Quá trình điều tra, xác minh, Tổng cục Hải quan phát hiện vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép trên 53 triệu USD ra nước ngoài liên quan tới hơn 70 doanh nghiệp, diễn ra từ 2017-2020, với nhiều đối tượng tham gia.
Khi thuế suất bằng 0
Liên quan vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép trên 53 triệu USD ra nước ngoài thông qua hợp đồng mua bán phần mềm, linh kiện điện tử giả do Trịnh Tiến Dũng (SN 1973) cầm đầu vừa bị Bộ Công an khởi tố, theo nguồn tin của Tiền Phong, các đối tượng cơ bản đã khắc phục, nộp lại khoản tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chiếm đoạt trước đó.
Quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an làm rõ nhóm đối tượng là lãnh đạo, cán bộ Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam và Cty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) đã “tiếp tay” cho Trịnh Tiến Dũng, chiếm đoạt trên 500 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT.
Cụ thể Trịnh Tiến Dũng đã móc ngoặc với các đối tượng tại Thuduc House lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt hơn 365 tỷ đồng tại Cục Thuế TPHCM; móc nối với các đối tượng tại Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam lập hồ sơ hoàn thuế GTGT chiếm đoạt hơn 153 tỷ đồng tại Cục Thuế Tây Ninh.
Trước đó, cuối năm 2020, thông qua các hoạt động nghiệp vụ, các đơn vị hải quan của một số tỉnh thành phía Nam phát hiện dấu hiệu nghi vấn trong hoạt động xuất khẩu (XK) hàng hóa tại Thuduc House và Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam.
Hai doanh nghiệp (DN) này XK các loại linh kiện điện tử như máy tính mini, bộ nhớ IC, bộ nhớ RAM, thẻ nhớ, bộ vi xử lý chip, CPU máy tính cho đối tác tại Mỹ, Hồng Kông, Campuchia, Singapore, Malaysia...
Đáng chú ý, hàng hóa không qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào mà xuất thẳng cho các đối tác. Sau khi XK, các DN làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại các cục thuế có đăng ký hoạt động của DN. Mặt hàng XK là linh kiện điện tử được tính thuế suất 0%.
Theo xác minh của Tổng cục Hải quan, Thuduc House đăng ký kinh doanh tại phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP. HCM. Từ 17/2/2017 đến 2/8/2019, DN này mở 501 tờ khai XK, trị giá tính thuế 5.286 tỷ đồng.
Các bị can từ trái sang phải: Nguyễn Thị Bích Ngọc, Quan Minh Tuấn, Nguyễn Văn Lành, Nguyễn Vũ Bảo Hoàng, Nguyễn Ngọc Trường Chinh |
Theo rà soát của Hải quan, tháng 11/2012, Thuduc House thành lập công ty con là Cty CP Thuduc House Wood Trading, đồng thời mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ công ty con này để XK.
Cty CP Thuduc House Wood Trading chỉ ký hợp đồng mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ Cty TNHH An Lành Phát. Hàng hóa bán cho Cty CP Thuduc House Wood Trading được Cty TNHH An Lành Phát mua từ 4 công ty trong nước.
Sau khi hoàn tất thủ tục xuất, Thuduc House làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế TP.HCM. Từ tháng 2/2018-8/2019, DN này được hoàn thuế GTGT 17 lần với số tiền gần 261 tỷ đồng.
Đối với Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam (đăng ký kinh doanh tại xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, Tây Ninh), theo xác minh của Hải quan, từ 26/3/2018-29/5/2020, DN này mở 141 tờ khai XK, trị giá tính thuế 1.645 tỷ đồng. Mặt hàng XK chủ yếu là linh kiện điện tử, xuất xứ từ Trung Quốc, Malaysia.
Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam có ký hợp đồng mua các mặt hàng linh kiện điện tử từ 4 công ty trong nước, XK cho các đối tác nước ngoài và cũng không trải qua bất kỳ công đoạn sản xuất nào. Sau khi hoàn tất thủ tục XK, Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam làm thủ tục hoàn thuế GTGT tại Cục Thuế tỉnh Tây Ninh với số tiền 75,5 tỷ đồng.
Bắt 20 đối tượng, thu giữ 200 con dấu
Theo xác minh của các cơ quan thuế, phần lớn các DN bán hàng cho Thuduc House và Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam trên đều không có tại địa chỉ đăng ký; thường xuyên thay đổi thông tin về địa chỉ trụ sở chính, thông tin về chủ DN, người đại diện theo pháp luật, thông tin về nơi đăng ký quản lý thuế…
Đáng chú ý, qua xác minh tại các ngân hàng thương mại, cơ quan chức năng nhận thấy, 2 DN trên có nhận tiền từ nước ngoài chuyển vào các tài khoản ngân hàng thương mại.
“Xác minh 89 tài khoản của 32 tổ chức, cá nhân liên quan mở tại 18 ngân hàng thương mại, bước đầu xác định được mối quan hệ giữa các đối tượng trong việc mua, bán hàng hóa, dòng tiền chuyển đến, chuyển đi”, đại diện một cơ quan thuế cho biết.
Tổng cục Hải quan cũng xác minh tại nước ngoài và được Hải quan Hong Kong xác nhận có 3 lô hàng XK của Thuduc House không được nhập khẩu vào Hong Kong; còn xác minh tại 2 công ty NK ở Campuchia thì không có dữ liệu NK của Thuduc House và Cty CP Thương mại Sài Gòn Tây Nam trong năm 2018 và 2019.
Phân viện Khoa học hình sự phía Nam (C09B - Bộ Công An) cũng giám định một số dữ liệu, hợp đồng với phía đối tác nước ngoài có dấu, chữ ký nhưng bị chỉnh sửa. Kết quả điều tra, từ giữa tháng 12/2020, Cục Cảnh sát C03 đã bắt 20 đối tượng liên quan, thu giữ 200 con dấu của các tổ chức trong và ngoài nước.
Trên cơ sở số liệu của Tổng cục Hải quan và tài liệu thu giữ của đối tượng, DN có liên quan, cơ quan hải quan xác định có 70 DN liên quan đến vụ án. Trong số này có những DN do các đối tượng thuê hoặc mua lại để thực hiện hành vi phạm tội thông qua những pháp nhân này.
Ngày 26/11, xác nhận với Tiền Phong, ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, khoản tiền 365 tỷ đồng Thuduc House chiếm đoạt đã được nộp khắc phục hậu quả cho cơ quan điều tra. Phía Cục Thuế TPHCM cũng đã gỡ bỏ lệnh cưỡng chế phong tỏa hóa đơn của Thuduc House từ tháng 6/2021. |
Ngày 30/12/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và C03 - Bộ Công an đã họp và thống nhất với Viện KSND Tối cao khởi tố vụ án về các tội: Tội buôn lậu; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
Theo Tổng cục Hải quan, trong vụ án này, đối tượng cầm đầu đã lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để câu kết chặt chẽ, thực hiện hành vi buôn lậu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Sau đó, Tổng cục Hải quan đề xuất Tổng cục Thuế chỉ đạo các cục thuế địa phương rà soát, thu hồi số tiền hoàn thuế với DN, đồng thời cần xem xét tạm dừng hoàn thuế cho các DN xuất khẩu các mặt hàng có giá trị tính thuế khai báo lớn như linh kiện điện tử.
Tổng cục Hải quan đang phối hợp với C03 - Bộ Công an mở rộng điều tra, xác minh và xử lý nghiêm theo quy định đối với 70 DN liên quan.
(Theo Tiền Phong)
Chuyển ngoại tệ qua kênh 'chợ đen': Tiện nhưng bất an
Nhiều người chọn cách giao dịch ngoại tệ qua “chợ đen” vì ngại thủ tục rườm rà, mất thời giờ khi qua ngân hàng. Kênh “chợ đen” có thể tiện nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét