Từ một vùng đất hoang hóa, cằn cỗi nhưng với quyết tâm và nghị lực phi thường, ông Phan Đình Đường (Nghệ An) đã cho ra đời loại chè có thương hiệu riêng để xuất khẩu, thu nhập hàng chục tỷ đồng.
Khai phá vùng đất "chết"
Năm 1985, sau khi tốt nghiệp THPT, ông Phan Đình Đường (SN 1962, trú xóm 1, xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã nối nghiệp truyền thống của gia đình làm nghề y bốc thuốc cứu người.
Ông Đường kể lại, thời điểm đó, nhiều gia đình trong xã Hạnh Lâm bị những cơn sốt rét hành hạ. Mỗi khi có người bị bệnh, ông phải băng rừng lội suối đến từng nhà dân để điều trị cho bà con.
"Ngày xưa vùng đất này như vùng "đất chết", núi rừng bao quanh, đời sống người dân nơi đây vô cùng khó khăn, cây cối hoa màu không phát triển được", ông Đường nhớ lại.
Cuộc sống vất vả khó khăn là vậy, nhưng ông Đường vẫn luôn "bám" thôn bản hàng ngày để chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương. Với mong muốn phát triển kinh tế gia đình, ngoài làm tròn trách nhiệm y tá thôn bản, ông còn vào rừng khai hoang đất rừng để thử nghiệm nhiều loại cây trồng mới.
Tuy nhiên, các loại cây ăn quả, cây thân gỗ sau khi trồng thử nghiệm đều không đem lại hiệu quả. Sau đó, ông Đường đưa cây chè xanh vào trồng thử nghiệm và thấy cây chè bén rễ và xanh tốt qua thời gian.
Năm 1999, ông là người tiên phong đưa giống chè xanh mới vào trồng mở rộng tại địa phương. Những năm đầu trồng chè, gia đình chỉ biết hái chè thành bó đi bán cho người dân ở thị trấn Dùng, huyện Thanh Chương và một số địa phương khác.
Sau thời gian trăn trở, tìm tòi học hỏi, ông Đường đã học được cách sao chè và bắt đầu tìm kiếm thị trường. Nhờ đó, kinh tế gia đình ông dần dần ổn định và phát triển.
"Ngày trước thu hoạch bán chè chỉ từ 2.000-5.000 đồng/bó, trong khi nhiều địa phương khác lại bán chè khô từ 30.000-40.0000 đồng/kg. Tôi rất trăn trở, quyết nghiên cứu và bằng mọi cách tìm hiểu kỹ thuật làm chè khô để làm sao mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn", ông Đường chia sẻ.
Thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm
Theo lãnh đạo UBND xã Hạnh Lâm (huyện Thanh Chương, Nghệ An), ông Phan Đình Đường là người tiên phong đi đầu trong việc chế biến sản xuất chè xanh. Đến nay ngoài một lượng lớn chè bán ra thị trường trong nước, sản phẩm chè xanh Đường Hương còn xuất khẩu ra nước ngoài và dần khẳng định thương hiệu chè xanh xứ Nghệ.
Từ khi bắt tay vào sản xuất, chế biến chè khô, mở rộng thị trường tiêu thụ, nhu cầu về nguyên liệu rất lớn, vì thế ông Đường đã hướng dẫn, khuyến khích người dân trong vùng khai hoang đất trồng chè. Đồng thời đứng ra cam kết thu mua, bao tiêu sản phẩm của bà con.
Sau khi thấy việc làm ăn bắt đầu tiến triển, để mở rộng sản xuất ông đã một mình đi đến các tỉnh thành như: Yên Bái, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Đắc Lắc... để nghiên cứu mua máy móc thiết bị đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm trà xanh mang thương hiệu của mình.
"Thời gian đầu khởi nghiệp, gia đình gặp muôn vàn khó khăn, tất cả vốn liếng đều phải vay mượn của anh em bạn bè. Quá trình lao động sản xuất, tôi đã tích góp và trả được nợ, đặc biệt còn mở rộng được nhà máy, thuê thêm nhân công và chú trọng hơn về chất lượng sản phẩm", ông Đường cho biết thêm.
Để đáp ứng được việc tiêu thụ sản phẩm cho vùng chè nguyên liệu của người dân địa phương, năm 2004, ông Đường mở rộng quy mô sản xuất, mua thêm nhiều máy móc thiết bị để đáp ứng năng suất ngày càng cao của cây chè. Hiện nay, cơ sở sản xuất của ông đã tạo công ăn, việc làm cho 20 lao động thường xuyên với mức lương 4-6 triệu đồng/người/tháng.
Chè sau khi được thu mua về, sẽ được chọn lựa để sao, vò chè, chuyển đến dây chuyền sấy rồi phân loại, đóng gói chè trong quy trình khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...
"Mỗi tấn chè tươi sau khi chế biến, sao ra được 150 kg chè khô loại một và hơn 50 kg chè loại 2. Chè tươi được thu mua tại địa phương 3.000 đồng/kg. trong khi đó chè khô sau khi chế biến và bán ra giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg. Bình quân doanh thu mỗi năm của gia đình khoảng 20 tỷ đồng", ông Đường chia sẻ.
Hiện nay, sản phẩm của cơ sở sản xuất chế biến chè Đường Hương chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Pakistan, Afghanistan, Ả rập xê Út và nhiều thị trường khác.
Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến dịch Covid-19 phức tạp, gia đình ông Đường đã tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội, như nấu hàng trăm suất cơm ủng hộ cho lực lượng tuyến đầu chống dịch. Bên cạnh đó, hỗ trợ làm đường nông thôn, giúp đỡ hộ nghèo..., được người dân địa phương quý mến, khâm phục.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Thanh Chương đánh giá: "Đây là mô hình, là cơ sở sản xuất chế biến chè xanh khép kín với hệ thống máy móc hiện đại, mang lại cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương".
(Theo Dân Trí)
Phá vườn trái cây để trồng kiểng cổ thụ, lão nông miền Tây giàu bất ngờ
Quyết tâm phá vườn cây ăn trái để trồng cây kiểng trong đó cây tùng là chủ đạo, ông Thoại đã mua được hàng chục nghìn mét vuông đất và có vườn cây nổi tiếng cả nước trị giá hàng chục tỷ đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét