Hầu hết nhà máy của các doanh nghiệp FDI cũng như DN trong nước đã quay trở lại hoạt động sau thời gian dài giãn cách xã hội. Việc dọn đường đón dòng vốn FDI chất lượng cao hơn vẫn cần phải chú trọng.
Việt Nam vẫn còn lợi thế, FDI chưa rời đi
Những ngày đầu tháng 11/2021, bên lề Hội nghị COP26 tại Glasgow, Scotland, Vương Quốc Anh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp ông Nobel Kinder, Giám đốc phát triển bền vững Tập đoàn Nike.
Nike là một trong những tập đoàn nước ngoài có trăm nhà cung ứng ở Việt Nam, gia công hàng loạt sản phẩm cho tập đoàn này bán khắp toàn cầu. Những ngày dịch bệnh căng thẳng ở Việt Nam, thương hiệu này trở thành tâm điểm dư luận khi rộ lên các thông tin “Nike rời Việt Nam”.
Trong cuộc gặp, ông Nobel Kinder thông báo tin vui, toàn bộ gần 200 nhà máy của Nike ở các địa phương bị đứt gãy do Covid-19 đã quay lại sản xuất. Tập đoàn này cũng cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam.
Tập đoàn Nike cam kết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. |
Câu chuyện của Nike cũng được nhắc lại trên các cuộc họp Tổ tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV vừa qua.
Thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (đoàn đại biểu QH tỉnh Vĩnh Phúc) không quên nhắc đến thông tin cho rằng một số doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Ông khẳng định không có việc này và cho biết, khi Bộ Ngoại giao trao đổi với một số doanh nghiệp lớn như Adidas, Apple,... các DN phản hồi rằng việc giãn cách xã hội trong thời gian tương đối dài nên một số đơn hàng không đáp ứng được. Vì thế, họ phải chuyển một số đơn đặt hàng đi, tuy nhiên cơ sở sản xuất tại Việt Nam đang phục hồi và tiếp tục mở rộng.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao cũng thông tin, các tập đoàn lớn như Foxconn, Apple, Intel,... còn muốn mở rộng sản xuất. Các doanh nghiệp FDI đều nhận thấy tiềm năng lớn của Việt Nam, nhất là các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.
Còn tại buổi họp báo ngày 15/11 giới thiệu sự kiện Cotton Day Vietnam 2021, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay, các nhãn hàng hiện có niềm tin khi Việt Nam tái mở cửa nền kinh tế.
Ông tin rằng, chỉ khi nào áp lực về thời gian giao hàng quá gấp, không thể tính toán cân đối được thì các nhãn mới chuyển đơn hàng đến quốc gia khác đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, khi đó, DN mất rất nhiều chi phí vận chuyển, tổ chức sản xuất và đánh giá chất lượng nhà máy nên không nhiều doanh nghiệp chuyển giao đơn hàng ra nước ngoài.
Dòng vốn FDI vẫn cần nâng thêm "chất" |
Tín hiệu phục hồi, chú ý nâng chất dòng vốn FDI
Số liệu về xuất nhập khẩu vừa được Tổng cục Hải quan công bố cho thấy, hoạt động của khu vực FDI tại Việt Nam bắt đầu phục hồi sau khi mở cửa trở lại từ đầu tháng 10. Xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 10 đạt 20,68 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng 9 (tháng 9 giảm 0,7% so với tháng 8; tháng 8 chỉ tăng nhẹ 0,1% so với tháng 7).
Tính đến 15/11/2021, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt gần 208 tỷ USD, tăng 20,5%, tương ứng tăng 35,43 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm hơn 73% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.
Việc ‘thần tốc’ tiêm vắc xin phòng chống Covid-19, chuyển chính sách chống dịch, hạn chế giãn cách diện rộng,... là cơ sở để hoạt động sản xuất của khu vực FDI nói riêng và các doanh nghiệp nói chung không bị gián đoạn như từng xảy ra.
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức Thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (JETRO Hà Nội), đánh giá: Việt Nam đã bước vào trạng thái bình thường mới, trong khi các điều kiện kinh tế cơ bản của Việt Nam không thay đổi như nền chính trị ổn định, lực lượng lao động xuất sắc và chi phí tương đối thấp, các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực từ 2022, Chính phủ quyết liệt thu hút đầu tư...
Dù nhiều tập đoàn có tìm kiếm các quốc gia khác ngoài Việt Nam nhằm đa dạng hóa rủi ro, nhưng ông Takeo Nakajima cho rằng các nước khác cũng đang có những vấn đề tương tự cần giải quyết. Do đó, tình thế này vẫn là cơ hội tốt để một lần nữa Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư và củng cố thế mạnh của mình.
Mong muốn Việt Nam nâng “chất” dòng vốn FDI, TS Phạm Hùng Tiến, Viện Friedrich Naumann (FNF), nhận định: Hơn 30 năm nay, đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu là gia công, lắp ráp, tận dụng lực lượng lao động giá rẻ,... Đó là điều phải thay đổi. Bởi, có những nền kinh tế cũng từng trải qua quãng thời gian thu hút FDI như Việt Nam, nhưng giờ vươn lên ở trình độ rất cao về công nghệ, trình độ sản xuất.
Vì vậy, thu hút FDI hiện nay, quan trọng nhất vẫn là tạo ra được tác động lan tỏa đến khu vực kinh tế nội địa, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn, tận dụng được việc chuyển giao công nghệ từ các DN FDI. Những điều này đã có sự thay đổi phần nào, nhưng “chưa có thành công nổi bật”.
Để thay đổi về chất nhà đầu tư, TS Phạm Hùng Tiến nhìn câu chuyện lao động, nguồn nhân lực từ thực tế đợt “di dân” từ TP.HCM về các tỉnh vừa qua. Những người công nhân trong thành phố vẫn chưa thực sự trở thành công dân chính thức của các thành phố khi không có hộ khẩu, những chiếc xe máy vẫn mang biển tỉnh và không nhận được những chế độ của một công dân ở thành phố đó.
Vì vậy, thu hút FDI, đầu tư các khu công nghiệp cũng phải xây dựng được thành những tổ hợp với đủ nhà ở cho công nhân, trường học, chợ cùng các vấn đề dân sinh khác cho hàng chục, hàng trăm nghìn lao động. Làm được những điều này, thành phố sẽ thu hút được các nhà đầu tư có trách nhiệm xã hội tới.
“Nếu không có những công trình như trên, chúng ta vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài, nhưng vẫn sẽ là các DN như cách đây 20-30 năm. Nếu có chiến lược đầu tư bài bản thì sẽ thu hút được nhà đầu tư đến từ châu Âu, trong những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao”, TS Phạm Hùng Tiến chia sẻ.
Lương Bằng
'Nike rời Việt Nam': Tin fake và điều cần cảnh báo
Thông tin “Nike rời Việt Nam” được xác nhận là tin giả bởi thực tế Nike không sở hữu bất cứ nhà máy nào ở Việt Nam, mà chỉ thuê các nhà máy do các đối tác gia công sản phẩm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét