước đậu xanh rau má (ảnh: Trần Chung) |
Trong khi đó, Bar 86 Phố Tây hiện bán trà sữa, sinh tố, cá viên chiên từ 16h-21h hàng ngày cho thực khách dùng tại chỗ. Tháng trước, bar này bán hủ tiếu mang về. Bà Lê Thị Hương - quản lý bar - chia sẻ, dù bán đủ mặt hàng nhưng doanh thu vẫn phải bù chi phí. Trung bình mỗi ngày, tầm 10-20 khách ghé các quán, có ngày được 2 lượt khách vào ăn. Kể cả đồ ăn giá rẻ cũng kén khách.
Kinh doanh vỉa hè không đảm bảo nguồn thu trong khi chi phí thuê mặt bằng dù được chủ nhà hỗ trợ, vẫn là gánh nặng khiến các chủ quán bar thua lỗ mà mọi người vẫn kêu ca là 'lỗ ăn tới xương'.
Theo bà Hương, hoạt động kinh doanh quán bar, vũ trường bị ảnh hưởng từ 2 năm nay do tác động của đại dịch Covid-19, khách nước ngoài giảm rõ rệt, chỉ còn khách Việt Nam. Sau nửa năm giãn cách xã hội, tới giờ tình cảnh thê thảm, nhân viên bỏ về quê kiếm sống gần hết.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (quận 1) đã 10 năm sống tại TP.HCM, cho rằng, việc chuyển đổi mô hình kinh doanh của các quán bar Bùi Viện là bần cùng bất đắc dĩ. Trước dịch, mỗi người có công việc ổn định thì giờ bị xáo trộn. Họ buộc phải “xoay” để tháo gỡ khó khăn. Trước đây, các cửa hàng kinh doanh tốt bao nhiêu thì giờ ế ẩm bấy nhiêu.
Một quán bar khác kinh doanh cơm tự chọn (ảnh: Trần Chung) |
Nhiều bar đình đám giờ để không, dán biển cho thuê (ảnh: Trần Chung) |
Ghi nhận thực tế tại phố Tây - Bùi Viện, nơi từng được mệnh danh là khu vực "quẩy tới bến", rất nhiều quán bar đình đám đều đã phải trả mặt bằng, bên ngoài dán biển thông báo cho thuê. Dẫu vậy, các địa điểm kinh doanh này vẫn chưa có chủ thuê mới và tiếp quản dù vị trí đắc địa ngay trung tâm quận 1.
Liên quan đến kế hoạch cho phép quán bar, karaoke hoạt động trở lại trong bối cảnh các đơn vị kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau thời gian dài đóng cửa, ông Phạm Đức Hải - Phó trưởng BCĐ Phòng, chống dịch TP.HCM - nhắc lại quan điểm mở cửa dịch vụ của TP là “mở cửa phải an toàn, an toàn mới mở cửa”.
Thực tế, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngày 1/11, khi TP công bố cấp độ dịch chỉ có 4 phường, xã, thị trấn ở cấp độ 3. Nhưng đến ngày 8/11, số địa phương cấp độ 3 lên đến 13 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, số ca nhập viện luôn cao hơn số ca xuất viện. Đại diện TP khẳng định, hiện chưa đủ điều kiện để cho những tổ chức, đơn vị kinh doanh các dịch vụ như bar, karaoke mở lại.
Trần Chung
Tình huống lịch sử: Con số lo sợ và cảnh báo 'sự trừng phạt'
Sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, chỉ có 2-3% hộ gia đình cho rằng vẫn ổn. Người giàu cũng thắt chặt chi tiêu và đặt mối quan tâm dịch bệnh, có công ăn việc làm lên hàng đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét