Tàu du lịch nằm chơi dài, không có khách trong nhiều tháng qua vì dịch Covid-19 xong vẫn mất hàng trăm triệu tiền phí neo đậu. Các chủ tàu còn chỉ ra bất cập trong quy hoạch bến du lịch hiện nay tại TP.HCM.
Tàu nằm cảng chơi không, mất trăm triệu đều như vắt chanh
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông An Sơn Lâm - Giám đốc Công ty Thuyền buồm Đông Dương - cho biết, nếu có người mua tàu, doanh nhân này sẵn sàng bán “thẳng tay”, chịu lỗ và không tiếp tục hoạt động kinh doanh du lịch đường sông nữa.
Lý do ông Lâm đưa ra là khó khăn đang chồng chất khiến DN kiệt quệ. TP.HCM sở hữu chiều dài đường sông lớn, dẫu vậy, ngành du lịch đường sông của TP chưa có bến du lịch đúng nghĩa. Trong khi đó, tàu nhà hàng du lịch phải neo đậu ở các đơn vị không đúng chức năng. Ví dụ, việc tàu phải neo đậu ở Cảng Sài Gòn là đơn vị khai thác lĩnh vực tàu biển, khiến những tàu nhà hàng không có khách nhưng vẫn chịu chi phí rất lớn.
“Chi phí neo đậu một tàu ít nhất khoảng 200 triệu/tháng chưa tính ngân sách cho thủy thủ đoàn. Đây rõ ràng là mức phí quá cao ngang tàu đẳng cấp quốc tế. Khách chẳng có một bóng người. Vì đã trót đầu tư rồi nên chúng tôi không còn cách nào khác”, ông Lâm chua xót.
Tàu nằm chơi không nhưng chi phí neo đậu ngốn trăm triệu một tháng (Ảnh: Trần Chung) |
Tàu nhà hàng và doanh nghiệp du lịch đường sông mong sự hỗ trợ từ chính quyền TP.HCM (ảnh: Trần Chung) |
Trong các tháng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, phía Cảng Sài Gòn đã hỗ trợ giảm 50% chi phí neo đậu nhưng theo đơn vị kinh doanh du lịch đường sông, số tiền phải trả vẫn là sức ép khủng khiếp lên tài chính của DN.
Ông Nguyễn Hải Linh, Chủ tàu Nhà hàng Elisa, thông tin, Cảng Sài Gòn áp dụng mức phí của cảng biển nên phương tiện chịu mức phí cảng biển tương đương. Tuy nhiên, tàu nhà hàng cần được hưởng quy chế của bến thủy nội địa, tức là mức phí neo đậu phải trả thấp hơn nhiều lần.
Ngoài chi phí neo đậu đang là gánh nặng lớn, các tàu còn chịu hàng loạt chi phí như: trả gốc và lãi vay ngân hàng; chi phí lương cho người lao động; chi phí bảo dưỡng tàu,...
Kiến nghị giảm phí neo đậu và có quy hoạch bến du lịch hợp lý
Trước những khó khăn đang gặp phải, đại diện tàu du lịch nhà hàng hoạt động trên sông Sài Gòn vừa có đơn kiến nghị gửi Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM và các ngành chức năng.
Chủ tàu kiến nghị Cảng Sài Gòn mức giảm phí neo đậu cao hơn nhưng không được chấp nhận. Để cứu lấy loại hình du lịch có tính đặc thù, các DN mong lãnh đạo TP và các Sở, ngành có giải pháp hỗ trợ để giảm nhiều hơn mức 50% phí thuê cầu bến đang áp dụng. Hình thức hỗ trợ phù hợp nhất là tạo điều kiện về chỗ neo đậu không tính phí, hoặc có mức phí phù hợp giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn này.
“Chúng tôi đã kiến nghị tạo hành lang mềm để phân biệt ranh giới hoạt động giữa các tàu nhà hàng với tàu du lịch quốc tế, từ đó có giải pháp kiểm soát người lên xuống tàu và áp dụng mức phí phù hợp, nhưng chưa được giải quyết. Đồng thời, các tàu nhà hàng hoạt động cũng phải chịu sự kiểm soát của lực lượng biên phòng do khách quốc tế và nội địa ra vào chung một cổng. Sự chồng lấn này gây trở ngại cho quá trình khai thác du lịch trên địa bàn thành phố”, các DN phản ánh.
Do đó, các chủ tàu mong muốn sớm tạo hành lang mềm ngay trong Cảng Sài Gòn nhằm linh động phân biệt. Khu vực các tàu nhà hàng hoạt động, áp dụng chính sách của bến thủy nội địa. Khu vực còn lại là nơi các tàu quốc tế neo đậu. Việc tạo hành lang mềm cũng sẽ giúp khách du lịch giảm thiểu phiền toái khi sử dụng dịch vụ du lịch đường sông tại cảng.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du thuyền Việt Princess - ông Trương Quang Cường - cho rằng, tại Hoa Kỳ, châu Âu, các nước phát triển hay ngay cả ở Campuchia, Lào thì nơi nào đẹp nhất sẽ quy hoạch làm bến tàu du lịch. Ngay ở Việt Nam, TP. Đà Nẵng hay TP. Mỹ Tho (Tiền Giang), những cảng du thuyền hay bến tàu du lịch đều nằm ở trung tâm TP, thuận tiện cho khách du lịch quốc tế hoặc khách nội địa trải nghiệm ăn tối trên sông nước.
Riêng tại TP.HCM, theo ông Cường, năm 2015, TP yêu cầu di dời tàu nhà hàng từ bến Bạch Đằng (quận 1) sang Cảng Sài Gòn (quận 4) khiến hoạt động đón khách dần bị ảnh hưởng. Chưa kể, thời gian tới, lại tiếp tục có quy hoạch cảng bến thủy nội địa cho tàu nhà hàng, tàu khách tại Mũi Đèn Đỏ (quận 7) - cách trung tâm TP hơn 10km.
“Không biết tương lai phát triển đường thủy của TP.HCM sẽ đi về đâu nếu quy hoạch xong. Chúng tôi biết nhu cầu của khách hàng và không nơi nào làm quy hoạch như vậy. Không ai bỏ ra 1 tiếng 30 phút di chuyển đi về từ trung tâm TP chỉ để lên tàu ăn tối 2 tiếng”, ông Cường nói.
Đại diện Việt Princess mong muốn các cơ quan chức năng của TP cần nghiêm túc đánh giá lại công tác quy hoạch bến thủy nội địa, không để du lịch đường sông đã “ngạt thở” trong đại dịch lại tiếp tục tục “tắt thở” thời gian tới.
Trần Chung
Vừa mở đã lệnh đóng, chủ karaoke khóc ròng vì trở tay không kịp
Hệ thống karaoke trở tay không kịp và bị thiệt hại nặng sau quyết định mở - đóng chỉ trong 2 ngày của chính quyền TP.HCM.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét