Thứ Sáu, 12 tháng 11, 2021

Nghiên cứu giảm thuế phí để ghìm giá xăng

Trước đề xuất giảm thuế phí để ghìm đà tăng của giá xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết - đang thực hiện theo thẩm quyền, nghiên cứu đề xuất này, để báo cáo Chính phủ.

Bộ Tài chính đang nghiên cứu

Sau kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 10.11, giá bán các mặt hàng xăng dầu đều tăng cao; trong đó xăng E5 RON 92 lên tới 23.669 đồng/lít, còn xăng RON 95-III là 24.996 đồng/lít.

Như vậy, giá xăng RON 95 đã tiến sát ngưỡng 25.000 đồng/lít, chỉ còn cách mức "đỉnh" lịch sử thiết lập hồi tháng 7.2013 (25.070 đồng/lít) khoảng 80 đồng. Và tăng liên tiếp trong 5 lần điều chỉnh vừa qua.

Để ghìm đà tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, từ quý III.2021, Bộ đã đề xuất Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính rà soát giảm các loại, đặc biệt là thuế bảo vệ môi trường, đối với mặt hàng này. Vì điều hành xăng dầu là nhiệm vụ của Bộ Công Thương, nhưng chính sách giảm thuế phí thì do Bộ Tài chính tính toán. 

Giá xăng tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh chiều 10.11. Ảnh: Tuấn Nguyên

Giá xăng tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh chiều 10.11. Ảnh: Tuấn Nguyên

Trao đổi với Lao Động, ông Trương Bá Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được đề xuất giảm thuế để giảm giá xăng của Bộ Công Thương. "Chúng tôi đang thực hiện theo thẩm quyền, nghiên cứu trước đề xuất này, để báo cáo Chính phủ. Thời điểm này chưa có thông tin gì", ông Tuấn nói.

Còn ông Đặng Công Khôi - Phó cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho Lao Động hay, để "chặn đà" tăng của giá xăng dầu cần phải theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới và sẵn sàng các phương án để thực hiện Nghị định 95/2021, sửa đổi bổ sung Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu. 

Lúc đó, thời gian điều hành giá xăng dầu tăng lên 3 lần một tháng (ngày 1, ngày 11 và 21 hàng tháng), mỗi kỳ điều chỉnh giá cách nhau 10 ngày để sát hơn với giá biến động của thế giới.

Quỹ Bình ổn âm nặng, cần giảm thuế phí để ghìm đà tăng giá xăng

Một quan chức Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho Lao Động biết, theo thống kê của hơn 40 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, hiện Quỹ Bình ổn xăng dầu đang âm hơn 1.400 tỉ đồng.

Trong đó, riêng Quỹ Bình ổn xăng dầu tại Petrolimex âm hơn 200 tỉ, tại PVOil cũng âm hơn 700 tỉ đồng. Thời điểm hiện tại không thể trông chờ vào Quỹ Bình ổn xăng dầu, mà phải tính toán các biện pháp cao hơn như giảm từ 10-30% các loại thuế phí cấu thành vào giá xăng, trong đó có thuế Bảo vệ môi trường.

Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (với xăng E5RON92 là 3.800 đồng, xăng RON95 là 4.000 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng...). 

Theo vi này, trong số các loại thuế phí cấu thành nên giá xăng, không thể giảm thuế nhập khẩu bởi theo các cam kết tại Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, mức thuế này sẽ giảm dần về 0%.

Hiện thuế nhập khẩu với dầu diesel đã gần về 0%, còn với xăng sẽ giảm về 0% vào năm 2024 theo cam kết Hiệp định thương mại tự do ASEAN. Chính vì vậy, cân nhắc giảm thuế Bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt là phương án tối ưu.

Dù vậy, việc hạ thấp thuế xăng dầu cần phải được tính toán một cách kỹ lưỡng, giảm loại thuế nào, bao nhiêu phần trăm và thời hạn ra sao.

Bởi lẽ, việc hạ thấp thuế đối với xăng dầu cũng có những mặt hạn chế, như không khuyến khích các doanh nghiệp trong nền kinh tế sử dụng tiết kiệm năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng.

(Theo Lao Động)

Giá xăng tăng mạnh, thiếu 4 đồng chạm đỉnh 25.000 đồng/lít

Giá xăng tăng mạnh, thiếu 4 đồng chạm đỉnh 25.000 đồng/lít

Giá xăng trong kỳ điều hành ngày 10/11 tiếp tục tăng còn giá nhiều mặt hàng dầu giữ nguyên.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét